• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất nông nghiệp: "Chết" vì quy trình ngược - Bài 2: Thị trường nào cho nông sản?

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai, 17/05/2017
Ngày cập nhật: 19/5/2017

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực nông nghiệp, năng suất của nhiều loại cây trồng, vật nuôi của Việt Nam, như: tiêu, cà phê, xoài, chuối, sầu riêng, gà... so với thế giới ở mức tương đối cao. Trong đó, có những loại nông sản Việt Nam có số lượng lớn nhưng xuất khẩu luôn phải lệ thuộc vào nước trung gian vì chất lượng không đảm bảo và chưa có thương hiệu.

Đầu ra của nông sản Việt vẫn đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc “sớm nắng chiều mưa”. Đồng Nai đã triển khai nhiều dự án cánh đồng lớn, xây dựng vùng chuyên canh với mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc).

* Yếu thế trên sân nội

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay Việt Nam đã nhập khẩu gần 7,8 ngàn tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD.

Như vậy, tính bình quân mỗi kg thịt heo khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD (tương đương khoảng 27 ngàn đồng). So với cùng kỳ, sản lượng thịt heo nhập về tăng gần 16%.

Đây là một nghịch lý vì ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khủng hoảng thừa. Trước đó là tình trạng con gà nội thua đau ngay trên sân nhà vì gà nhập khẩu.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, đưa ra sự so sánh để chỉ rõ sự yếu thế của sản phẩm chăn nuôi: “Gần đây, Trung Quốc tập trung nhập heo từ Thái Lan vì giá heo của họ rẻ hơn Việt Nam. Giá heo hơi Việt Nam cũng cao hơn nhiều nước trên thế giới. Nếu ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung không thay đổi thì sẽ khó cạnh tranh được cả ở thị trường nội địa và thế giới”.

Đồng Nai là một trong những địa phương có đàn heo đông nhất nước. Trong ảnh: Trại chăn nuôi heo tại xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh. Ảnh TL

Cùng quan điểm trên, ông Phan Văn Danh, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc, cảnh báo: “Người chăn nuôi cũng nên ý thức rõ sân nhà mới là thị trường tiêu thụ chính của thịt heo, không nên trông mong quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vì về lâu dài, có thể Trung Quốc sẽ xuất ngược heo vào Việt Nam”.

Ở đây, vai trò của Nhà nước là phải tổ chức tốt nguồn dữ liệu thông tin về ngành chăn nuôi; từ đó mới dự toán được nhu cầu của thị trường để điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi cho phù hợp. Vì thông tin về ngành chăn nuôi của ta quá ít dữ liệu, có thì cũng thiếu chính xác và tính tổng quát nên quy hoạch chăn nuôi còn xa thực tế và cũng khó dò về mặt thị trường.

* Mất cơ hội sân ngoại

Không chỉ yếu thế ở thị trường trong nước, nhiều DN xuất khẩu nông sản cũng đang làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Họ cũng mù mờ về thông tin ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Thành Đạt Phát, chuyên kinh doanh sơ chế hàng nông sản xuất khẩu (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Công ty chuyên sơ chế một số loại nông sản để tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thị trường khó lường nhất vì giá cả luôn bất ổn. DN xuất khẩu sang thị trường này luôn nơm nớp vì không biết nhu cầu của họ bao nhiêu, giá sẽ tăng hay giảm. Có những DN đã từng trắng tay khi mua hàng vào giá cao, nhưng khi xuất khẩu giá đột ngột giảm sâu”.

Thị trường xuất khẩu cũng đang xảy ra một nghịch lý, nông dân sản xuất ra không bán được nhưng DN lại thiếu hàng để xuất khẩu. Theo bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú), thị trường chuối xuất khẩu đang xảy ra tình trạng nông dân thì đổ bỏ chuối trên đồng, trong khi nhu cầu nhập khẩu chuối của các thị trường, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... vẫn lớn nhưng sản phẩm của nông dân chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân là nông dân vẫn chạy theo phong trào phát triển nhanh về diện tích mà chưa thật sự bỏ công tìm hiểu thông tin cũng như yêu cầu của những thị trường đầu ra. Thực tế, tình trạng thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường gây không ít khó khăn cho DN xuất khẩu.

Bà Nhung dẫn chứng: “Năm ngoái, DN triển khai cánh đồng lớn cho cây chuối, ký kết bao tiêu hàng chục hécta chuối cho nông dân. Khi chuối sốt giá do thương lái gom hàng xuất đi Trung Quốc, nông dân sẵn sàng phá hợp đồng khiến DN điêu đứng vì không đủ hàng xuất khẩu. Đây cũng là nguyên nhân khiến trái chuối xuất khẩu đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc”.

* Hậu quả từ chạy theo số lượng

Theo những DN xuất khẩu nông sản, tuy nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang tăng về sản lượng nhưng giá trị lại ngày càng giảm. Những hạn chế trong xuất khẩu nông sản Việt vẫn là vấn đề chất lượng, xuất khẩu thô nên không làm chủ được thị trường dù không thiếu những mặt hàng chiếm đến 50% thị phần thế giới. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu vào các thị trường khó tính, như: Mỹ, châu Âu... không dễ.

Nhiều hộ nông dân trồng tiêu vẫn trữ hàng chưa bán vì giá tiêu giảm mạnh. Trong ảnh: Nông dân huyện Trảng Bom phơi tiêu để trữ hàng. Ảnh TL

Vụ thu hoạch vừa qua, cả năng suất và giá tiêu đều giảm mạnh. Nhận xét về biến động của thị trường xuất khẩu tiêu và nông sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty Nedspice (vốn đầu tư Hà Lan), cho rằng: “Xuất khẩu của nhiều loại nông sản Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới, nhưng vẫn không làm chủ được thị trường do yếu thế về chất lượng"

Theo ông Lâm, giá tiêu của các nước, như: Ấn Độ, Brasil... thường cao hơn tiêu Việt vì thị trường xuất khẩu chính của họ là Mỹ, châu Âu, trong khi tiêu Việt chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường dễ tính, như: Trung Quốc, Trung Đông. Có sự khác biệt này là vì nông dân các nước trên canh tác ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi nông dân Việt vẫn giữ thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), cũng đưa ra sự so sánh để chỉ rõ sự yếu thế của nông sản Việt trên thị trường xuất khẩu vì vấn đề chất lượng. 1 tấn tiêu Việt Nam xuất khẩu thường có giá thấp hơn từ 200 - 300 USD so với mặt bằng chung của thế giới. Tiêu Việt Nam luôn ở phân khúc giá rẻ, hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường, vì chạy theo số lượng mà bỏ qua vấn đề chất lượng.

Theo PGS.Trịnh Xuân Vũ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học nông lâm (TP.Hồ Chí Minh), Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn về phân bón và hóa chất. Nhu cầu về các sản phẩm trên mỗi năm đều tăng nhanh theo xu hướng thâm canh tăng vụ. Thực tế cho thấy, sâu bệnh và việc lạm dụng phân khoáng cùng với thuốc bảo vệ thực vật độc hại... là những vấn đề nổi cộm hiện nay.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, hiện nay các thông tin dự báo về thị trường còn rất ít. Do đó, các doanh nghiệp, nông dân sản xuất rất khó lên kế hoạch sẽ sản xuất những sản phẩm nào để dễ tìm được thị trường tiêu thụ và tiêu thụ được giá cao. Vì vậy, trong thời gian tới ngành công thương phải liên kết với Bộ Công thương, các tham tán thương mại ở những thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn; cần cập nhật giá cả thị trường nhanh và có những dự báo về nhu cầu của các thị trường trong ngắn hạn, dài hạn để có định hướng sản xuất cho phù hợp, tránh điệp khúc cung vượt cầu, giá giảm sâu.

PGS. Trịnh Xuân Vũ đưa ra đề xuất: “Đã đến lúc Nhà nước nên định hướng chuyển từ nông nghiệp số lượng sang nông nghiệp chất lượng, tạo ra nguồn nông sản chất lượng đạt chuẩn quốc tế có giá trị cao như nhiều nước quanh ta đang làm. Năng suất cao mà chất lượng thấp thì không thể có giá trị cao được và trong tương lai là sẽ không có đầu ra. Nông dân phải bắt đầu thay đổi từ việc canh tác trên cánh đồng của họ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có được một chính sách khuyến khích và hỗ trợ cụ thể”.

Làm một vài khảo sát trên các website của ngành công thương, nông nghiệp, các hiệp hội... có thể thấy ngay, thông tin về giá cả thị trường trong nước, nước ngoài khá nghèo nàn và cập nhật chậm. Những thông tin dự báo về thị trường trong nước, nước ngoài (đặc biệt các nước Việt Nam có xuất khẩu nông sản lớn) trong ngắn hạn, dài hạn gần như không có.

Bình Nguyên - Hương Giang - Kim Ngân

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang