• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông nghiệp và "con đường" trong tương lai - Bài 2: Luẩn quẩn điệp khúc "trồng-chặt"

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 19/04/2017
Ngày cập nhật: 21/4/2017

Hiện nay do đầu ra còn phụ thuộc thương lái nên hầu hết đến chính vụ thì người trồng thanh long đều rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long tại vườn nhà bà Vũ Thị Hạnh (ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc).

Từ những câu chuyện về trái chuối, hạt hồ tiêu, con gà..., có thể thấy sự bấp bênh trong sản xuất nông nghiệp đều có cùng nguyên nhân, đó là: trồng ồ ạt theo tâm lý đám đông, không nắm bắt nhu cầu của thị trường, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Trồng theo phong trào

Trên thực tế cho thấy, nhiều mô hình ban đầu vốn rất hiệu quả nhưng khi nhân rộng lại dễ thất bại, bởi lẽ khi nông dân đua nhau nuôi, trồng ồ ạt thường dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm làm ra không bán được, giá giảm.

Trở lại câu chuyện của cây chuối cấy mô, ban đầu trên địa bàn tỉnh mới chỉ có vài hộ tại xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) trồng thử nghiệm trên diện tích vài ha. Ở thời điểm đó, người trồng chuối thu lãi từ 70-80 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, diện tích trồng chuối cấy mô đã tăng lên 70ha, sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm. Trong khi đó, người trồng chuối lại không rõ sẽ bán hàng cho ai, tiêu thụ tại thị trường nào. Ông Vũ Văn Băng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm cho biết, không chỉ xã Tân Lâm, mà tại các địa phương khác cũng ồ ạt trồng chuối cấy mô. Tính đến nay, diện tích chuối cây mô triên địa bàn tỉnh tăng lên 363ha. Hậu quả là cung vượt cầu, hàng ngàn tấn chuối đến vụ thu hoạch không biết bán cho ai.

Tình trạng này cũng xảy ra với cây mít Thái. Thời gian qua, nhiều nhà vườn ở khu vực Đông Nam bộ, trong đó có BR-VT chuyển qua trồng mít Thái. Đây là giống mít có múi to, giòn, ít mủ, ít xơ. Có thời điểm, thương lái Trung Quốc thu mua mít Thái tại vườn với giá 20.000 đồng/kg đã tạo ra “phong trào” đổ xô trồng mít Thái rầm rộ ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành. Thậm chí, nhiều hộ dân đã chặt bỏ cây điều để đầu tư trồng loại mít này. Đơn cử như tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) có đến gần 70 hộ chuyển đổi sang trồng mít Thái. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, khi thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, loại mít này có thời điểm rớt giá xuống còn 3.000-5.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán. Không tìm được đầu ra, người trồng mít Thái lại lao đao. Nhiều hộ lại chặt bỏ cây mít để trồng các loại cây khác.

Trong những ngày gần đây, hệ quả của việc trồng theo phong trào, không tuân thủ quy hoạch “nóng” nhất vẫn là câu chuyện của cây hồ tiêu. Được xem là cây trồng “vàng”, ở thời điểm năm 2014-2015, giá hồ tiêu tăng vọt, nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha nên nhiều hộ đồng loạt chặt bỏ điều, ca cao để chuyển sang trồng tiêu. Theo quy hoạch của Sở NN-PTNT, đến năm 2020, diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh ở mức 8.300ha, sản lượng khoảng 16.800 tấn, trong đó tiêu xuất khẩu 16.200 tấn. Quy hoạch này được lập dựa trên nhu cầu thị trường, nhất là về xuất khẩu; đồng thời căn cứ vào lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu... Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã lên đến hơn 11.163ha, vượt quy hoạch gần 3.000ha và nông dân vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu. Hậu quả là cung vượt cầu, giá hồ tiêu liên tục lao dốc. Trong khi đó, cây điều do bị chặt bỏ quá nhiều dẫn đến diện tích, sản lượng sụt giảm, không đủ nguồn hàng để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu của tỉnh nên giá đã tăng gấp đôi so với trước đó.

Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho rằng, thời gian qua, nhiều nông dân vẫn giữ thói quen sản xuất theo phong trào, nghĩa là thấy nhà hàng xóm trồng có hiệu quả, thu lãi cao là nhà mình cũng trồng theo, trong khi chưa nắm được kỹ thuật, đầu ra sản phẩm như thế nào. Việc làm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Dù là sản phẩm đặc sản của tỉnh nhưng bưởi da xanh vẫn còn gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trong ảnh: Thu hoạch bưởi da xanh tại xã Sông Xoài, huyện Tân Thành. Ảnh: Thanh Trí

Không có thị trường tiêu thụ ổn định

Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay có 6 điểm mâu thuẫn trong nông nghiệp là: Nông dân sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng hầu hết lại không biết nhu cầu thị trường là gì; Nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn; Năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập tăng thấp; Giá đầu vào cao nhưng giá đầu ra thấp; Nông dân có thể liên kết với DN nhưng DN không thể liên kết cho hàng ngàn nông dân; Thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ nhưng nông dân lại chưa làm được; Nông dân cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho hàng triệu hộ riêng lẻ với diện tích canh tác bình quân không quá 1ha và nuôi trồng những loại cây, con khác nhau.

Trong số 6 điểm trên, khó khăn nhất vẫn là ở khâu tiêu thụ. Hiện nay, kênh tiêu thụ nông sản chủ yếu vẫn phải qua thương lái, nên luôn tồn tại nghịch lý: Nông dân bị ép giá thấp, trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao; mất mùa giá cao - được mùa giá thấp… Ông Nguyễn Hữu Liên, chủ trang trại nuôi gà tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) nói: “Một điệp khúc đã lặp đi lặp lại nhiều năm qua là khi điều kiện sản xuất của nhà vườn khó khăn, nguồn cung giảm thì thương lái giành giật tranh mua; còn khi thời tiết thuận lợi, được mùa, sản lượng tăng thì thương lái quay lại ép giá”.

Sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Mặt khác, thị trường nông sản cũng chưa xây dựng được chuỗi cung ứng tiến bộ, trong khi chợ đầu mối hiện đại lại ít, chủ yếu là chợ truyền thống. Điều này dẫn đến việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nhất là công nghệ sau thu hoạch như sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến, vận chuyển kém, khiến thất thoát sau thu hoạch cao, hiện khoảng 30-40%. Thực tế này càng khiến bà con nông dân thêm khó khăn.

Đồng chí Trần Đình Khoa, phó chủ tịch HĐND tỉnh:

Nông dân cần trồng cái thị trường cần

Qua đợt tham quan, nghiên cứu các mô hình nông nghiệp tại Israel cho thấy, dù chỉ có 3,7% tổng lực lượng lao động làm trong ngành nông nghiệp nhưng Israel vẫn có thể cung cấp 95% nhu cầu lương thực trong nước và trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Ngành nông nghiệp của Israel được xây dựng theo 2 mô hình: HTX và làng nông nghiệp. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa khoa học và nhà nông tại Israel rất cao. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp ở đây chủ yếu làm ra cái thị trường cần chứ không làm theo cái mình có hay theo mùa vụ. Đây là tư duy sản xuất nông nghiệp tiên tiến mà người nông dân trên địa bàn tỉnh cần phải học tập.

Theo ông Phạm Tấn Phước, trưởng ban tuyên huấn hội nông dân tỉnh:

Tăng cường liên kết “5 nhà”

Để sản xuất nông nghiệp đạt được hiệu quả thì mô hình liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà sản xuất, nhà khoa học và nhà băng) cần phải được phát huy. Các “nhà” trong chuỗi liên kết cần tích cực phối hợp chặt chẽ với nhau. Nhà nước cần thông tin về thị trường, đưa ra dự báo về cung cầu và mở rộng qui mô thị trường, sớm tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong từng vùng sản xuất nông sản tập trung theo “cánh đồng lớn”, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình sản xuất hợp tác như tổ hợp tác, HTX, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà khoa học cần tăng cường nghiên cứu lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng miền, với biến đổi khí hậu, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao, quy trình bảo quản và chế biến nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa các hình thức liên kết, có 2 hoặc nhiều chủ thể tham gia như: DN liên kết với Nhà nước và nông dân; DN liên kết với DN và nông dân trong việc cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra; DN liên kết với nhà khoa học, đơn vị chuyển giao kỹ thuật và nông dân; nông dân liên kết với nhau…

Phương Thảo - Thanh Trí

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang