• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Thọ: Những nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Phú Thọ, 11/08/2017
Ngày cập nhật: 12/8/2017

Vườn cam của gia đình anh Trần Anh Tuấn ở xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng.

Để tiếp thêm động lực, niềm đam mê sản xuất cho người dân, hàng năm, Hội nông dân tỉnh Phú Thọ đều phát động phong trào “thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút được đông đảo người dân tham gia. Năm 2016, toàn tỉnh có 128.000 hộ tham gia đăng ký tham gia phong trào, trên 90.000 hộ đạt tiêu chuẩn, trong đó số hộ đạt tiêu chuẩn cấp Trung ương là 352 hộ, cấp tỉnh 6.565 hộ, cấp huyện 26.100 hộ còn lại là cấp xã. Bằng ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu, nông dân ở các địa phương dần thay đổi tư duy, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và gặt hái được nhiều thành công, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Các mô hình kinh tế mới xuất hiện như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng cao, trồng rau an toàn theo quy trình khép kín, sản xuất và chế biến chè bằng máy móc hiện đại… góp phần tạo nên sản phẩm có chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Về xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa mặc dù ngoài trời nắng như đổ lửa nhưng trong trang trại trồng cây ăn quả rộng hơn 4ha của gia đình anh Trần Anh Tuấn ở khu 6 vẫn mát rượi. Nhìn vườn cam sai trĩu đang thời kỳ mọng nước đủ để thấy công chăm sóc bao ngày qua của gia đình. Cái duyên bén anh đến với cam bắt đầu từ năm 2009 khi về thăm Nông trường cam Cao Phong - Hòa Bình. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cam, anh đã trồng thí điểm một số cây tại vườn nhà. Thấy quả to, ăn ngọt và có khả năng nhân rộng, anh quyết định đầu tư vốn cải tạo 4ha diện tích đất đồi, bạc màu để trồng 4.500 gốc cây ăn quả, trong đó cây cam là chủ lực với các loại: Cam canh là 1.500 cây, cam V2 (Valencia- 2) 1.000 cây; cam lòng vàng 500 cây; chanh đào 1.000 cây...

Anh Tuấn chia sẻ bí quyết làm giàu: “Khác với các trang trại khác, tôi không đầu tư theo kiểu “trứng bỏ một rổ” mà phân rải ra nhiều loại cây để tránh rủi ro về tiêu thụ sản phẩm, mất mùa do thời tiết và quanh năm có sản phẩm thu hoạch. Ngoài cây cam tôi trồng thêm 300 gốc nhãn, trên 10.000 gốc dứa, 100 gốc bưởi và ổi các loại”. Khác với các loại cây khác, cây cam đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cao nên chi phí đầu tư lớn. Để tiết kiệm chi phí, diện tích và có nguồn dinh dưỡng bổ sung thường xuyên cho cây ăn quả, anh đầu tư chuồng trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Hiện tại, gia đình anh có trên 1.000 con gà thả vườn, hàng chục con lợn thịt. Với số vốn đầu tư ban đầu trên 3,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế đồi vườn, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, gia đình anh Tuấn đã tạo việc làm cho 10 - 12 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Năm nay, các loại cây bắt đầu cho thu hoạch hàng loạt, thời điểm này chanh đang vào vụ, gia đình anh thu hoạch trên 30 tấn chanh, 30 - 35 tấn cam và hàng chục tấn quả các loại khác, đem lại thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

Cùng suy nghĩ và chí hướng như anh Tuấn, gia đình bà Bùi Thị Bích Liên ở khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cũng lựa chọn cây ăn quả trồng theo hướng chất lượng cao để làm giàu. Gia đình bà Liên đưa các giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: Bưởi, cam và ổi. Bà Liên cho biết: Bước đầu phát triển kinh tế, gia đình bà gặp vô vàn khó khăn, không biết lựa chọn cây nào cho phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu, sản phẩm có tiêu thụ được không, giá cả thị trường như thế nào? Qua nhiều ngày tháng trăn trở, cùng với sự quyết tâm vượt lên đói nghèo, bà đã quyết định đầu tư xây dựng mô hình cây ăn quả rộng 2ha. Nhờ học hỏi kinh nghiệm trồng từ các huyện, tỉnh lân cận cùng với kiến thức đã được tập huấn, sau 6 năm, sản phẩm từ các loại cây trồng của gia đình bà có mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh nên thị trường tiêu thụ rộng. Không dừng lại ở cây ăn quả, năm 2015, nhận thấy nhu cầu của thị trường về các loại hoa trong dịp lễ, Tết, người dân địa phương phải đi lấy ở các nơi khác về bán, gia đình bà đã bàn bạc, thống nhất trồng trên 200 gốc đào cho thu nhập cao. Đến nay, từ các loại cây trồng, mỗi năm gia đình bà thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Phạm Đình Phú ở khu 3, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, được người dân gọi vui là “lão nông vịt trời”. Trong một lần xem truyền hình, thấy giống vịt trời có thể thuần hóa được, sản phẩm ưa chuộng trên thị trường với giá cao, ông Phú bắt đầu từ 2 cặp vịt trời bố mẹ, vừa học hỏi kỹ thuật vừa áp dụng vào thực tế. Trải qua nhiều khó khăn và thách thức trong việc thuần giống, ấp nở thành công, sau gần 5 năm, ông đã xây dựng hệ thống chuồng trại, thiết bị phục vụ chăn nuôi hiện đại như: Máy ấp trứng, hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió… để tạo môi trường sống ổn định cho loại vịt trời sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Phú chia sẻ: “Loại vịt trời ưa nước nên tôi xây dựng hệ thống ao sát chuồng trại, chia thành từng ngăn để phân khu từng loại vịt to nhỏ khác nhau. Khi vịt sang tháng thứ 2, vợ chồng tôi sẽ cắt cánh từng con để hạn chế đặc tính bay”. Hiện nay, trung bình gia trại của ông Phú nuôi khoảng 5.000 vịt trời và vịt bầu đất mỗi năm. Sản phẩm gia đình ông cung cấp chủ yếu cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Giá một con vịt trời dao động từ 170.000 - 180.000 đồng, vào thời điểm “khan hiếm” hàng, giá lên đến 220.000 - 250.000 nghìn đồng một con, trọng lượng từ 1,8 - 2,2kg, so với vịt thường giá cao hơn gấp 2 - 3 lần. Từ nuôi vịt, mỗi năm gia đình ông đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ có gia đình anh Tuấn, bà Liên, ông Phú, mà trên địa bàn tỉnh có rất nhiều gia đình nông dân phát triển trang trại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Hà Nhung

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang