• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển kinh tế trang trại gắn với thị trường

Nguồn tin:  Báo Hưng Yên, 23/05/2017
Ngày cập nhật: 25/5/2017

Những năm vừa qua, kinh tế trang trại giống như chiếc chìa khóa mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân toàn tỉnh Hưng Yên với đa dạng các mô hình như: Tổng hợp, chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt… Song, để kinh tế trang trại thực sự phát huy được hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế ngày càng cao và bền vững, ngoài việc phát triển đúng hướng còn cần phải có tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Một trang trại tổng hợp tại xã Trung Dũng (Tiên Lữ)

Theo tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 870 mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động, trong đó có hơn 200 mô hình được các huyện, thành phố thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Quy mô của trang trại từ một vài héc-ta, tới hàng chục héc-ta, tạo ra lượng nông sản dồi dào và đa dạng, cũng là nơi sản xuất ra nhiều loại nông sản chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Đến thăm mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Trường (xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên), chúng tôi như bị cuốn vào khí thế lao động sản xuất hăng say của gia đình ông. Với hơn 2 ha diện tích sử dụng, trang trại tổng hợp của gia đình ông Trường không khi nào vắng bóng người chăm sóc. Các diện tích trung tâm trang trại gia đình ông sử dụng đào ao nuôi cá thâm canh, bờ đắp cao trồng cây ăn quả có múi như cam, bưởi…, xen vào đó là chuồng nuôi gia súc, gia cầm như bò, lợn, gà… Ông Trường cho biết: “Phương châm sản xuất của gia đình tôi là lấy ngắn nuôi dài, “đánh” vào thị hiếu người tiêu dùng, nhu cầu của thị trường. Làm trang trại bây giờ không thể theo lối cũ, không thể sản xuất những sản phẩm đại trà, dễ dàng được, như vậy rất dễ rơi vào cảnh “cung” vượt “cầu”, “được mùa rớt giá”. Đối với thủy sản thâm canh, tôi luôn thả ghép nhiều loại cá trong một ao để tận dụng triệt để thức ăn, mặt khác khi xuất bán giá cá loại nọ sẽ bù loại kia. Đối với trồng cây ăn quả, tôi chia từng khu vực, trồng đa dạng các loại cây “đắt hàng” như cam canh, bưởi Diễn… Thứ gì người tiêu dùng trong khu vực ưa chuộng thì sản xuất, không bao giờ lo sản phẩm làm ra bị ế”. Cũng chính nhờ sự linh hoạt trong làm kinh tế trang trại, mô hình của gia đình ông Trường thời điểm nào trong năm cũng có nguồn thu: Cá thương phẩm thu 2 lần/năm; gà thả vườn, bò thịt, lợn thịt lúc nào cũng có để cung cấp khi khách đặt hàng; cam, bưởi vào mùa sai quả. Lâu nay, gia đình ông đã có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm với các đầu mối uy tín trên địa bàn, chỉ sau vài cuộc điện thoại trao đổi về giá là khách mua buôn đến tận nơi thu mua, mỗi năm, doanh thu của trang trại đạt trên 1 tỷ đồng.

Rời trang trại của ông Trường, chúng tôi đến xã Trung Dũng (Tiên Lữ) thăm mô hình trang trại của gia đình ông Bùi Quang Đủ. Gắn bó với nông nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế trang trại đã mấy chục năm nay, ông Đủ luôn trăn trở tìm cách phát triển mô hình một cách hiệu quả, bền vững nhưng giảm thiểu chi phí đầu vào. Với điều kiện sẵn có là diện tích mặt nước, ông đã đầu tư xây thêm chuồng trại đơn giản để nuôi vịt sinh sản và thả cá. Gần 1 nghìn con vịt sinh sản được duy trì nuôi quanh năm, sản xuất trứng cung cấp cho các lò ấp trong và ngoài tỉnh. Phụ phẩm từ chăn nuôi vịt kết hợp các loại phụ phẩm nông nghiệp khác sử dụng nuôi cá, giảm chi phí thức ăn. Bí quyết của ông là không chạy theo phong trào, sản xuất phải gắn với nhu cầu thực tế của thị trường trong nước, trong khu vực. Trứng vịt của gia đình ông sản xuất đến đâu có chủ lò, thương lái đến thu mua hết đến đấy, mỗi năm lại thêm 1 – 2 lứa cá thương phẩm chất lượng tốt mà hầu như không phải chi phí thức ăn.

Trên thực tế, nhiều trang trại trong tỉnh hiện nay đã bắt đầu có sự gắn bó mật thiết với thị trường thông qua các hợp đồng sản xuất – tiêu thụ bền vững: Sản xuất theo đơn đặt hàng, sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, sản xuất sản lượng nhất định. Từ các loại gia súc, gia cầm, đến rau, quả… duy trì sản xuất được đều là nhờ chủ hộ nhanh nhạy với diễn biến thị trường, chọn cách phù hợp.

Đặc biệt thời gian vừa qua, những khó khăn khi lợn thương phẩm rớt giá, sự “tuột dốc” về giá của nhiều mặt hàng nông sản khi “cung” vượt “cầu” vẫn còn là bài học đắt giá đối với nông dân. Khi đã sản xuất quy mô hơn, trở thành trang trại, sản lượng lớn, thì sự ổn định, bền vững càng quan trọng. Được biết, năm nay tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tạo thuận lợi cho nông dân trong sản xuất quy mô và bài bản hơn. Đồng thời cũng trong năm nay, dự kiến tỉnh sẽ dành 1,7 tỷ đồng hỗ trợ nông dân cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, đối tượng được hỗ trợ bao gồm cả các chủ trang trại.

Ông Đặng Văn Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Đổi mới hoạt động của kinh tế trang trại gắn với nhu cầu thị trường là hướng đi tất yếu để trang trại phát triển bền vững, hiệu quả hơn. Kinh tế trang trại cần có sự liên kết trong các khâu từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ, giảm khâu trung gian để tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Đồng thời hướng tới sản xuất an toàn, vệ sinh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trang trại, từng bước hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trong phát triển kinh tế trang trại để sản xuất nông nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn”.

Vi Ngoan

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang