• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giải pháp phát triển bền vững ngành dừa - Giữ mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 26/05/2017
Ngày cập nhật: 28/5/2017

Dừa đã khan hiếm còn bị thương lái nước ngoài thu gom.

“Đau lòng khi thấy các doanh nghiệp (DN) trên đất Bến Tre phải đến các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ… để mua dừa nguyên liệu. Có DN phải sang nước ngoài nhập dừa lên mộng về chế biến.

Trong khi đó, dừa nguyên liệu của tỉnh lại “chảy tuồn” sang nước lân cận” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã không ít lần chia sẻ như vậy. Vấn đề này không chỉ đơn thuần về năng lực cạnh tranh mà còn là vấn đề mối liên kết trong ngành dừa. Yêu cầu tất yếu đặt ra với ngành dừa Bến Tre là kịp thời củng cố, hoàn thiện mối liên kết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Mấu chốt trong chuỗi liên kết là nông dân và DN.

Liên kết còn gập ghềnh

Những tháng đầu năm 2017, nhiều DN có vốn đầu tư trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong cạnh tranh thu mua dừa nguyên liệu tại chỗ. Sức ép do phải cạnh tranh với các thương lái nước ngoài, giá dừa thô đẩy lên cao và thay đổi liên tục trong ngày, trong tuần nên DN chọn giải pháp nhập khẩu. Hiện đa số DN chưa tạo được vùng nguyên liệu riêng cho nhà máy. Một số ít DN bước đầu đã liên kết với nông dân, hợp đồng tiêu thụ, xây dựng vùng trồng dừa organic (vườn dừa hữu cơ). Tuy nhiên, kết quả chưa cao, mối liên kết lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ khi có thương lái bên ngoài “chen” với giá cao hơn.

Bà Huỳnh Thanh Trúc - Trưởng Phòng Nguyên liệu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho rằng, trong quá trình xây dựng vùng nguyên liệu dừa organic tại xã Châu Bình và Hưng Lễ (Giồng Trôm), Betrimex đầu tư phân, thuốc sinh học và hỗ trợ hoàn toàn chi phí phun xịt cho bà con trong 1 năm. Nhưng khi thương lái khác trả giá cao hơn, có người dân lựa dừa lớn bán ra bên ngoài. “Năm 2017, công ty đổi chiến lược là tập trung hết chi phí đầu tư vào nâng giá thu mua. Công ty chỉ giới thiệu đơn vị sản xuất phân bón đến với người trồng dừa, lựa chọn nhiều nguồn phân đạt chuẩn giới thiệu cho bà con tự mua sử dụng”, bà Trúc nói.

Ông Nguyễn Văn Trọn - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăm sóc, cải tạo vườn dừa xã Hưng Lễ thừa nhận: “Có tình trạng này trong tổ liên kết. Tới đây, chúng tôi sẽ tuyên truyền, nhắc nhở bà con trong tổ phải tuân thủ nguyên tắc theo hợp đồng. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn DN tiếp tục hỗ trợ tổ xây dựng vườn dừa mẫu để nông dân trong và ngoài tổ học tập, nhân rộng”.

Ông Nguyễn Bảo Trí - Phó giám đốc sản xuất Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới khẳng định: “Mô hình liên kết là giải pháp hướng tới nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững ngành dừa tỉnh. Trục trặc trong liên kết là vào thời điểm dừa trái rớt giá, công ty thực hiện bao giá thấp nhất 50 ngàn đồng/chục (12 trái). Nhưng khi giá cao, bà con bán ra bên ngoài. Nông dân hiện chưa dám ký hợp đồng từ 3 - 6 tháng với công ty, bởi tâm lý nếu giá mua bên ngoài cao hơn thì nông dân thiệt thòi”. Cũng theo ông Nguyễn Bảo Trí, Trung Quốc là thị trường không tạo sự bền vững, nông dân cần liên kết, hợp đồng với DN trong tỉnh để hướng đến bền vững.

Chia sẻ hài hòa về lợi ích

Theo ông Nguyễn Bảo Trí, để thuận lợi trong gắn kết với DN, nông dân cần liên kết thông qua tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX). Địa phương hỗ trợ các THT, HTX về khả năng tổ chức thu mua, tập kết nguyên liệu và có thể đảm trách khâu sơ chế tại các điểm sơ chế do công ty xây dựng. Hướng tới, công ty thực hiện khâu sơ chế nguyên liệu tại các địa phương, với công suất sơ chế 600 ngàn trái dừa/ngày, chứ không đưa hết dừa nguyên liệu về nhà máy. Hiện nay, sơ chế tại các huyện chỉ đạt 100 ngàn trái/ngày. Số còn lại chủ yếu được mua qua thương lái. Năm 2017, công ty thành lập thêm điểm sơ chế tại huyện Bình Đại và một số nơi cần thiết. Công ty giới thiệu các đơn vị thu mua hết phụ phẩm sau sơ chế cho nông dân. “Hoạt động liên kết luôn đòi hỏi uy tín, chất lượng sản phẩm. Trong sơ chế cũng vậy, nông dân cũng phải có cách quản lý sản phẩm sơ chế đạt yêu cầu chất lượng”, ông Trí nhấn mạnh.

Giồng Trôm là một trong 2 địa phương có diện tích đất trồng dừa lớn của tỉnh. Đại diện lãnh đạo huyện cho biết có một số ít hộ chưa giữ uy tín mà phá vỡ cả mối liên kết với các THT, HTX ở địa phương. Do đó, DN xác định quy mô, diện tích cần liên kết cho từng xã; muốn nông dân đủ tin cậy để gắn kết, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực và có nhiều hoạt động sâu sát hơn.

Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững ngành dừa tỉnh Bến Tre” vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, DN và người trồng dừa phải chia sẻ hài hòa về lợi ích. Người sản xuất thực hiện ký kết hợp đồng và tuân thủ nguyên tắc hợp đồng. Cùng với chính sách của Nhà nước, DN xây dựng cơ chế riêng để gắn bó chặt chẽ với người trồng dừa. Đây là “chìa khóa” để giải bài toán về liên kết cho nông dân và cho cả ngành dừa nói chung. Khắc phục được tình trạng khi giá dừa thấp thì người nông dân bị bỏ rơi do không ai mua, giá cao thì DN phải nhập khẩu. Từ đó, đảm bảo nguyên liệu ổn định, tạo tiền đề cho ngành dừa phát triển bền vững.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để có niềm tin giữa “2 nhà” là cả quá trình tạo lập, duy trì và phát triển, trong đó, lợi ích được quan tâm nhiều nhất. Chính quyền địa phương, các hiệp hội phải vào cuộc và quan tâm sâu sát để giúp nông dân hạn chế rủi ro, DN và nông dân hài hòa lợi ích trong mối liên kết.

Cẩm Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang