• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông sản GAP gian nan đường ra thị trường lớn

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 24/04/2017
Ngày cập nhật: 27/4/2017

Có thể khẳng định, thành tựu phát triển nông nghiệp của ĐBSCL trong 30 năm đổi mới đạt rất nhiều kỳ tích. Đó là thành quả từ sự nhạy bén thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, doanh nghiệp (DN) năng động cùng sự nhập cuộc của nhà quản lý, nhà khoa học trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản. "4 nhà" (nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân và DN) bắt tay mở đường cho GAP thông qua các mô hình thí điểm trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trái cây.

Kỳ 1: Mở đường cho GAP

Trong những năm qua, các tỉnh, thành ra sức khuyến khích nông dân sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn GAP (Good agricultural practices- thực hành nông nghiệp tốt), Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), VietGAP… Sản xuất theo GAP không chỉ an toàn cho môi trường, người tiêu dùng mà còn là "giấy thông hành" để đưa nông sản vào thị trường khó tính trên thế giới. Thế nhưng, ở ngay thị trường nội địa, đường ra thị trường của nông sản GAP rất gian nan, sự phát triển còn mang hơi hướng "phong trào", nhiều mô hình GAP đang "trở về vạch xuất phát". Giải quyết bài toán cho sự phát triển của nông sản sạch đang rất nan giải với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)- vựa nông sản của cả nước.

Những mô hình Global GAP tiên phong

Ngày 5-6-2008 là thời điểm đáng nhớ của nông dân trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang khi đón nhận Chứng nhận Global GAP. Dù diện tích đạt chứng nhận Global GAP chỉ 6,89ha, nhưng đó là động lực thúc đẩy nhiều loại nông sản khác tại ĐBSCL làm theo. Tham gia mô hình khi mới chớm nở, ông Trương Văn Bốn, ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, nhớ lại: "Bản thân ít chữ, nhưng nghe nói GAP mang lại nhiều lợi ích, tôi áp dụng ngay trên 0,6ha vườn nhà. Tôi tham gia nhiều lớp tập huấn, hội thảo rồi về nhà truyền lại trong gia đình, ai cũng nhiệt tình học tập". Theo ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, năm 2007, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ HTX trồng vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global GAP; năm 2010, tiếp tục hỗ trợ HTX nhân rộng mô hình lên 53 ha. Nhà sơ chế đóng gói được tổ chức của Hoa Kỳ chứng nhận đạt tiêu chuẩn đóng gói xuất khẩu vào thị trường này. Nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, hợp đồng mua vú sữa Global GAP xuất khẩu sang Nga, Đức, Hà Lan… Huyện ủy Châu Thành đã ban hành Nghị quyết về phát triển cây vú sữa Lò Rèn ở vùng phía Nam quốc lộ 1. Thương hiệu vú sữa Lò Rèn được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Theo đó, Tiền Giang quy hoạch thêm 7 loại cây ăn trái chủ lực gồm: xoài, bưởi, thanh long, khóm, nhãn, sầu riêng, sơ ri để phát triển quy mô lớn, tiến tới xây dựng thương hiệu.

Thương lái mua khóm Tân Phước, Tiền Giang. Ảnh: K.C

Sau vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, tháng 9-2008, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đạt chứng nhận Global GAP, góp sức tạo tiếng vang cho sự phát triển của cây ăn trái nhiệt đới ĐBSCL. Đến năm 2009, cả nước lại hướng về Tiền Giang khi 11,4ha lúa của 15 xã viên của HTX Mỹ Thành (huyện Cai Lậy) đón Giấy chứng nhận Global GAP (ngày 12-2-2009). Ông Lê Văn Thủ, ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, nhớ lại: "Lúc đó, nông dân tụi tôi làm nghiêm ngặt lắm, tuân thủ đầy đủ những yêu cầu đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và truy nguyên nguồn gốc. Đầu ra sản phẩm được DN bao tiêu với thương hiệu gạo Tứ Quý, giá bán cao hơn ngoài thị trường 20%". Thời điểm đó, cụm từ "thực hành nông nghiệp tốt" trở nên quen thuộc với nông dân ĐBSCL qua những khẩu hiệu tuyên truyền, những hội nghị, hội thảo đầu bờ... và GAP đã trở thành phong trào thi đua sản xuất. Hàng loạt nông sản được DN hỗ trợ đạt chứng nhận Global GAP; tháng 2-2012, chôm chôm Java của HTX chôm chôm Tân Khánh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đạt chứng nhận Global GAP trên 27ha. Tháng 12-2012, HTX Xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) có 21,59ha của 25 hộ dân trồng xoài cát (Hòa Lộc và Cát chu)...

Có thể thấy rằng, những mô hình Global GAP đã trở thành điểm sáng cho sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL, nơi chiếm 32% diện tích đất nông nghiệp cả nước. Đây cũng là con đường nâng cao thu nhập cho nông dân và đưa nông sản Việt đi vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; đáp ứng yêu cầu "ăn sạch" của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nông dân ĐBSCL rất nhạy bén, qua nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, gạo, trái cây và thủy sản ở ĐBSCL đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP… không chỉ nâng cao giá trị nông sản, mà còn giảm tác động xấu đến môi trường. "Đây là con đường tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững"- Tiến sĩ Hòa nói.

Đổi mới tư duy theo GAP

Ngày 9-1-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2012/QĐ-TTg (Quyết định 01) về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản để khuyến khích mở rộng mô hình GAP và tiệm cận gần hơn với các quy định, tiêu chuẩn an toàn của các nước trên thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành tiêu chuẩn VietGAP làm cơ sở định hướng cho các địa phương triển khai. Hiện hầu hết các địa phương ĐBSCL đã ban hành chính sách khuyến khích áp dụng VietGAP theo Quyết định 01 của Thủ tướng; đồng thời quy hoạch vùng sản xuất gắn với mô hình liên kết "4 nhà". Tại ĐBSCL, Tiền Giang là địa phương có nhiều trái cây đạt chứng nhận VietGAP như: khóm Queen của HTX Tân Lập, chôm chôm Java của tổ hợp tác (THT) chôm chôm Tân Phong; nhãn tiêu da bò của THT Nhị Quí; thanh long của THT thanh long Chợ Gạo; sơ ri của HTX sơ ri Gò Công; cam sành xã Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè); sa-bô-chê (Châu Thành); sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy)…

Năm 2000 tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, trái cây, lúa và đang triển khai mô hình chăn nuôi, thủy sản an toàn. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Tỉnh hiện có 5 cánh đồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xã: Long An (huyện Long Hồ), Tân An Luông (Vũng Liêm), Tân Long (Mang Thít), Mỹ Lộc (Tam Bình), Xuân Hiệp (Trà Ôn). Vĩnh Long còn có 7 loại nông sản, thủy sản đạt chứng nhận VietGAP, Global GAP như: khoai lang của Công ty Nhật Thành (Bình Tân), bắp Nếp của THT Đồng Tiến (Trà Ôn), xoài Xiêm núm Quới An (Vũng Liêm), cam sành không hạt Ngãi Tứ (Tam Bình), nhãn xuồng cơm vàng An Bình (Long Hồ), nhãn tiêu da bò Tân Hạnh (Long Hồ), chôm chôm Long Hồ…". Theo ông Liêm, sự chủ động của ngành Nông nghiệp và nhiệt tình của nông dân đã vạch đường cho GAP.

Tại TP Cần Thơ, lồng ghép vào các chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp, thành phố hỗ trợ nông dân làm thủy lợi, chọn tạo giống và vận động nông dân sản xuất theo VietGAP để có nguồn nguyên liệu bền vững và xây dựng thương hiệu riêng. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, với hỗ trợ thiết thực và tập trung vào các mô hình sản xuất có liên kết, thành phố đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường. Đến nay, nhiều diện tích nuôi thủy sản, sản xuất lúa và rau màu trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận đảm bảo các điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và đạt chứng nhận VietGAP, Global GAP. Các THT, HTX rau màu trên địa bàn thành phố có thể cung ứng ra thị trường trên 20 ngàn tấn rau an toàn mỗi năm. Dù mới có 83 ha lúa đạt chứng nhận VietGAP, nhưng sẽ tăng thời gian tới, do thành phố đang nỗ lực hỗ trợ các THT, HTX xúc tiến thủ tục công nhận. Trên cây ăn trái đã có những sản phẩm có thương hiệu: Dâu Hạ Châu, xoài cát Hòa Lộc sông Hậu, nhãn…

Thông qua thực tế sản xuất, nông dân đón nhận tích cực hơn về GAP, nhiều người không còn ngại ghi chép nhật ký đồng ruộng, thay đổi cách nghĩ, chịu khó học hỏi để làm tốt hơn. Ông Trần Văn Lợt, Giám đốc HTX chôm chôm Sơn Định (ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), cho biết: "Khi còn là THT chôm chôm Tân Thới, chôm chôm đã được chứng nhận VietGAP ngày 29-12-2014, chúng tôi mạnh dạn chuyển lên HTX cuối năm 2016. Thành quả này là nỗ lực của nông dân và sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, Hội Làm vườn Việt Nam cùng các cấp chính quyền địa phương. Hiện HTX đang nỗ lực sản xuất để tới đây xin chứng nhận Global GAP". Theo ông Lợt, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân không dễ dàng, nhưng họ đã nhận thấy cái lợi từ giảm phân thuốc trừ sâu, tiết kiệm chi phí và an toàn cho sức khỏe nên chấp nhận theo GAP. Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chi phí tăng thêm 10%-20% so với sản xuất thông thường. Nhưng để mở rộng GAP còn là câu chuyện dài, vì hiện nay, nhiều mô hình GAP trở về "vạch xuất phát" do giá bán sản phẩm GAP bị đánh đồng với sản phẩm thông thường, nhiều nông dân "nản lòng" quay về với sản xuất truyền thống.

Thống kê của Bộ NN&PTNT, đến cuối năm 2016, cả nước có 1.516 cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực; trong đó rau 666 cơ sở (trên 4.354ha), cây ăn trái 714 cơ sở (gần 12.615ha), lúa 27 cơ sở (gần 1.318ha)...

Nhóm PV Kinh tế

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang