• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bỏ tiền tỷ trồng thanh long “xấu xí”

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 14/07/2017
Ngày cập nhật: 16/7/2017

Người nước ngoài họ không cần trái bự, không cần mẫu mã đẹp. Da thanh long có thể chỗ xanh chỗ đỏ, tai thanh long có thể úa vàng họ vẫn nhập. Nhưng tuyệt đối chất lượng trái phải chuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong giới hạn cho phép…

Nếu không có tấm biển "Trang trại thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP" thì ai cũng tưởng đây là vườn thanh long bị chủ bỏ bê. Mỗi trụ chỉ có vài chục dây thanh long điểm màu vàng nhàn nhạt. Trên những trụ có khoảng vài chục trái thanh long...

Trồng thanh long sạch

… Đang mãi nhìn những trụ thanh long với những trái to bằng trái ổi cỡ lớn, có phần “xấu xí”, tôi giật bắn mình vì tiếng sủa của hai con bẹc giê to đùng. “Lu vào trong”, tiếng một người đàn ông, quát. Lúc này tôi có dịp nhìn kỹ hơn người vừa quát hai con chó.Một vóc dáng cao nhòng, mặt góc cạnh, nhưng ánh mắt nhìn ấm áp. Tôi đoán đây là anh Đỗ Nghi, người hẹn tôi trước đó một ngày. Vừa ngồi xuống bàn nước, anh nói: “Thanh long của anh khác người ta quá hả? Mỗi trụ chỉ vài chục dây thôi… Thanh long sạch nó vậy đó”. Nói rồi anh cười. Tiếng cười của con người dường như đang tìm thấy niềm vui. Mà quả thật vậy, suốt một giờ liền bên bàn nước, anh chậm rãi kể tôi nghe cách trồng thanh long của mình.

Sinh ra trong gia đình ở phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận làm nông nghiệp với Đỗ Nghi là một điều hết sức mơ hồ. Rồi lớn lên, anh Nghi mưu sinh bằng nghề chở phân bò bán cho các trang trại thanh long. Khách hàng của anh chủ yếu là chủ các trang trại thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thuộc hàng lớn nhất tỉnh. Mỗi khi vào những trang trại này, nhìn những hàng thanh long trĩu quả, nhà xưởng, kho bãi được thiết kế bài bản, cảnh nước phun ra từ các pét anh bỗng có ước muốn xây dựng cho mình một trang trại như thế. Tiếp xúc với nhiều trang trại, được thấy một “thị trường thanh long đang có bước chuyển mình” và trong sự nắm bắt nhanh nhạy của người đã có mục đích, đam mê, anh quyết định xây dựng trang trại theo chuẩn là sản phẩm phải sạch. Năm 2012, khi anh Nghi quyết định thực hiện kế hoạch với trồng thanh long sạch cũng là lúc giá thanh long bắt đầu nhảy múa, lên cao xuống thấp bất thường. Để có vốn, anh Nghi đã bán dàn xe tải chở phân bò và vay thêm ngân hàng. “Thời điểm đó nhiều người nói tôi bị khùng, đang có thu nhập ổn định từ việc bán phân bò lại chuyển qua trồng thanh long. Người thân, vợ con cản ghê lắm nhưng thanh long với tôi không chỉ là kinh tế mà nó là cả đam mê nên tôi quyết định làm. Sau này thấy tôi mê quá nên vợ con cũng ủng hộ”, anh Nghi nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.

Với lưng vốn kiến thức kha khá về trồng thanh long sạch, anh Nghi đã xây dựng cho mình một quy trình sản xuất riêng, tự đặt tiêu chí chất lượng cho từng khâu sản xuất. Trong những tháng ngày lăn lộn với xe phân bò, anh Nghi nhận ra một điều muốn hạn chế mầm bệnh thì phải kiểm soát được chất lượng nguồn phân bón cho cây thanh long. Và từ đó, khu chuồng nuôi hơn 30 con bò được xây dựng. Phân bò sau khi đưa đến nơi khu xử lý phân thuốc được trộn thêm chế phẩm sinh học Trichoderma để thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ và ngăn ngừa các loại nấm bệnh. Phân bò sau 1 tháng ủ mới được mang ra bón cho cây.

Khi thanh long được 1 năm tuổi trên cành bắt đầu xuất hiện những đốm màu nâu. Nếu như người trồng thanh long khác thì sẽ mua thuốc về để phun nhưng với Đỗ Nghi thì không. Anh Nghi cắt bỏ ngay phần thanh long bị nhiễm bệnh, bởi có dùng thuốc phun trị thì mầm mống của bệnh vẫn còn bên trong dây thanh long, chờ khi thời tiết thích hợp sẽ bùng lên và lây sang cành khác. Với những trụ bị bệnh nhiều, anh Nghi sẵn sàng nhổ bỏ trồng trụ mới. Cành thanh long, trái thanh long, cỏ sau khi cắt được đưa lên xe máy cày mang cho bò ăn. Với anh Nghi vệ sinh vườn là khâu quan trọng nhất, quyết định đến mầm bệnh có trong vườn. Kiểm soát chất lượng từ đầu vào, chăm sóc kỹ cho từng trụ nên 5.000 trụ thanh long của anh Nghi phát triển rất nhanh, cành xanh, dây mập.

Trong cái khó, ló cái khôn

Đầu năm 2014, khi những trái thanh long đầu tiên chín đỏ, Đỗ Nghi đã thấy được tương lai rộng mở. Nhưng, thanh long của anh Nghi chín đúng lúc hàng nhiều. “Đắt ra quế, ế ra củi”, không ít thương lái đến rồi lại đi vì trái thanh long của anh Nghi ít dùng thuốc nên da không căng, tai không xanh, không đạt chuẩn xuất khẩu. Ngày thương lái cắt thanh long anh Nghi buồn không nói lên lời. 1 tấn thanh long mà thương lái chỉ lấy 1,5 tạ còn lại cho qua hàng dạt với giá vài nghìn đồng. “Bán xong lứa đầu tiên, mình buồn ghê lắm, ăn cơm không nổi luôn, bao nhiêu hy vọng vỡ hết. Thanh long sạch mà cạnh tranh với thanh long sử dụng nhiều phân thuốc theo cách thông thường thì chỉ có lỗ nên mình đổi hướng ngay”, anh Nghi nhớ lại.

Sau nhiều đêm thức trắng, một tia sáng lóe lên khi anh nhớ có một vài người bạn ở TP.Hồ Chí Minh đang bán hàng online và rất cần nông sản sạch. “Người dân TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương họ đã biết đến trái thanh long từ lâu. Nhưng họ không dám ăn vì sợ phân thuốc nhiều. Bây giờ mình phải tập cho họ ăn lại”, anh Nghi nhớ lại. Khoảng tháng 3/2014, anh Nghi thực hiện chương trình quảng bá sản phẩm. Ban đầu là nhờ người quen ở TP.Hồ Chí Minh giới thiệu sản phẩm của mình đến bạn bè, rồi lên mạng giới thiệu sản phẩm kèm theo cam kết về chất lượng, độ ngọt và an toàn vệ sinh thực phẩm. “Những tháng đầu chỉ được vài chục kilogam nhưng vất vả lắm. Cả ngày ngồi chờ người ta gọi điện rồi cắt trái, đón xe gửi hàng đi các nơi, rồi hồi hộp chờ người giao hàng báo khách đã nhận hàng. Nhưng được cái vui vì giá bán bao giờ cũng cao hơn thị trường chung rất nhiều”, anh Nghi nhớ lại. Đến cuối năm 2014 thì thanh long ở trang trại Đỗ Nghi đều được bán nội địa. Để chủ động trong việc bán sản phẩm, anh Nghi chia nhỏ diện tích ra chong đèn. Vào lúc chính vụ, một trụ anh chỉ để vài chục trái còn lại cắt bỏ để đảm bảo cây vừa nuôi trái vừa phục hồi sau mùa chong đèn. Qua thời gian, lượng khách tìm đến với trang trại Đỗ Nghi mua sản phẩm ngày một nhiều. Và một trong những khách hàng của anh Nghi đã mang đến một cơ hội mới.

“Cất cánh” sang trời u

Đầu năm 2015, rất nhiều công ty xuất khẩu thanh long liên hệ với anh Nghi để hợp tác xuất khẩu, nhưng anh bỏ ngoài tai vì đầu ra đã có, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, cuộc gọi vào lúc 23h một ngày cuối năm 2015 là bước ngoặt lớn với anh Nghi. “Trước đó, một công ty xuất khẩu nông sản ở TP. Hồ Chí Minh có điện thoại ra nói sẽ đến thăm vườn. Thực sự mình không quan tâm bởi lúc đó vài tuần lại có người liên hệ. Sau đó vài ngày, khoảng 23h đêm thì người đó gọi điện nói đang đi cùng ông kỹ sư trưởng công ty nông sản bên Đức lên vườn thanh long và đề nghị tôi có mặt ở đó. Thấy họ nhiệt tình nên mình cũng chạy lên. Đến nơi, họ không hỏi nhiều chỉ xin lấy ngẫu nhiên mẫu cành, trái và đất. Khoảng 15 phút, các mẫu lấy xong họ hẹn sáng mai tiếp tục làm việc. Sáng hôm sau họ mới hỏi về quy trình sản xuất và nói sẽ đưa mẫu này qua Đức xét nghiệm. Nếu đạt tiêu chuẩn thì họ sẽ ký hợp đồng với mình. Nói thật, trước đó mình thờ ơ với mấy công ty kia bao nhiều thì lúc đó mình hồi hộp, chờ đợi bấy nhiêu. Nhìn cách họ làm việc là mình biết họ rất chuyên nghiệp và đây là một cơ hội lớn…”, anh Nghi nhớ lại.

Khoảng 1 tháng sau, công ty đó điện lại và đặt những container thanh long đầu tiên. Sau khoảng thời gian khẳng định chất lượng sản phẩm, đối tác bên Đức đề nghị anh Nghi làm chứng chỉ GlobalGAP để xuất khẩu trực tiếp. Hôm tôi đến, anh Nghi cùng với công nhân đang lựa từng trái thanh long đóng container. Cầm trái thanh long nặng cỡ 2,5 đến 3 lạng anh Nghi khẳng định: “Đây mới là size chuẩn xuất sang Đức. Người nước ngoài họ không cần trái bự, không cần mẫu mã đẹp. Da thanh long có thể chỗ xanh chỗ đỏ, tai thanh long có thể úa vàng họ vẫn nhập. Nhưng tuyệt đối chất lượng trái phải chuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong giới hạn cho phép”. Hiện nay, mỗi tháng anh Nghi xuất sang Đức từ 1 đến 3 container. Do nhu cầu của khách hàng trong nước và xuất khẩu tăng đều nên sắp tới anh Nghi sẽ trồng thêm 2.000 trụ thanh long ruột tím.

Ăn thử miếng thanh long anh Nghi vừa hái xuống, tôi cảm nhận vị ngọt, thơm dịu khi vừa chạm vào đầu lưỡi... Thanh long ruột trắng nhưng độ ngọt không khác gì thanh long ruột đỏ. Thanh long của anh Nghi không đẹp nhưng tương lai lại sáng sủa. Chủ động tìm hướng đi mới, không phụ thuộc vào một thị trường nào đã giúp cho anh Nghi từ một người không biết gì về nông nghiệp trở thành “kỹ sư” thanh long. Và nếu có thêm những người chủ động đột phá như anh Nghi thì sẽ ít đi “bài ca muôn thuở” của nông sản - được mùa mất giá…

Ký sự của Nguyễn Luân

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang