• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗi lo dịch bệnh trên cam sành

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 04/07/2017
Ngày cập nhật: 5/7/2017

Trong vài năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang diễn ra khá mạnh mẽ. Nhiều diện tích mía, vườn tạp kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, trong đó có cây cam sành. Tuy nhiên, việc lựa chọn cây giống không rõ nguồn gốc, cùng với chuyển đổi ồ ạt, thiếu định hướng làm cho hàng trăm héc-ta bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ.

Không còn cách nào khác, ông Thọ buộc phải đốn bỏ những cây cam nhiễm bệnh để ngừa bệnh lây lan.

Cách đây 3 năm, khi xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, phát động phong trào chuyển đổi cây trồng thì ông Nguyễn Văn Thọ, ở ấp Mỹ Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi 5 công đất mía để trồng gần 1.000 cây cam sành. Thay vì hy vọng “hốt bạc” như nhiều nhà vườn khác thì ông Thọ đang phải đốn bỏ dần diện tích cam trong vườn, bởi những cây cam của gia đình đang cho trái bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh trên 50%. Ông Thọ cho biết: “Cam trồng một, hai năm đầu rất tốt, cây xanh tán rộng. Nhưng đến năm thứ ba khi bắt đầu cho trái thì cây có dấu hiệu chựng lại, lá xuất hiện những vân xanh ngày một nhiều. Ban đầu chỉ có một vài cây, sau đó lan rộng ra gần hết vườn và cây bắt đầu chết. Vườn cam của tôi đến nay đã đốn gần 200 gốc”.

Ông Thọ cũng cho biết trước đây khi thấy nhiều người dân trong xóm mua cây giống dưới ghe bán dạo thì gia đình cũng mua theo. Giá bán những cây này thường rẻ hơn các điểm bán cây giống tập trung từ 1.000-2.000 đồng/cây. Do bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư vào vườn cam này, giờ bệnh không thu lại được gì nên gia đình rất khó khăn.

Không riêng trường hợp của ông Thọ, mà theo thống kê của ngành chức năng, trong khoảng 3 năm qua toàn huyện Phụng Hiệp có trên 1.000ha cam nhiễm bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ nên người dân đã đốn bỏ nhiều diện tích. Hiện tại, huyện Phụng Hiệp có gần 3.300ha cam thì cũng có đến 150ha đang nhiễm bệnh, phần lớn là diện tích mới trồng từ 3-5 năm tuổi. Bệnh đang tiếp tục gia tăng mạnh tại các địa phương như xã Tân Long, Hiệp Hưng, thị trấn Búng Tàu...

Như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Sang, trồng hơn 600 gốc cam sành tại thị trấn Búng Tàu, khi cam được 5 năm tuổi thì bắt đầu nhiễm bệnh nên anh đành làm theo phong trào hiện nay là chích một loại thuốc vào cây với hy vọng phục hồi vườn cam của gia đình. Anh Sang cho biết: “Nghe bạn bè giới thiệu, gia đình quyết định đầu tư thêm ít tiền với hy vọng phục hồi lại vườn cam, thu hoạch thêm 1-2 vụ nữa sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác”.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Hai loại bệnh đang phổ biến trên cây có múi ở Phụng Hiệp hiện nay là vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ. Đối với bệnh vàng lá gân xanh chủ yếu là do rầy chổng cánh truyền vi khuẩn, chích từ cây bệnh truyền sang cây không bệnh làm cho bệnh lây lan. Mặt khác, cũng do người dân vì ham rẻ sử dụng nguồn cây giống trôi nổi, với những mắt ghép nhiễm bệnh cũng mang mầm bệnh làm lây lan trên diện rộng. Còn đối với bệnh vàng lá thối rễ là do quá trình chuyển đổi, nông dân lên liếp không đúng kỹ thuật làm cho lượng nước không thể thoát dẫn đến bộ rễ bị thối không hấp thu được dinh dưỡng dẫn đến tình trạng chết dần”.

Cũng theo ông Tự, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai giải pháp bằng việc mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cam. Thông qua những buổi chuyển giao như vậy sẽ hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, lựa chọn cây giống, chăm sóc, cắt tỉa cành, cách thức tiêu hủy những nhánh cây mang mầm bệnh không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Hiện nay, hai loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên công tác phòng bệnh là chủ yếu. Với những vườn cam bị nhiễm bệnh, cách làm “chữa cháy” của nhiều nhà vườn hiện nay là thực hiện chích thuốc cho cây để phục hồi sức sinh trưởng. Tuy nhiên, cách làm này được đánh giá là phản khoa học, bởi những hệ lụy của nó mang lại. Chính vì thế rất cần có những động thái tích cực từ ngành chức năng để tiếp sức cho các nhà vườn giúp phục hồi sớm vườn cam bị bệnh.

Thanh Duy

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang