• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mỹ Tú (Sóc Trăng): Chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái mùa nắng nóng

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 09/05/2017
Ngày cập nhật: 13/5/2017

Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho một số sâu bệnh phát triển trên cây ăn trái; do đó, ngành chức năng cùng các nhà vườn đang tích cực bảo vệ chăm sóc vườn cây và quản lý các đối tượng dịch hại, nhằm đảm bảo chất lượng và năng suất cho vườn cây ăn trái.

Với diện tích gần 3.000 ha trồng cây ăn trái, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được xem là một trong những vùng trồng cây ăn trái trọng điểm của tỉnh, tập trung chủ yếu ở 2 xã Long Hưng và Hưng Phú. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển cây trồng, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ra hoa đậu trái của cây, làm cho cây bị chết khô. Ông Nguyễn Văn Đầy - Trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú cho biết: “Đối với vườn cây có múi như cam, quýt thì nắng nóng làm cho cây dễ bị hư rễ, lá cũng dễ bị héo, thời gian này nếu cho ra trái, nắng nóng thì sẽ bị rụng trái non, vàng lá, thối rễ”.

Từ thực tế đó, nhiều nhà vườn cũng đã và đang tích cực cải tạo các kênh, mương dẫn nước tưới vào các vườn trồng cây ăn trái. Như hộ ông Võ Thanh Sơn ngụ ở ấp Phương An, xã Hưng Phú có kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu năm nên ông đã chủ động nhiều cách làm để tăng cường khả năng dẫn nước và giữ ẩm cho cây, nhờ đó mà 5 công vườn cam của ông được đảm bảo nguồn nước tưới và cây sinh trưởng khá tốt. Ông Sơn cho biết: “Khi chuẩn bị vào mùa khô thì tôi đã chủ động cải tạo, đào sâu các mương dẫn nước tưới để bảo vệ cây không bị thiếu nước khi trời nắng nóng, cho nên trước mắt thì vườn cam của tôi vẫn phát triển bình thường không bị ảnh hưởng của thời tiết”.

Ông Sơn chia sẻ thêm: “Trước đây, cách 3 - 4 ngày thì tôi mới tưới nước cho cây một lần nhưng với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì không để đất khô được, để khô là bị hư rễ nhanh lắm nên cứ cách một ngày, tôi tưới nước cho vườn cây một lần”.

Ông Võ Thanh Sơn chủ động được nguồn nước tưới cho vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng.

Còn ông Hồng Văn Cầu - Giám đốc Hợp tác xã cam xoàn Phương An, xã Hưng Phú cho biết: “Vùng này thuộc vùng đất trũng, giáp với địa bàn TX. Ngã Năm nên dễ bị ảnh hưởng của nước mặn; do đó, bà con ở đây đều chủ động bảo vệ vườn cây của mình, thường xuyên vệ sinh mương, rãnh và lấy cỏ đậy gốc, trữ nước ngọt lại để tưới tiêu đề phòng khi nước mặn về”.

Với tình hình thời tiết nắng nóng, ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú đã chủ động đầu tư nạo vét các tuyến kênh nội đồng, gia cố các đập thời vụ nhằm giúp nhà vườn bảo vệ tốt cho vườn cây ăn trái. Tính đến thời điểm này, mọi biện pháp ngăn mặn, trữ ngọt đang được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tránh tình trạng thiếu nước tưới cục bộ. Ông Nguyễn Hoàng Cơ - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: “Trong mùa khô năm nay, nắng nóng gay gắt, mực nước cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác giao thông thủy lợi được huyện thực hiện khá hiệu quả, tính đến thời điểm này đã nạo vét được 331.400 m3, đạt 125% chỉ tiêu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp phối hợp Trạm thủy nông liên hệ với các huyện lân cận, cụ thể là thị xã Ngã Năm để hạn chế mặn xâm nhập vào khu vực Mỹ Tú; đồng thời, phối hợp với huyện Châu Thành và những sông cặp Quốc lộ - những nơi có điều kiện nước ngọt thì lấy nước vào để nâng cao mực nước trong kênh rạch, đảm bảo đủ điều kiện để bà con tưới tiêu phục vụ sản xuất”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 8.350 ha diện tích trồng cây có múi và hơn 3.900 ha diện tích trồng nhãn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để hạn chế đến mức thấp nhất sâu bệnh gây hại trên vườn cây ăn trái, sau khi thu hoạch người dân nên tăng cường các biện pháp chăm bón cho cây trồng, giúp cây lấy lại sức. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, nhà vườn cần sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màn phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Khi tưới nước, người dân nên tưới vào buổi xế chiều và có thể phun nước trực tiếp lên tán cây nhằm hạn chế mật số sâu hại. Qua đó, lưu ý bà con nông dân nên thường xuyên thăm vườn để nắm rõ diễn biến sinh trưởng của loài sâu hại nhằm có những biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện có sự xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại thì nên phun ngay các loại thuốc phòng trừ.

Tuyết Xuân

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang