• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xác lập thương hiệu: Giúp nông sản "cất cánh"

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa, 16/08/2017
Ngày cập nhật: 20/8/2017

Những nông sản mũi nhọn của Khánh Hòa đã và đang được đưa vào Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Tin rằng, cùng với hàng loạt chính sách, việc công nhận thương hiệu sẽ giúp nông sản Khánh Hòa “cất cánh”.

Nông sản mũi nhọn

Có tổng cộng 6 sản phẩm đã được đưa vào Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, gồm: sầu riêng Khánh Sơn, nước mắm Nha Trang, yến sào Nha Trang, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang và xoài Cam Lâm. Với mục tiêu xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu, các giải pháp nhằm bảo vệ, phát triển thương hiệu và giá trị của sản phẩm đã được tính đến.

Với đặc trưng cơm vàng hạt lép, trái sầu riêng ở Khánh Sơn từ lâu đã khẳng định được chất lượng thơm ngon, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đây cũng là trái cây đầu tiên của Khánh Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu vào tháng 3-2011. Hay như trái dừa xiêm ở Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa chinh phục người dùng bởi bầu nước ngọt thanh, cơm dừa béo dẻo. Sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2016. Với những thương hiệu mạnh hơn như: yến sào, nước mắm, xoài… không chỉ là sản phẩm đặc trưng mà từ lâu còn được xem là hồn cốt của mảnh đất Khánh Hòa.

Bưởi da xanh Khánh Vĩnh đang được xúc tiến xây dựng thương hiệu

Còn nhiều việc phải làm

Xác lập thương hiệu cũng là bước khẳng định chất lượng của sản phẩm được làm ra bởi công sức, trí tuệ của nông dân Khánh Hòa. Nhà nước đã bảo hộ cho thương hiệu ấy, nhưng làm sao để sản phẩm nông sản được chứng nhận thương hiệu có bước phát triển hơn trước, mang về thu nhập tốt hơn cho nông dân mới là mục tiêu chính mà Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh hướng đến.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), đơn vị chủ trì thực hiện chương trình này, song hành với quá trình xem xét, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, công tác bảo vệ và phát triển nhãn hiệu cũng được chú trọng thông qua các nhiệm vụ cụ thể. Bà Lê Vinh Liên Trang - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết: “Sở đã tuyên truyền, phổ biến về chương trình sâu rộng đến các địa phương, tổ chức, hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai hoạt động hỗ trợ địa phương phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh thông qua việc đăng ký thực hiện hoặc đề xuất các dự án theo kế hoạch từng năm cho các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ gồm 3 nhãn hiệu chứng nhận: sầu riêng Khánh Sơn, yến sào Nha Trang, xoài Cam Lâm và 3 nhãn hiệu tập thể: nước mắm Nha Trang, dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang. Ngoài ra, trong năm 2017, sở đã tổ chức 2 Hội đồng xét duyệt thuyết minh Dự án xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Táo Cam Thành Nam” và “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”. Thời gian tới, sở tiếp tục xem xét đề xuất từ các địa phương đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các phẩm đặc trưng như: tỏi, dừa xiêm Tuần Lễ, mía tím Khánh Sơn, chả cá Vạn Ninh…

Theo ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các sản phẩm nông sản đặc trưng của Khánh Hòa đã và đang được xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nói riêng và hoạt động chăn nuôi, trồng trọt của tỉnh nói chung, sở đang tiếp tục định hướng phát triển các loại cây trồng đã khẳng định được hiệu quả và tìm kiếm các loại cây trồng mới thích hợp, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh. Trong đó, đặc biệt định hướng phát triển theo quy trình an toàn, sạch. Có như vậy mới có thể bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản Khánh Hòa.

Đồng quan điểm này, bà Lê Vinh Liên Trang nhìn nhận: “Thời gian qua, việc phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy vậy, quá trình triển khai vẫn có một số khó khăn như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đầu tư tốt cho các khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển; chưa có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nguồn tiêu thụ chưa ổn định, chưa đảm bảo về đầu ra, giá cả. Đặc biệt, với sản phẩm nông nghiệp, quá trình sản xuất bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những rủi ro về thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giống và các yếu tố đầu vào khác… Cùng với đó, kinh nghiệm trong việc quản lý và bảo vệ phát triển uy tín thương hiệu còn hạn chế, chưa huy động được mọi nguồn lực xây dựng thương hiệu từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông lâm thủy sản để tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm; đưa thông tin về sản phẩm lên phương tiện thông tin đại chúng để khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn… Song song đó, đưa các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa vào danh mục Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia”.

Bên cạnh mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện, chương trình cũng đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành. Theo đó, Sở KH-CN xác lập và bảo vệ thương hiệu; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quy hoạch ngành cũng như phổ biển ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nuôi trồng với những cây trồng, vật nuôi thích hợp; Sở Công Thương chăm lo cho việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng đã được xác lập thương hiệu… Đặc biệt, chương trình xác định nhiệm vụ chính vẫn thuộc về các địa phương và chủ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Bởi hơn ai hết, UBND các huyện, thị xã, thành phố là đơn vị sâu sát nhất trong việc xác định sản phẩm, định hướng phát triển và bảo vệ thương hiệu. Mặt khác, các chủ nhãn hiệu mới là nhân tố có tính quyết định đến sự sống còn của thương hiệu đó. Trong quá trình thực hiện chương trình, các cấp, ngành chỉ đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích. Còn sản phẩm đặc trưng ấy có thực sự là một thương hiệu mạnh, đứng vững và phát triển được trên thị trường hay không phần lớn phụ thuộc vào quá trình sản xuất, chế biến của nông dân.

C.Đ

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang