• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiềm năng kinh tế và phát triển du lịch từ cây dừa

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 18/05/2017
Ngày cập nhật: 19/5/2017

Trong những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dừa. Từ đây, cây dừa không những có hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây trồng khác mà còn phù hợp cho việc phát triển du lịch miệt vườn ở một số địa phương.

Dẫn khách ra thăm vườn dừa dứa hơn 5 năm tuổi, nông dân Huỳnh Văn Bửu, ngụ xã An Thạnh Đông (Cù Lao Dung) khoe: “Thương lái vừa đến thu hoạch xong dừa trái lớn, số trái nhỏ còn lại vài tháng sau là tôi bắt đầu bán lai rai được rồi”. Dù số lượng dừa dứa của ông Bửu được trồng xen với dừa xiêm lùn và dừa ta, nhưng hàng năm, 200 gốc dừa dứa của ông Bửu cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Theo ông Bửu, mỗi cây dừa dứa có 3 buồng, mỗi buồng khoảng 20 trái. Vào mùa nắng nóng, 1 chục dừa (12 trái) ông bán với giá 100.000 đồng, vào mùa mưa tuy rẻ hơn, nhưng ông cũng bán được với giá từ 80.000 đồng đến 90.000 đồng/chục.

Dừa được phát triển gắn với du lịch sinh thái tại huyện Cù Lao Dung.

Dừa dứa là giống dừa có nhiều ưu điểm nổi bật so với các giống dừa uống nước khác đã được trồng ở các địa phương trong tỉnh. Tuy chưa trồng nhiều, nhưng thời gian qua, cây dừa dứa đã chứng tỏ được tính thích nghi với vùng đất cù lao và có giá trị về hiệu quả kinh tế vượt trội. Chính vì thế, cây dừa dứa đang ngày càng hấp dẫn nông dân.

Ông Bửu kể: “Sau nhiều năm trồng đủ loại cây, như: vú sữa, bưởi… nhưng hiệu quả kinh tế không ổn định nên điệp khúc “trồng rồi chặt” cứ tiếp diễn. Đến khi tôi có dịp qua tỉnh Bến Tre mua giống dừa dứa về trồng, nhận thấy hiệu quả ổn định và duy trì đến nay đã được khoảng 6 năm”.

So với cây mía và một số cây trồng khác, dừa dứa được ông Bửu và bà con vùng này nhận định đem lại thu nhập cao hơn. Loại dừa này dễ trồng, có thể chịu mặn được từ 3‰ đến 4‰, lại ít sâu bệnh, trái ít bị lép. “Nhiều bà con cũng đến mua giống dừa dứa của tôi về trồng, thậm chí ở tận tỉnh Hậu Giang cũng đến mua giống. Sắp tới, tôi sẽ trồng xen thêm dừa dứa vào vườn dừa hiện tại để tăng thêm thu nhập” - ông Bửu hào hứng cho biết.

Ngày nay, trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc chú trọng về năng suất, sản lượng, nông dân ngày càng quan tâm hơn đến tính bền vững và sản phẩm được sản xuất ra phải có chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo đồng chí Võ Quốc Hận - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông, hiện toàn xã có khoảng 4ha trồng dừa dứa. Vừa qua, xã được quy hoạch phát triển du lịch miệt vườn, nên những năm tới sẽ phát triển diện tích trồng dừa để phục vụ khách du lịch. Theo đó, toàn xã dự kiến chuyển đổi 70ha mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó phát triển khoảng 20ha dừa, chủ yếu là dừa dứa, do loại dừa này có giá trị kinh tế cao, nhà nông đỡ tốn công chăm sóc và vận chuyển khi thu hoạch.

Trong những năm gần đây, giá một số cây trồng bấp bênh, nhiều nhà nông trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đã chuyển đổi sang trồng dừa và cho hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng khác. Sau hơn 3 năm chuyển 5 công đất từ mía kém hiệu quả sang trồng dừa, ông Hà Văn Nghĩa, ngụ tại xã An Thạnh 1 đã có thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nghĩa phấn khởi cho biết: “Thương lái tới đây mua dừa nhiều nên không lo thất thu. So với cây mía thì cây dừa cho hiệu quả kinh tế ổn định hơn, lợi nhuận từ vườn dừa của gia đình tôi đạt khoảng 60 triệu đồng/năm”. Từ mức thu nhập trên, một số hộ là hàng xóm của ông Nghĩa cũng chuyển đổi từ trồng cây mía, nhãn, chanh kém hiệu quả sang trồng dừa để phù hợp với hạn, mặn và có thu nhập ổn định hơn.

Để thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, nông dân trong tỉnh đã tìm ra những giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Chỉ riêng cây dừa, ngoài giống dừa cao dùng để lấy dầu còn có nhiều loại dừa uống nước được nông dân sưu tầm đem về trồng.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1 triệu cây dừa, tập trung ở các huyện: Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú và TX. Ngã Năm với các loại dừa, như: dừa ẻo, dừa xiêm lùn, dừa dứa và dừa ta. Trong đó, huyện Cù Lao Dung có trên 800ha trồng dừa với khoảng 260.000 cây và loại cây trồng này không những thích hợp cho vùng mặn mà còn có hiệu quả khi trồng xen với một số loại cây trồng và vật nuôi khác. Trong phát triển kinh tế, UBND huyện Cù Lao Dung cũng định hướng phát triển cây dừa gắn với du lịch ở địa phương.

Dừa dứa đã chứng tỏ được tính thích nghi với vùng đất Cù Lao Dung nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung. Vì thế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân. Trong đó, cây dừa tại huyện Cù Lao Dung vừa đem lại hiệu quả kinh tế lại phù hợp với việc phát triển du lịch miệt vườn, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế vùng nông thôn. Dừa dứa đang ngày càng hấp dẫn nông dân.

Hải Hà

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang