• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Báo động tình hình tai nạn điện trong nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 07/11/2017
Ngày cập nhật: 8/11/2017

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra 28 vụ tai nạn điện, làm chết 28 người do sử dụng điện không an toàn, trong đó có nhiều vụ tai nạn xảy ra trong khu vực nuôi tôm.

Người dân sử dụng, lắp đặt thiết bị điện tùy tiện

Hiện nay, trong quá trình nuôi tôm có nhiều trường hợp người dân không thực hiện đúng các quy định về an toàn trong sử dụng điện, như: tự ý kéo dây điện chằng chịt, chắp nối nhiều chỗ, sử dụng vật tư, thiết bị điện kém chất lượng. Trong quá trình sử dụng điện, người dân đã tùy tiện câu móc, lắp đặt, sửa chữa thiết bị, lưới điện phục vụ sinh hoạt mà không được trang bị kiến thức kỹ thuật điện. Qua khảo sát hiện trạng các vùng nuôi tôm cho thấy, các hộ nuôi tôm khi lắp đặt mô-tơ điện không sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố xảy ra.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thạch Tư ở khóm Châu Khánh, phường Khánh Hòa (TX. Vĩnh Châu) cho biết: “Trong quá trình nuôi tôm, do muốn giảm chi phí đầu tư nên tôi chỉ kéo một dây (dây nóng) để đấu nối vào mô-tơ điện chạy quạt ôxy; dây còn lại (dây nguội) được dẫn xuống đất”. Khi được hỏi về việc làm trên là hết sức nguy hiểm, ông Tư “vô tư” chia sẻ: “Dù biết việc làm trên là không an toàn nhưng thấy ở xung quanh đây ai cũng sử dụng như thế nên tôi làm theo”.

Còn khá nhiều hộ nuôi tôm chủ quan chỉ kéo một dây nóng để đấu nối vào mô-tơ điện chạy quạt ôxy; dây nguội được dẫn xuống đất rất nguy hiểm.

Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn điện thương tâm

Lưới điện ở các vùng nông thôn, nhất là các khu vực sử dụng điện vào mục đích nuôi tôm, nuôi cá, trồng rẫy... phần lớn người dân không tuân thủ thiết kế đúng kỹ thuật. Do muốn giảm chi phí đầu tư nên đã dùng vật tư, thiết bị điện kém chất lượng, không thường xuyên kiểm tra, thay thế đối với đường dây, thiết bị sử dụng lâu năm, đường dây được kéo trên các cột tre, bạch đàn hoặc câu móc tạm bợ... nên rất dễ xảy ra tai nạn điện và đã có nhiều trường hợp tử vong.

Mới đây nhất là vào ngày 26-10, tại ấp Bình Du A, xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung) đã xảy ra tai nạn điện trong dân làm ông Phan Quốc Phong tử vong, do trong quá trình sửa chữa dàn quạt chạy ôxy nuôi tôm. Trước đó, vào ngày 23-10, tại Khóm 7, Phường 1 (TX. Vĩnh Châu) đã xảy ra tai nạn điện làm ông Kim Toom (nghề nghiệp nuôi tôm) tử vong. Cũng trong ngày 23-10, tại ấp Sông Cái 2, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) xảy ra tai nạn điện làm 1 người chết, nạn nhân là ông Võ Thanh Ngân. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ tai nạn điện làm chết 28 người (nhiều nhất là tai nạn điện trong nuôi tôm), trong đó, TX. Vĩnh Châu có số vụ tai nạn điện nhiều nhất trên địa bàn tỉnh.

Các biện pháp sử dụng điện an toàn trong vùng nuôi tôm

Theo khuyến cáo của ngành điện, để đảm bảo hệ thống điện được an toàn, các hộ nuôi tôm nên đến đơn vị điện lực gần nhất để được tư vấn về khâu kỹ thuật trước khi lắp đặt hệ thống điện. Để phòng tránh tai nạn điện, sử dụng điện được an toàn trong nuôi tôm, cần tuân thủ một số quy định sau:

Đường dây sau công tơ phải dùng dây bọc cách điện. Tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng nhưng tối thiểu không nhỏ hơn 2.5mm2. Trường hợp đường dây dài trên 50m, tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng nhưng không được nhỏ hơn 4mm2 đối với dây nhiều sợi, không nhỏ hơn 7mm2 đối với dây một sợi. Phải kéo đủ 2 dây nóng và nguội có cùng tiết diện để bảo đảm dòng điện cung cấp cho phụ tải. Không để hoặc kéo dây tải điện chạy ngầm trong ao với bất cứ lý do gì. Khi nối dây dẫn phải dùng kẹp hoặc ống nối, kỹ thuật nối dây phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dây. Không được nối dây dẫn ở chỗ võng nhất của khoảng cột vì sẽ tích tụ nước tại mối nối. Khi nối dây dẫn điện phải nối so le và quấn kín băng cách điện.

Cột đỡ dây điện có thể làm bằng thép, bêtông cốt thép, gỗ hoặc tre già. Đường dây phải mắc trên sứ cách điện, độ võng thấp nhất của dây dẫn cách mặt đất từ 2,5m trở lên nhằm tránh người đi dưới đường dây có thể chạm vào. Lắp đặt đường dây, thiết bị cần dẫn nguồn điện từ cột về nhà, lán trại qua 1 Aptomat (AT) tổng. Sau đó, tùy theo yêu cầu của từng ao, đầm nuôi tôm mà phân ra các AT nhánh. Tùy vào phụ tải mỗi thiết bị và máy móc cụ thể mà chọn dây thích hợp.

Sử dụng mô-tơ phải phù hợp với công suất sử dụng, do nhà sản xuất uy tín cung cấp. Nên đặt mô-tơ tại một vị trí cố định, nguồn điện đấu vào mô-tơ phải qua cầu dao riêng (hoặc AT) để chủ động ngắt nguồn điện khi có sự cố. Khi sử dụng mô-tơ điện nên lắp đặt thiết bị chống giật; cần sử dụng dây nối đất an toàn cho thiết bị để giảm nguy hiểm khi có sự cố về điện xảy ra. Cần bảo quản tốt và có che chắn kỹ mô-tơ điện, vị trí đặt máy phải ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước.

Tất cả các thiết bị điện sau khi lắp đều phải để nơi khô ráo, trong nhà, chòi hoặc trong hộp nhựa, tránh mưa gió làm ẩm nước. Các thiết bị đóng cắt (cầu dao, AT) phải bố trí hợp lý để thuận tiện cho thao tác, cô lập. Nghiêm cấm kéo điện, dùng điện bằng cách lấy điện một pha, còn dây nguội đấu xuống giếng, ao hồ, vào đường ống nước. Khi lắp đèn chiếu sáng trong các ao phải sử dụng máng che bảo vệ nhằm tránh nước mưa làm ẩm ướt gây dẫn điện.

Quang Bình

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang