• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất nông nghiệp: "Chết" vì quy trình ngược - Bài cuối: Tìm đường “bán trước, làm sau”

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai, 19/05/2017
Ngày cập nhật: 22/5/2017

Nếu không muốn chìm trước sóng gió thị trường, ngành nông nghiệp buộc phải tái cấu trúc. Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, nhìn vào nhu cầu thị trường để sản xuất và cung cấp đúng sản phẩm mà thị trường đang cần.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Đồng Nai đang đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi khép kín, an toàn. Về đầu ra, tỉnh sắp đưa vào hoạt động chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất) sẽ là kênh tiêu thụ tốt cho nông sản của địa phương. Ngoài ra, tỉnh tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, đa dạng sản phẩm để phục vụ tốt thị trường nội địa và xuất khẩu.

Nhờ đầu tư chuỗi liên kết sản xuất sạch, Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản. Tromg ảnh: Dây chuyền giết mổ của doanh nghiệp.

* “Nhắm” đầu ra trước

Trước khó khăn của người nuôi heo, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã đề ra nhiều giải pháp, như: kích cầu sức mua, giảm áp lực nguồn heo dư bằng cách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường hoạt động cấp đông, chế biến; kiến nghị dừng nhập, tái xuất với sản phẩm chăn nuôi; làm việc với Trung Quốc về việc xuất khẩu heo theo đường chính ngạch vào thị trường này; có chính sách giãn nợ, khoanh nợ tín dụng cho người chăn nuôi...

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, lâu dài là ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu lại theo hướng giảm giá thành đầu vào, nâng cao chất lượng từ khâu con giống đến quy trình nuôi an toàn; hình thành chuỗi liên kết...

Góp ý về giải pháp gỡ khủng hoảng cho ngành chăn nuôi, TS.Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), gợi ý: “Chúng ta nên để quy luật thị trường chi phối trong việc phát triển ngành chăn nuôi. Cơn khủng hoảng này sẽ giúp người chăn nuôi phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn. Ngành chăn nuôi cũng cần phải quy hoạch lại, nhìn từ nhu cầu thị trường và phải tổ chức liên kết thành chuỗi khép kín”.

Thịt gà VietGAP của Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình thu hút được người tiêu dùng. Trong ảnh: Gian hàng giới thiệu sản phẩm của công ty tại hội thảo diễn đàn kinh tế trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai.

Cùng quan điểm, TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cũng cho rằng muốn nông nghiệp Việt Nam phát triển, hạn chế được tình trạng giá cả bấp bênh và không tìm được thị trường tiêu thụ thì Chính phủ phải chú ý đến việc nghiên cứu thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Từ đó lên kế hoạch khuyến cáo nông dân chăn nuôi, trồng trọt cho phù hợp. Các tỉnh, thành cũng cần quan tâm nhiều đến công tác xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Vì hiện nay, nhiều địa phương chỉ tập trung tăng năng suất để có số lượng lớn mà bỏ quên việc xây dựng quy trình chung để có chất lượng tốt, mẫu mã đồng đều để xuất khẩu.

“Các tỉnh nên có chính sách mời gọi các DN đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản, trái cây để khi thị trường cung vượt cầu có thể đưa vào chế biến mà không phải đổ bỏ như hiện nay. Muốn thu hút đầu tư vào nông nghiệp, Nhà nước cần có những ưu đãi về chính sách đủ hấp dẫn DN và đơn giản các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này” - bà Mai nói.

* Liên kết để cùng sống

Trước nhu cầu ngày càng lớn về thực phẩm an toàn của thị trường, từ nhiều năm nay DN và người nông dân của Đồng Nai đã quan tâm đầu tư sản xuất sạch. Và những mô hình sản xuất sạch đang tiếp tục lan rộng khi bắt đầu thu được những trái ngọt đầu mùa.

Hiện tại dù vẫn gặp nhiều khó khăn, song những chuỗi liên kết theo dạng “từ trang trại đến bàn ăn” vẫn đang thu hút sự tham gia của nhiều nông dân, doanh nghiệp đa dạng thành phần, từ các tập đoàn lớn, như: Vingroup, Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát... đến các công ty nước ngoài, công ty tư nhân với mong muốn kiểm soát được chất lượng và giá cả nông sản từ trang trại đến bàn ăn. Sự liên kết này còn giữ cho các thành phần trong chuỗi: nông dân, nhà cung ứng thức ăn - nguyên liệu, nhà phân phối… có việc làm đều đặn, hiệu quả và tìm thấy lợi ích của mình trong đó.

Đơn cử cho một DN tư nhân tham gia khá tốt mảng này là Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh), là đơn vị đầu tiên được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn về sản phẩm gà thịt tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Hiện DN đã phát triển được hệ thống 8 trại chăn nuôi VietGAP trên địa bàn Đồng Nai với quy mô đàn 300 ngàn con gà thịt. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật của Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình, chia sẻ: “Tôi đầu tư cho con gà VietGAP cả chục năm qua, nhưng thị trường chỉ biết đến sản phẩm của DN khoảng đôi ba năm trở lại đây khi chúng tôi mở hệ thống cửa hàng bán gà sạch. Nhưng sự đón nhận của thị trường đã chứng minh rằng sự lựa chọn sản xuất an toàn của DN mới là hướng phát triển thật sự bền vững”.

* “Sạch” hay là chết?

Nhận thức rằng sớm muộn thì chỉ có sản phẩm sạch và an toàn mới bán được cho người mua, nên xu hướng sản xuất nhấn mạnh yếu tố này đang rất được chú ý. Không chỉ DN, chủ trang trại lớn mới quan tâm xây dựng chuỗi sản xuất an toàn, mô hình này cũng đang nhân rộng cho sản xuất nông hộ. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho hay: “Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) Đồng Nai đã xây dựng được 3 vùng GAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt) tại các huyện, thị: Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc với 1.244 hộ chăn nuôi tham gia. Hiện toàn tỉnh đã thành lập 66 tổ hợp tác GAHP với tổng đàn heo thịt gần 70 ngàn con. Trong đó, 23 tổ hợp tác và 402 hộ chăn nuôi đã được cấp chứng nhận VietGAHP. Trong năm 2017, Lifsap tiếp tục đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP cho các tổ hợp tác còn lại. Chương trình đã kết nối với nhiều DN, tập đoàn lớn để bao tiêu sản phẩm heo VietGAHP cho nông dân”.

Vừa qua, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (vốn đầu tư Thái Lan) đã ký hợp đồng bao tiêu cho hơn 30 ngàn con heo VietGAHP của 402 hộ chăn nuôi thuộc 23 tổ hợp tác heo VietGAHP. Chia sẻ về mục tiêu của DN, ông Phisanu Pongwatana, Tổng giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thành công với các dự án chuỗi rau và thủy sản an toàn tại tỉnh Lâm Đồng và TP.Cần Thơ. Hiện chúng tôi mong muốn phát triển thành công chuỗi cung ứng thịt heo, thịt gà an toàn tại Đồng Nai. Ngoài khách mua lẻ, chúng tôi đang phân phối thực phẩm cho hơn 1 triệu khách hàng là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn với nhu cầu rất lớn về mặt hàng thịt heo”. Dù không thiếu những trang trại, DN đầu tư chăn nuôi sạch nhưng chúng tôi chọn làm việc với nông hộ vì muốn hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển. Điều quan trọng nhất là nông dân phải đảm bảo tiêu chuẩn VietGap cho mọi sản phẩm tại mọi thời điểm. Chúng tôi cam kết thu mua sản phẩm và sẽ tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thịt VietGap rất lớn cho hệ thống 19 trung tâm thương mại khắp cả nước của chúng tôi hiện nay” - ông Phisanu Pongwatana khẳng định.

Tại hội thảo tìm giải pháp cứu heo tổ chức tại Đồng Nai ngày 27-4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đánh giá: Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam bộ có điều kiện thuận lợi và thế mạnh để tham gia thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Để tạo đầu ra bền vững cho ngành chăn nuôi, các địa phương cần thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào khâu bảo quản, chế biến, đa dạng sản phẩm chăn nuôi ở phân khúc cao cấp, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhấn mạnh ngoài việc tổ chức lại sản xuất thì cũng cần phải kiểm soát được thị trường đầu ra, nhất là rút ngắn khâu phân phối. Giá heo bán tại trại chỉ có 24 ngàn đồng/kg nhưng người tiêu dùng phải mua đến 80-100 ngàn đồng/kg khi ra chợ, siêu thị. Đồng Nai đang đẩy mạnh việc tổ chức chuỗi cửa hàng thịt heo giá rẻ, bước đầu đã tạo được hiệu ứng giảm giá heo bán lẻ tại các chợ truyền thống và góp phần kích cầu sức mua.

Bình Nguyên - Hương Giang - Kim Ngân

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang