• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông sản GAP gian nan đường ra thị trường lớn

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 24/04/2017
Ngày cập nhật: 28/4/2017

Kỳ 2: Gập ghềnh với GAP

Nông dân hồ hởi đón nhận GAP, nhưng hơn 10 năm qua, nhiều nông sản của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lao đao vì "được mùa, rớt giá". Ngay cả những mô hình GAP tưởng chừng như được "bảo chứng" về giá bán cao hơn nông sản sản xuất theo quy trình thông thường cũng chịu cảnh bán "trôi nổi". Rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều mô hình GAP "sống dở, chết dở", nông dân không mặn mà.

"Nản lòng" vì giá

Thu hoạch rau muống tại HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Năm 2009, bà Phạm Thị Tươi, ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tham gia hợp tác xã (HTX) trồng vú sữa theo chuẩn Global GAP. Bà Tươi cho biết, khi thu hoạch, HTX chỉ mua 20-30% sản lượng đạt chuẩn, số còn lại phải bán giá "bèo" cho thương lái, nên bà rời HTX chỉ sau 1 năm tham gia. Từ khi ra khỏi HTX, mỗi vụ gia đình bà kêu thương lái vào bán "mão" với giá 30-50 triệu đồng/0,3ha. Theo một thành viên từng là Phó Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nhiều người mong muốn vào HTX để không bị tư thương ép giá, nhưng không thay đổi bao nhiêu, nên họ rút lui. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cho biết: "Khi nhận chứng nhận Global GAP, ai cũng hồ hởi, nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó. Nhiều công ty đến rồi đi mà không có hợp đồng tiêu thụ lâu dài nào được ký kết. Khi có đối tác lại không dám ký hợp đồng vì HTX không huy động đủ hàng đảm bảo chất lượng. Hệ quả là vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn Global GAP phải bán trôi nổi trên thị trường!".

Rõ ràng đây là câu chuyện buồn của nông sản GAP. Không chỉ Global GAP, mà nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu ở xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có 35 xã viên, diện tích canh tác hơn 19,5 ha, sản xuất hơn 20 chủng loại rau-củ -quả, tổng sản lượng các loại cung cấp ra thị trường trên 2 tấn/ngày. Ông Trần Văn Hiền, Giám đốc HTX, cho biết: "Hiện mỗi ngày HTX thu mua và sơ chế, gắn dây buộc nhãn mác khoảng 400-500kg rau củ quả các loại, cung ứng cho các siêu thị, khu công nghiệp và điểm kinh doanh rau an toàn tại ĐBSCL, giá bán cao hơn khoảng 20% so với bán cho tiểu thương bên ngoài. Năng lực tài chính còn khó khăn, nên HTX không thể mua hết rau của xã viên. Bán hàng cho siêu thị ít nhất 2 tuần mới thu được tiền, xã viên lại muốn lấy tiền ngay để tái sản xuất và trang trải cuộc sống. Siêu thị yêu cầu chứng nhận an toàn, đa dạng chủng loại nhưng số lượng mỗi đơn hàng rất ít. Điều này khiến giá thành sản xuất, sơ chế và cả chi phí vận chuyển đều cao, nên xã viên không đồng tình". Chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn tăng thêm khoảng 10% so với sản xuất thông thường, nhiều nông dân dù cố gắng giảm giá bán qua việc cung cấp trực tiếp hàng cho siêu thị cũng không thể giảm giá bằng rau củ quả trôi nổi trên thị trường.

Ông Trần Văn Lợt, Giám đốc HTX chôm chôm Sơn Định ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nói: "Để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất truyền thống, tốn nhiều công sức và chi phí nhưng giá bán như các loại trái cây thông thường nên rất khó khuyến khích người dân sản xuất theo GAP". Theo ông Lợt, nông dân nhận thấy cái lợi từ sản xuất sạch, nhưng sản phẩm chưa có doanh nghiệp (DN) bao tiêu ngay từ đầu và chưa bán được vào siêu thị; thói quen tiêu dùng của nhiều người dân vẫn còn muốn mua sản phẩm giá rẻ. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: "Sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo các tiêu chuẩn GAP là không khó về kỹ thuật. Tuy nhiên, khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm của nông dân còn nhiều bất cập, nên chưa khuyến khích người dân, nhất là khi thị trường tiêu thụ các sản phẩm GAP ở cả trong và ngoài nước còn hạn chế". DN không mặn mà bao tiêu thì việc nhân rộng mô hình, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân rất gian nan.

"Gãy" liên kết do thiếu niềm tin

Trên thực tế, phần lớn các HTX ở ĐBSCL sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đều khẳng định, liên kết giữa HTX- DN dễ "gãy" do thiếu niềm tin và giá thu mua của DN chưa có sự khác biệt so với sản phẩm thông thường. Ông Ngô Tấn Phong, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, nói: "Năm 2015, 18 thành viên HTX đăng ký tham gia nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP. Mấy chục tiêu chí để đạt được VietGAP đều được các thành viên của HTX thực hiện đầy đủ. Mỗi thành viên đầu tư trên 8 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 180 triệu đồng cho HTX thực hiện VietGAP. Xã viên phấn khởi lắm, nhưng cật lực mấy năm trời mới được chứng nhận, giá bán cá VietGAP bằng với cá thường do DN không bao tiêu, xã viên nản lòng". HTX Đại Thắng có 22 xã viên, với diện tích 8ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá của 13 xã viên được công nhận VietGAP và thuộc vùng quy hoạch nuôi cá tra của xã Đại Thành, tỉnh Hậu Giang với diện tích khoảng 560ha.

Tại Cần Thơ, 10 năm qua, nông dân HTX rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, chịu khó ghi chép nhật ký đồng ruộng, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, nhưng thu nhập bấp bênh. Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX, bộc bạch: "Nông dân thiếu định hướng, đa phần "tự sản tự tiêu" nên giá trị nông sản và thu nhập không cao. Đa phần liên kết nông dân và DN "bị gãy" do DN chưa mặn mà dẫn dắt nông dân làm theo kế hoạch hay đơn hàng của DN". Ông Đỉnh dẫn chứng, DN bao tiêu sản phẩm đòi hỏi HTX hằng ngày phải cung ứng từ 27 mặt hàng trở lên, HTX hợp tác với nhau vẫn làm được. Tuy nhiên, canh tác rau màu phải theo thời vụ và phải có thời gian cho đất "nghỉ ngơi". Nếu sản xuất một loại rau màu liên tục trên cùng diện tích sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái đất, sâu bệnh làm giảm chất lượng và năng suất cho những vụ sau. Hơn nữa, nhiều HTX gần trung tâm đô thị, diện tích nông nghiệp hạn chế, nên khó lòng đáp ứng yêu cầu của siêu thị.

Trên thực tế, nhiều HTX rau an toàn tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL sau một thời gian đưa hàng vào siêu thị đành bỏ cuộc, quay lại bán hàng trôi nổi cho tiểu thương. Siêu thị đòi hỏi cao, nhưng thu mua hàng trả chậm, số lượng thu mua ít và yêu cầu phải giao hàng tận nơi. Ngoài siêu thị, nhu cầu tiêu thụ rau củ quả tại các bếp ăn tập thể tại nhiều khu công nghiệp và DN rất lớn, nhưng việc đưa rau an toàn tiếp cận các kênh này cũng không dễ. Tiêu chuẩn mỗi suất ăn tại nhiều bếp ăn tập thể chỉ 15.000-20.000 đồng/suất, nếu mua sản phẩm an toàn thì giá cao hơn giá một suất ăn! Theo Giám đốc một HTX rau an toàn tại ĐBSCL, khi chào hàng tại nhiều bếp ăn tập thể của DN, HTX nhận được trả lời từ những người quản lý rằng giá bán sản phẩm của HTX quá cao, trong khi DN mua của tiểu thương chỉ bằng phân nửa giá HTX cung cấp. DN yêu cầu HTX bán bằng giá như vậy họ mới mua. Điều này là bất khả thi!

Nói về bao tiêu nông sản, một DN ngành gạo ở TP Cần Thơ, cho biết, DN thực hiện bao tiêu lúa cho nông dân Cần Thơ từ năm 2011 đến nay và thành lập cả Phòng trồng trọt để theo nông dân trên từng cánh đồng. Mục tiêu là để kiểm soát quá trình bón phân, phun thuốc cho lúa của nông dân, đảm bảo thời gian cách ly, không bị tồn dư thuốc. DN yêu cầu nông dân chỉ mua vật tư nông nghiệp ở nhà cung cấp do DN chỉ định, nhưng không phải nông dân nào cũng theo. Đây là vấn đề rất đau đầu khiến nông dân và DN không gặp nhau! Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang), cho biết: "DN cần nông sản sản lượng lớn, đồng đều và chất lượng để xuất khẩu. Nhưng sản xuất nhỏ lẻ, mỗi người một kiểu, chất lượng tùy mỗi vườn, mỗi ruộng thì làm sao DN dám ký hợp đồng với đối tác. Khách hàng ngày một khó tính, đòi hỏi rất nhiều; ngay cả thị trường dễ tính như Trung Quốc cũng đang siết chặt vấn đề chất lượng. Hiện công ty trồng 100ha thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP, mỗi tháng xuất 6.000-10.000 tấn thanh long sang Trung Quốc và Nhật Bản, Úc… nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Mở rộng mạng lưới vệ tinh thì chất lượng không đảm bảo, rồi còn bị thương lái nhảy vào phá đám". Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong "4 nhà" chỉ cần DN- nông dân không gặp nhau, liên kết sẽ gãy, vì họ là nhân vật chính trong chuỗi liên kết.

Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng, theo quy luật thị trường, nông sản ở Vĩnh Long cũng gặp tình trạng chung như các tỉnh khác "được mùa, rớt giá". Một phần do sản xuất manh mún, diện tích đạt chứng nhận GAP còn khiêm tốn, một phần do nông dân dựa vào nhận định chủ quan của mình, khi mặt hàng nào đang có giá thì tập trung vào sản xuất, chạy theo phong trào, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Mặt khác, việc cung cấp thông tin sản xuất và thị trường tiêu thụ của cơ quan chức năng cho người dân còn hạn chế, người dân không có cơ sở quan sát thị trường để lựa chọn phương án tổ chức sản xuất phù hợp, hệ lụy là nhiều mô hình GAP bị gãy.

Nhóm PV Kinh tế

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang