• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chanh không hạt “bí” đầu ra

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 11/01/2017
Ngày cập nhật: 13/1/2017

Thời điểm này, giá chanh không hạt đang giảm sâu. Nhiều nhà vườn trong tỉnh Hậu Giang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bởi bán thì lỗ, để cũng chẳng xong.

Nhà vườn điêu đứng bởi giá chanh giảm sâu, năng suất cũng kém hơn các năm trước.

Chưa bao giờ nhà vườn ở huyện Châu Thành phải khốn đốn tìm lối ra cho chanh không hạt như bây giờ. Khoảng 1 tháng nay, ông Phan Văn Rông, ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, bán chanh ở mức giá 3.000-4.500 đồng/kg, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước. Với gần 8 công chanh, ông Rông luôn chăm sóc tỉ mỉ mấy năm nay để mong kiếm lời khi thu hoạch đợt tết. Trái với mong đợi, gặp thời điểm giá giảm kỷ lục này, ông phải đối mặt với nỗi lo thua lỗ.

“Cận tết năm rồi, tôi bán trên 10.000 đồng/kg chanh. Tưởng giá rẻ cỡ đó là cùng, nhưng mới tháng trước thương lái vào vườn mua chỉ 3.000 đồng/kg. Trồng loại cây này từ năm 2009, nhưng chưa năm nào tôi thấy giá chanh rẻ bèo đến vậy. Năm nay chắc lỗ, bởi chanh không chỉ rớt giá mà còn mất mùa do thời tiết khô hanh làm năng suất giảm khoảng 20%”, ông Rông buồn bã cho hay.

Với mức giá hiện nay, nhiều nhà vườn phải canh cánh nỗi lo thua lỗ. Bởi bên cạnh chi phí đầu tư phân thuốc, còn phải tính thêm tiền thuê mướn nhân công chăm sóc và thu hoạch mỗi đợt. Nhà vườn Trần Công Tân, ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, nhẩm tính: “Với giá chanh khoảng 4.000 đồng/kg, trung bình tôi phải thuê 4 người bẻ trái với giá 200.000 đồng/người/ngày. Như vậy mỗi tấn chanh tôi phải bỏ chi phí 800.000 đồng tiền thu hoạch, cộng với tiền đầu tư cây giống, phân thuốc, thuê nhân công chăm sóc thì lỗ nặng. Hy vọng qua Tết Nguyên đán, giá chanh tăng khoảng trên 10.000 đồng/kg mới có lời, chứ dưới mức này thì nông dân chỉ phá huề hoặc lỗ”.

Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, chanh không hạt là một trong 3 loại cây chủ lực được khuyến cáo trồng nhưng phải sản xuất tập trung theo vùng quy hoạch. Hai địa phương được khuyến khích phát triển loại cây này là xã Đông Thạnh và xã Phú An. Tuy nhiên, ở một số xã lân cận, cây chanh cũng tự phát và tăng dần diện tích.

Xã Đông Phước A, mặc dù không nằm trong quy hoạch phát triển cây chanh không hạt, nhưng do nhận thấy yếu tố lợi nhuận ban đầu, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư. Nếu năm 2014, diện tích chanh không hạt trên địa bàn xã chỉ khoảng 150ha thì đến đầu năm 2017, con số này đã tăng lên trên 200ha. “Lúc hút hàng, thương lái ráo riết tìm mua, nhưng đến khi giá rẻ thì chẳng thấy bóng dáng ai hết. Diện tích tự phát cứ tăng dần cũng là một trong những nguyên nhân tác động tới vấn đề giá cả”, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, cho biết.

Giống như nhà vườn, thời điểm giá chanh tuột dốc, việc mua bán ở các cơ sở thu mua cũng chẳng thuận buồm xuôi gió. Cơ sở Tham Lam, nơi gom mua chanh không hạt cố định duy nhất của xã Đông Phước A cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian gần đây. “Bây giờ, lượng chanh trên thị trường nhiều quá, cung vượt cầu thì giá giảm là chuyện dễ hiểu. Ở đây, tôi thu gom chanh để giao cho các thương lái, các đầu mối nông sản lớn ở thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… Lúc hút hàng, tôi nhận được hợp đồng thu gom rồi giao hàng thuận lợi, dẫu chanh xấu tốt gì họ cũng lấy. Nhưng khi giá rẻ, lượng chanh trên thị trường nhiều, các vựa lớn bắt đầu kén hàng, những đợt chanh không đạt là bị trả về. Tháng trước, tôi mới bị một đợt hàng như thế, mang về đổ bỏ luôn. Loại trái này tới đợt phải thu hoạch, chỉ để khoảng 10 ngày trở lại thì được, chứ để lâu quá dễ bị giập, khó bán lắm”, ông Hồ Văn Hồng, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A, bộc bạch.

Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, thông tin: Ban đầu khi mới phát triển loại cây này, diện tích trồng toàn huyện chỉ khoảng 400ha, nhưng tính đến cuối năm 2016 đã tăng lên khoảng 900ha. Rất nhiều nguyên nhân tác động đến yếu tố giá cả thị trường, trong đó có việc sản xuất manh mún, thiếu tập trung. Nhiều tỉnh khác cũng trồng loại cây này dẫn đến cung vượt cầu, đầu ra chưa ổn định, chủ yếu nông dân tự tìm đầu ra; chất lượng trái chưa đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu.

KỲ ANH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang