• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiếp tục "ly nông bất ly hương"

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai, 19/03/2017
Ngày cập nhật: 22/3/2017

Thời gian qua, Đồng Nai có sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu ngành nghề từ nông, lâm, thủy sản sang các ngành phi nông nghiệp. Đây là một trong những tỉnh thuộc tốp đầu cả nước có sự chuyển dịch mạnh mẽ ở khu vực nông thôn.

Gần 100% các khâu trong trồng lúa đều ứng dụng máy móc. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu).

Tuy nhiên, sự chuyển dịch mạnh mẽ này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho sản xuất nông nghiệp, nhất là tình trạng thiếu lao động nông nghiệp ngày càng căng thẳng. Người nông dân phải tăng ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất để tăng năng suất, giảm lao động tay chân...

* Chuyển dịch mạnh mẽ

Theo số liệu từ cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, số hộ dân ở nông thôn tiếp tục tăng trong những năm qua. Toàn tỉnh hiện có trên 481 ngàn hộ ở khu vực nông thôn, tăng trên 56 ngàn hộ.

Những năm qua, Đồng Nai luôn định hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn theo phương châm “ly nông không ly hương”. Kết quả, số hộ ở nông thôn tăng nhưng số lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm, thủy sản lại giảm mạnh vì có sự chuyển dịch dần sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Cụ thể, Đồng Nai hiện có trên 136 ngàn hộ nông, lâm, thủy sản, giảm trên 18,6 ngàn hộ để chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tỷ trọng hộ nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm trên 28% trong cơ cấu các ngành nghề.

Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, chia sẻ trong năm 2016 toàn huyện có thêm 72 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Sự phát triển công nghiệp đã tạo ra sự chuyển dịch lao động tích cực từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Huyện cũng đã hình thành được một số điểm du lịch sinh thái, đầu tư chợ, trung tâm thương mại... tạo đà cho ngành dịch vụ phát triển. Sự chuyển dịch này đã góp phần nâng cao thu nhập người dân ở khu vực nông thôn, góp phần đưa huyện chiến khu nghèo sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới trong năm 2017 này.

“Đồng Nai là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sang các lĩnh vực phi nông nghiệp” - ông Nguyễn Xuân Quang, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai, khẳng định. Cụ thể, năm 2016 số hộ nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm tỷ trọng hơn 28%, giảm mạnh so với tỷ trọng 31,5% vào năm 2011 và 51% và năm 2006 và thấp hơn nhiều so với mức giảm tương ứng của cả nước.

* Thay đổi sản xuất

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Quang, dù là chuyển dịch tích cực nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có tình trạng thiếu lao động trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Vụ thu hoạch mía năm nay, nông dân trồng mía tại nhiều địa phương gặp không ít khó khăn vì không tìm ra nhân công chặt mía dù phải trả mức phí rất cao, từ 300-350 ngàn đồng/người/ngày. Thu hoạch vẫn hoàn toàn thủ công nên nông dân khốn khổ vì lo mía khô trên đồng, trong khi nhà máy chế biến thì không hoạt động hết công suất do thiếu nguyên liệu đã thành “điệp khúc” quen.

Ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy mía đường Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu), cho biết vụ thu hoạch năm nay, mùa mưa kéo dài kèm theo mưa trái vụ vào mùa khô khiến việc thu hoạch, vận chuyển mía chậm hơn, chi phí cao hơn. Nhà máy buộc phải kéo dài thời gian ép mía đến cuối tháng 3, tăng thêm khoảng nửa tháng so với vụ năm ngoái.

“Đầu tư xây dựng những vùng chuyên canh cây mía với diện tích lớn; đưa khoa học - kỹ thuật, lắp đặt hệ thống tưới tự động, đưa máy móc từ khâu trồng đến thu hoạch... là những mục tiêu ngành mía đường Việt Nam đang triển khai để tăng sức cạnh tranh cho cây trồng này” - ông Nghiêm nói.

Đây cũng là hướng đi chung để phù hợp với sự thay đổi của khu vực nông thôn nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng hiện nay. Ông Lâm Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, chúng tôi đã chuyển dần sang đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tự động với quy trình khép kín. Nhờ đó, tôi chỉ cần vài lao động để vận hành cả khu trang trại lớn với quy mô hàng trăm ngàn con gà”.

Bình Nguyên

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang