• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chông chênh thanh long tự phát

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 23/05/2017
Ngày cập nhật: 25/5/2017

Từ đầu năm đến nay, giá trái thanh long luôn ở mức cao nên nông dân tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi, tìm cách mở rộng diện tích trồng loại cây ăn trái này.

Thấy được giá, nhiều hộ dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục mở rộng diện tích cây thanh long

Tuy nhiên, việc phát triển thanh long không theo quy hoạch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Được giá là trồng

Dạo qua một số huyện trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận như Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, hàng loạt vườn thanh long nằm ven các tuyến kênh, đất ruộng và cả những khu đất đồi, được người dân trồng trụ, giâm cành. Theo ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, từ đầu năm 2017 đến nay, nhờ thị trường các nước (nhất là Trung Quốc) tiêu thụ khá mạnh nên giá thanh long luôn ở mức cao từ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Với giá này, người nông dân một vụ có thể thu lời từ 90 - 100 triệu đồng/ha. Thanh long liên tục giữ giá cao nên người dân ở Bình Thuận đang tìm cách mở rộng diện tích trồng mới mà không lường trước hệ lụy từ việc làm này.

Vừa xuất được lứa thanh long với giá cao, thu lời gần 100 triệu đồng/ha, ông Lê Khôi (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) phấn khởi cho biết: “Vài tháng gần đây, giá thanh long liên tục ổn định nên bà con rất vui. Tranh thủ thời điểm này, tôi cải tạo thêm 5 sào đất lúa để trồng thanh long”. Cùng suy nghĩ như ông Khôi, nhiều hộ dân ở huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… có thời điểm phải đổ thanh long ra đường vì không bán được, nay lại cơi nới thêm đất để trồng mới loại cây ăn trái này. “Thấy thanh long được giá là chúng tôi trồng thêm. Trồng thanh long cũng giống như một canh bạc, được ăn cả, ngã về không”, ông Nguyễn Văn Trọng (ngụ huyện Hàm Thuận Nam) chia sẻ. Biết là sản xuất loại cây ăn trái này rất chông chênh, nhưng tại sao nông dân vẫn mở rộng thêm diện tích? Giải thích một cách đơn giản, bà Đào Thị Duyên (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Dù sao trồng thanh long vẫn hơn trồng lúa, trồng bắp. Mà giờ nó lại đang có giá, nếu trúng một vụ thì bằng cả chục năm làm lúa!”.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch lần 2

Theo quy hoạch phát triển thanh long của UBND tỉnh Bình Thuận đến năm 2015 là 15.000ha. Tuy nhiên, đến tháng 12-2015, thực tế diện tích thanh long đã vượt quy hoạch hơn 10.000ha (khoảng 26.000ha). Chính nguồn lãi khá cao từ cây thanh long đã làm nông dân mở rộng ồ ạt diện tích. Để rồi sau đó, khi cung vượt cầu, nông dân Bình Thuận đã nhiều lần ngậm ngùi đổ bỏ hàng chục tấn thanh long vì không bán được cho ai. Trước tình hình này, cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã thông qua quy hoạch phát triển cây thanh long đến năm 2020 là 28.000ha; định hướng đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000ha. Thế nhưng, xem ra lần quy hoạch này cũng đang có nguy cơ đổ vỡ khi diện tích loại cây ăn trái này đang ngày càng tăng lên một cách chóng mặt. Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết chỉ tính trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, địa phương đã phát triển thêm trên 1.000ha cây thanh long, nâng tổng diện tích cây thanh long toàn tỉnh lên hơn 27.100ha. Một số chuyên gia cho rằng, với sự phát triển diện tích nhanh chóng như hiện tại, nếu tỉnh Bình Thuận không có biện pháp để kìm hãm thì quy hoạch phát triển cây thanh long lần hai của tỉnh có nguy cơ đổ vỡ.

Ngoài ra, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay cơ sở hạ tầng của các vùng tập trung sản xuất thanh long trong tỉnh còn thiếu và yếu; tình hình sâu bệnh trên cây thanh long ngày càng gia tăng; người dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong tỉnh còn chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc xúc tiến thương mại để mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu mà chủ yếu lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên thiếu bền vững. “Hiện nay, khoảng 80% sản lượng thanh long của địa phương được xuất sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch. Điều này khiến ta lệ thuộc vào họ, chỉ cần phía họ có động thái như ngừng thu mua, hay áp dụng tiêu chuẩn nào đó là chúng ta bị thụ động ngay”, ông Thủ nhấn mạnh.

Nguyễn Tiến

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang