• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nông dân làm giàu từ cây đào, cây mận

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 14/05/2017
Ngày cập nhật: 16/5/2017

Cây đào, cây mận đã giúp gia đình anh Gia Văn Khua thoát nghèo.

Trong những ngày này, Mường Lát (Thanh Hóa) đang vào mùa thu hoạch đào, mận. Từ 4 giờ sáng, đại ngàn đã vang tiếng gọi của chị em đi hái đào, mận trên những ngọn đồi cao. Những chuyến xe hối hả chở đầy đào, mận lên trung tâm phố huyện tiêu thụ. Bất kỳ ai lên với vùng cao cũng đều dừng chân mua một ít về làm quà như một thứ đặc sản để nhớ về Mường Lát.

Ngọt thơm đào, mận vùng cao

Theo chân những người đi hái đào khi mặt trời còn ngủ yên sau những dãy núi. Dựng chiếc xe máy dưới chân đồi, sau gần nửa tiếng đồng hồ leo bộ lên những con dốc cao, đi qua mấy ngọn đồi, tôi cũng đến được vườn đào của gia đình anh Gia Văn Khua (bản Lốc Há, xã Nhi Sơn). Thấy tôi là người lạ đi cùng với mấy chị khách buôn quen của gia đình mình, anh Khua hỏi tôi: “Lần đầu chị lên hái mận về bán phải không, lưu ý là phải chọn những quả đào vừa chín tới mới thơm và có vị ngọt mà chua dịu. Nếu hái xanh quá sẽ bị non, có vị chát. Chị yên tâm sẽ có thanh niên kia chở đào và mận xuống chân dốc cho chị”. Theo phía tay chỉ của anh Khua, tôi thấy hai thanh niên rắn rỏi ngồi bên chiếc xe máy đợi chở mận xuống cho mọi người. Cứ 15 phút tôi lại thấy anh thanh niên chở 2 bao tải đào xuống chân dốc. Anh Khua bảo: Nhiều người đến mua đào quá, mình lo không hết việc nên phải thuê thêm người làm thời vụ. Khi biết tôi muốn tìm hiểu và viết về mô hình trồng cây đào, cây mận của gia đình mình, anh Khua cười khiêm tốn nói: “Mình cũng chỉ học hỏi người ta, hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn thôi”.

Anh Khua cho biết thêm: Đất đồi núi và khí hậu ở Mường Lát đặc biệt thích hợp cho việc trồng mận, đào. Việc chăm sóc hai loại cây này lại rất dễ, không tốn nhiều công chăm sóc, không cần các loại thuốc bảo vệ thực vật nguy hại nên an toàn cho người sử dụng. Từ nhiều năm nay, vườn đào, mận hơn 2 ha của gia đình chỉ cần anh và vợ chăm sóc, trông coi.

Chị Lò Thị Nhiệm là khách buôn đào quen của gia đình anh Khua. Khi mỗi mùa đào, mận đến kỳ thu hoạch, chị Nhiệm lại cùng mấy chị em hái đào mang lên phố huyện bán. Chị Nhiệm chia sẻ: “Cứ mỗi khi đến mùa đào, mận thì mình bỏ cả việc buôn bán ở chợ để đi hái đào về bán vì thu nhập cũng khá hơn. Mình phải đi đến vườn đào từ lúc 4 giờ sáng, phải chọn những quả to, đẹp vừa chín tới rồi chở lên phố huyện bán cho khách. Mỗi buổi mình chỉ hái được 40 kg đến 50 kg thôi. Đào và mận đang là chính vụ nên quả to, đẹp và thơm ngon lắm nên khách mua nhiều, có hôm mình không đủ hàng để bán cho khách”.

Đất không phụ công người

Nhiều năm trước, gia đình anh Khua cũng nghèo như bao gia đình người Mông khác ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn. Nhà nghèo, thuở nhỏ anh Khua chẳng được đi học. Vì không biết chữ, không biết tính toán nên không biết làm kinh tế. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa trên những ngọn đồi cao nên cái đói cứ bám lấy gia đình anh dai dẳng, triền miên. Cách đây gần 10 năm, theo lời giới thiệu của một người quen, anh Gia Văn Khua đã lặn lội từ Mường Lát sang tỉnh Sơn La tìm mua giống đào và mận về trồng. Sau khi học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc đào và mận anh về bàn với vợ phát triển mô hình cây đào, cây mận trên đất đồi rừng. Chỉ với 10 cây giống ban đầu, sau 3 năm cây đào đã cho thu hoạch. Nhận thấy cây đào và cây mận mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Khua tiếp tục nhân giống, chiết cành và trồng trên diện tích đất canh tác của gia đình mình. Đến nay, trên diện tích hơn 2 ha đất đồi, gia đình anh đã trồng được hơn 2.000 gốc đào và hơn 200 gốc mận.

Đất không phụ công người, với ý chí dám nghĩ dám làm, trong những năm qua, cây đào, cây mận đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể. Anh Khua cho biết: “Năm nay thời tiết nắng nhiều ít mưa nên cây đào, cây mận cho sản lượng ít hơn năm ngoái nhưng bù lại giá bán tăng nên gia đình mình cũng thu nhập được hơn 200 triệu đồng”. Năm nay, với hơn 2.000 gốc đào dự kiến cho tổng sản lượng thu hoạch hơn 12 tấn, 200 gốc mận cho sản lượng hơn 2 tấn. Mỗi ngày, vườn đào của gia đình anh Khua có hơn chục lái buôn đến thu mua với giá buôn tại vườn dao động từ 25 đến 30.000 đồng/1 kg đào và 10.000 đồng/1 kg mận. Bên cạnh đó, mỗi năm anh Khua còn thu nhập được 60 triệu đồng từ tiền bán mật ong rừng nhờ cách làm rất sáng tạo của mình. Anh Khua bảo: “Mình chỉ làm những cái thùng gỗ, sau đó để quanh vườn, khi đào và mận ra hoa ong sẽ tự kéo đến hút mật, làm tổ.

Đứng giữa vườn đào và mận rộng hơn 2 ha và nghe Gia Văn Khua kể về cách làm giàu của mình, tôi thầm cảm phục ý chí, đức tính cần cù của anh.

Từ mô hình trồng đào, mận của gia đình mình, anh Khua còn nhân giống để bán cho các hộ khác có nhu cầu trồng. Anh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người để cùng nhau phát triển kinh tế. Vì thế, ở Nhi Sơn đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng đào, mận. Có thể thấy, mô hình trồng đào, mận góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, cần nhân rộng mô hình để nhiều hộ nông dân có cơ hội thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Linh Nga (Đài TT – TH Mường Lát)

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang