• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyển mình để thích ứng

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 21/04/2017
Ngày cập nhật: 22/4/2017

Những tháng đầu năm 2017, sản xuất nông nghiệp của thành phố đối mặt nhiều khó khăn: thời tiết diễn biến bất lợi, dịch hại, cạnh tranh ngày càng gay gắt... Những lực cản này được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, đòi hỏi ngành nông nghiệp thành phố phải có giải pháp đồng bộ, bền vững để hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Đối mặt nhiều khó khăn

Trồng lan là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị cho thu nhập cao. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố tham quan vườn lan trên địa bàn phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhìn chung, sản lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay đều có chiều hướng giảm. Tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bất lợi do thời tiết thất thường, biến đổi khí hậu làm phát sinh dịch bệnh và ảnh hưởng đến việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: "Trong vụ xuân hè 2017, mưa bất thường và kéo dài làm ảnh hưởng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hầu hết diện tích trồng mè (cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và ổn định đầu ra được nông dân chọn để chuyển đổi) không thể xuống giống được. Một số diện tích đã xuống giống cũng bị mưa làm chết giống". Mặt khác, theo ông Nguyễn Đại Nhã, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, một số hộ nông dân chưa tuân thủ tốt khuyến cáo; trình độ của cán bộ kỹ thuật và nông dân không đồng đều nên việc chuyển giao và ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng nông sản.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra nông sản vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Nông sản địa phương đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt ở cả thị trường trong và ngoài nước. Đơn cử như huyện Phong Điền xác định sản xuất cây ăn trái giữ vai trò quan trọng, làm nền tảng để nông nghiệp phát triển và là cơ sở thực hiện định hướng xây dựng Phong Điền trở thành huyện đô thị sinh thái. Tuy nhiên, sản xuất hiện nay vẫn nhỏ lẻ, manh mún nên người nông dân chưa tiếp cận được với các doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm, trong khi việc đưa sản phẩm vào siêu thị lại gặp nhiều khó khăn. Phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi phù hợp đối với TP Cần Thơ hiện nay. Song nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu...

Tìm giải pháp thích ứng

Trước những khó khăn, ngành nông nghiệp đã có bước chuyển mình để thích ứng. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: "Để chống chọi với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiếu nước tưới, thời gian qua, thành phố khuyến khích mở rộng các mô hình canh tác cây trồng cạn trên nền đất lúa kém hiệu quả. Đây là giải pháp được đánh giá cao. Bởi vừa tranh thủ được thời gian sản xuất, vừa giúp nông dân cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn sự phát triển của một số dịch bệnh trên cây lúa, tăng thêm thu nhập cho nông dân". Theo ông Nguyễn Đại Nhã, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục làm tốt công tác khuyến cáo nông dân có những giải pháp kỹ thuật tiên tiến, phù hợp để vừa có thể đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản vừa có thể hạ giá thành sản xuất. Đơn cử như khuyến cáo nông dân áp dụng các giải pháp tổng hợp IPM, "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"; bón phân cân đối, hợp lý tạo cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và dịch hại.

Bên cạnh việc thích ứng với điều kiện thời tiết, các địa phương dần định hướng nông dân sản xuất theo quy trình sạch, bán "cái thị trường cần" chứ không phải bán "cái gì mình có". Ông Trương Tiến Luật, Trưởng phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: "Đánh vào xu hướng tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn, Thốt Nốt phát triển vùng sản xuất rau màu chuyên canh theo hướng an toàn, trồng rau trong nhà lưới với nhiều chủng loại (hẹ, rau thơm, cần ống, khổ qua, ớt...). Hiện Siêu thị Co.opmart tại Thốt Nốt, một số công ty trong Khu Công nghiệp Trà Nóc đã cam kết thu mua rau màu tại một số hợp tác xã, tổ hợp tác, từ đó giúp nông dân ổn định đầu ra. Đối với sản phẩm hẹ trồng trong nhà lưới, Siêu thị Co.opmart tại Thốt Nốt ký hợp đồng thu mua cao hơn 2.000 đồng/kg so với rau ngoài thị trường". Mặt khác, để cải thiện chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần phải thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Đó là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất do doanh nghiệp đề ra; nghiêm túc ghi chép nhật ký sản xuất...

Về định hướng sản xuất trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Từng bước khắc phục khó khăn, đưa nông nghiệp phát triển bền vững, thành phố tập trung triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nhân rộng mô hình liên kết giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Các quận, huyện tập trung thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng,… Đây là những giải pháp căn cơ góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Đến hết quý I/2017, toàn thành phố thu hoạch 80.662/85.449 ha lúa đông xuân 2016-2017, năng suất ước đạt 6,49 tấn/ha. Lúa hè thu 2017 xuống giống 67.840 ha, đạt gần 95% kế hoạch. Ngành nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả; khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh, để nâng cao chất lượng kết hợp với phát triển du lịch. Ở lĩnh vực thủy sản, tổng diện tích thả nuôi từ đầu năm đến nay của thành phố khoảng 1.945ha, đạt 18,52% so với kế hoạch; sản lượng thu hoạch 36.230 tấn, đạt gần 18,5% kế hoạch đề ra. Các hộ nuôi chú trọng phát triển các mô hình theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (GlobalGAP, ASC, BMP, VietGAP,...) nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản.

Mỹ Thanh

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang