• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quả ngọt nơi thượng nguồn sông Cầu

Nguồn tin: Nhân Dân, 31/12/2016
Ngày cập nhật: 3/1/2017

Người dân xã Quang Thuận chăm sóc quýt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cam, quýt là loại cây mang nguồn gien quý trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn cho trái ngọt, hương vị đặc trưng, cho nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Để quýt Bắc Cạn thật sự là quả ngọt, các cơ quan chức năng, nông dân cần chung tay góp sức để loại nông sản này có thương hiệu, giá trị.

Cây giảm nghèo, làm giàu

Đi dọc quốc lộ 3B, một bên là dòng sông Cầu, một bên là những vườn quýt lúc lỉu quả vàng trên các sườn đồi thoai thoải trông thật thích mắt. Thấp thoáng trong những vườn cây trái là những ngôi nhà sàn xinh xắn, những căn biệt thự hai tầng, ba tầng được xây dựng lên trong những năm gần đây bằng tiền bán quýt. Chúng tôi vào thăm nhà anh Lưu Chấn Thụ ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, thấy cả gia đình đang bận rộn thu hoạch quýt, để bán cho những người buôn mang về Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, ngược lên Cao Bằng, sang Lạng Sơn tiêu thụ. Ngừng tay, anh Thụ bảo: “Trước đây gia đình trồng quýt với diện tích rất ít, chủ yếu để ăn và làm quà biếu anh em, bạn bè ở xa. Quả mình biếu tặng, bạn bè, anh em khen thơm, ngọt và nói rằng có thể bán được nên tôi chọn những quả to, đẹp mang ra chợ Bắc Cạn bán, có nhiều người mua nên mỗi năm lại mở rộng thêm diện tích, nay gia đình tôi đã trồng được năm ha quýt, thu gần 100 tấn quả, sau khi trừ chi phí mua phân bón, nhân công lao động, năm nay lãi khoảng 600 triệu đồng”. Gần đó là gia đình chị Triệu Thị Thành có đồi quýt gần bốn ha, cây nào cũng sai trĩu quả đang vào độ chín. Đồi quýt của chị Thanh năm nay thu khoảng 80 tấn quả, trừ các chi phí lãi tầm 400 triệu đồng. Thôn Nà Thoi có 72 hộ, gần như hộ nào cũng trồng quýt, nhờ quýt mà đến nay có 50 hộ khá giả, số hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quang Thuận được coi là “thủ phủ” của quýt Bắc Cạn với 500 ha cho thu hoạch quả, bình quân mỗi ha cho sản lượng gần 20 tấn quả, hằng năm mang lại nguồn thu cho đồng bào dân tộc trên địa bàn xã 40 - 50 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Quang Thuận Hà Thiêm Doanh vui mừng chia sẻ, cam, quýt thật sự là cây giảm nghèo, làm giàu cho nhân dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Theo TS Nguyễn Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn: Quýt Bắc Cạn mang nguồn gien quý, quả tròn dẹt, đường kính từ bảy đến chín cm, cao từ bốn đến năm cm, vỏ nhẵn, mầu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả mầu vàng rơm, không nát, có vị ngọt dịu, thơm. “Cam, quýt Bắc Cạn được cấp chỉ dẫn địa lý, không những được công nhận về chất lượng, bảo hộ thương hiệu, mà còn góp phần tích cực quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, nhận thức của nông dân trong việc trồng, chăm sóc đúng quy trình nhằm mở rộng diện tích, không ngừng nâng cao chất lượng quả. Từ đó, góp phần tích cực giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người trồng quýt, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số”, TS Khiêm cho biết thêm.

Dải đất hai bên sông Cầu, từ xã Quang Thuận, ngược lên Dương Phong, sang các xã Đông Viên, Phương Viên thuộc huyện Chợ Đồn là thượng nguồn sông Cầu, nhân dân cải tạo vườn tạp, nương rẫy, khai phá những vạt đồi bên dòng sông trồng quýt thay thế cây ngô và những loại cây không có giá trị kinh tế. Dọc quốc lộ 3B, không còn cảnh đìu hiu, thưa vắng của vùng miền núi trong những mùa đông rét mướt như trước kia, mà xuất hiện nhiều điểm bán quýt sôi động người mua, người bán. Từ đây, quýt được thu mua với số lượng lớn và chuyển lên các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn... tiêu thụ.

Năm 2012, quýt Bắc Cạn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, lúc đó toàn tỉnh có khoảng 1.300 ha, chủ yếu được trồng trên vùng đất thượng nguồn sông Cầu. Khi loại quả ngọt này đã được công nhận, bảo hộ về thương hiệu, tỉnh có quy hoạch vùng trồng, ban hành chính sách hỗ trợ về giống như cú huých để mở rộng diện tích quýt sang các huyện Ba Bể, Chợ Mới, đến nay diện tích trồng quýt tăng gấp đôi với 2.500 ha.

Để nâng cao giá trị

Với lợi thế đất đai rộng, khí hậu đặc thù, Bắc Cạn xác định phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có các loại cây đặc hữu, mang nguồn gien quý như cam, quýt, hồng không hạt là những nông sản có thương hiệu, có lợi thế để giảm nghèo bền vững. Riêng với cây quýt, những năm qua, Bắc Cạn quy hoạch vùng trồng quýt ở vùng thượng nguồn sông Cầu và một số xã ở Chợ Mới, Ba Bể, là những nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để cây quýt phát triển, giữ được giá trị đặc thù. Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ nông dân về giống, lựa chọn những cây đầu dòng, cây ưu tú để nhân giống, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp một số cơ quan nghiên cứu về rau quả, trường đại học để nghiên cứu, bảo tồn, cải thiện mẫu mã, chất lượng quả. Tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng nhiều nơi biết đến loại quả ngọt này.

Song, người trồng vẫn chưa thật sự vui. Ở chợ Bắc Cạn, quýt được bán với giá 20 nghìn đồng/kg, còn ở xã Quang Thuận, mặc dù chỉ cách thành phố Bắc Cạn 8 km, giao thông thuận lợi, nông dân chỉ bán được giá chưa bằng một nửa. Gia đình anh Lưu Chấn Thụ là một trong những hộ trồng nhiều quýt nhất ở Quang Thuận, dù mỗi năm thu 500 - 600 triệu đồng từ quýt, nhưng anh Thụ trần tình: “Diện tích, sản lượng nhiều thì thu được nhiều tiền thôi. Chăm sóc cả năm trời mà bán quýt tại vườn, hoặc vận chuyển ra quốc lộ 3B bán được mười nghìn đồng/kg, trong khi đó người buôn vào thu mua, mang về Bắc Cạn bán lãi gấp đôi. Biết là thua thiệt, nhưng chúng tôi vẫn phải bán buôn, thậm chí bán cả vườn, vì nhà tôi có sản lượng 100 tấn, mang ra tỉnh bán mỗi ngày cũng được một tạ thì bao giờ mới hết”. Quýt trồng ở Quang Thuận, gần thành phố, giao thông thuận tiện còn bán với giá như thế, ở các địa phương khác thì giá còn thấp hơn.

Quýt Bắc Cạn không dùng hóa chất bảo quản, thơm, giàu dinh dưỡng, nhưng năm nào nông dân cũng chỉ bán được với giá rẻ, thấp hơn nhiều so với giá trị nên bị thua thiệt đang là thực trạng từ nhiều năm qua. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Đình Điệp lý giải: “Đến nay, vẫn chưa hình thành được chuỗi giá trị cho quýt Bắc Cạn, hợp tác xã ít, hoạt động kém hiệu quả; nhà nông, doanh nghiệp chưa kết nối được với nhau để cùng chia sẻ lợi ích khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, bị tư thương hùa nhau ép giá”. “Chúng tôi đang mời gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng chất lượng quả, tổ chức đưa quýt đến người tiêu dùng; lập mới, củng cố hợp tác xã để cung cấp dịch vụ đầu vào, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, áp dụng kỹ thuật, thâm canh để quả quýt to, mẫu mã đẹp, tăng cường quảng bá, đưa quýt đến người tiêu dùng nhằm tránh tình trạng bị tư thương ép giá” - đồng chí Nguyễn Đình Điệp cho biết.

Mới đây, tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực... để phát triển hợp tác xã trên địa bàn. Đối với các xã trồng nhiều quýt, các thôn phải hình thành hợp tác xã để sản xuất với quy mô lớn hơn, tổ chức đưa quýt đến thị trường, tiếp cận với người tiêu dùng. Từ lâu, nông dân Quang Thuận mong muốn hình thành chợ nông sản tại địa phương, để nông dân mang quýt đến bán, mà đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Lê Thế Bình

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang