• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vải thiều vào Thái Lan mở ra tín hiệu tích cực cho trái cây Việt

Nguồn tin: VOV, 05/07/2017
Ngày cập nhật: 6/7/2017

Vải thiều vào thị trường Thái Lan đã mở ra một tín hiệu tốt, là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này.

Sau khi thâm nhập vào các thị trường như Mỹ, Australia, Trung Đông và Nhật Bản… Thái Lan là điểm đến tiếp theo của vải thiều Việt Nam. Ngày 30/6 vừa qua, lô vải thiều đầu tiên từ Việt Nam đã được xuất khẩu sang Thái Lan và vài ngày sau đó, tại siêu thị Food Hall và Tops của tập đoàn Central ở Thủ đô Bangkok, vải thiều Việt Nam đã được bày bán cùng với các loại hoa quả nhập khẩu khác. Đây cũng là những siêu thị hàng đầu của Thái Lan về cung cấp thực phẩm.

Vải không phải là loại quả khan hiếm ở Thái Lan, tuy nhiên, khác với vải thiều của Việt Nam, loại quả này ở Thái Lan thường có chất lượng không tốt bằng. Vải của Thái có vị chua và mỏng cùi. Chính vì thế, tập đoàn Central đã quyết định đưa loại trái cây này của Việt Nam sang với thị trường Thái Lan.

Vải thiều Việt Nam có giá bán khoảng 200.000 đồng/kg tại Thái Lan.

Đây không phải là một thị trường khó tính như châu Âu hay Nhật Bản, nhưng hoa quả Việt Nam cũng khó có thể cạnh tranh tại đây vì chất lượng cũng như chủng loại ở đây khá tương đồng.

Anh Nathee, một người dân Bangkok cho biết, anh đã từng sang Việt Nam và biết tới quả vải thiều. Tuy nhiên, giá bán của loại quả này tại Thái Lan khá đắt, 299 baht/kg (gần 200.000 đồng), gấp 4 lần loại trồng trong nước. Chính vì thế, anh cũng sẽ cân nhắc khi lựa chọn.

“Tôi đã biết tới vải thiều khi tới Việt Nam công tác. Vải thiều Việt Nam ngọt hơn loại của Thái Lan nên dù giá thành khá đắt nhưng nhiều người vẫn mua. Hy vọng trong thời gian tới giá của vải thiều Việt Nam sẽ rẻ hơn để nhiều người Thái có thể mua và thưởng thức”, anh Nathee nói.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được đưa sang Thái Lan, trước đó, năm 2016, loại quả này cũng đã được giới thiệu đến với người tiêu dùng xứ Chùa Vàng trong tuần lễ Việt Nam tại Thái Lan.

Loại vải thiều được xuất khẩu sang Thái Lan lần này là loại tới từ Lục Ngạn, Bắc Giang. Những trái vải được đóng hộp với nhãn mác đầy đủ thông tin về thương hiệu, nguồn gốc và chứng nhận an toàn.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 2 năm trở lại đây Việt Nam đã chi hơn 376 triệu USD để nhập khẩu trái cây từ Thái Lan và Thái Lan đã vượt Trung Quốc để vươn lên dẫn đầu về giá trị trái cây xuất khẩu vào Việt Nam.

Việc có thể xuất ngược lại nông sản sang thị trường Thái Lan mở ra một tín hiệu tốt không chỉ cho người trồng vải. Đồng thời cũng là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan, tận dụng cơ hội các dòng thuế xuất nhập khẩu đã được cắt giảm theo cam kết của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Điều này cũng giúp Việt Nam giảm dần nhập siêu trái cây từ Thái Lan như hiện nay.

Quang Trung-Xuân Hùng/VOV-Bangkok

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang