• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Áp dụng phun tưới nén để tạo ra sản phẩm sạch

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 20/04/2017
Ngày cập nhật: 22/4/2017

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trái cây theo hướng sạch, an toàn, từng bước hướng đến nền nông nghiệp xanh, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, các thành viên Tổ hợp tác (THT) sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp và nhiều nhà vườn trồng cây có múi của huyện áp dụng hệ thống tưới nén bước đầu đạt hiệu quả.

Anh Huỳnh Thanh Dũng áp dụng phun tưới nén cho vườn quýt

Hiệu quả của phun tưới nén

Là nhà vườn tiên phong trong việc áp dụng quy trình sản xuất sạch cho cây quýt đường, ông Tống Văn Phong - Tổ trưởng THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới không ngừng tìm tòi, học hỏi các giải pháp để giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật cho vườn quýt của mình. Theo ông, trước đây tầm 10 ngày hay nửa tháng là ông phun thuốc trừ sâu bệnh cho 4 công quýt đường một lần, tốn chi phí vài chục triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, khi áp dụng tưới nén đã giúp gia đình giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật do các loại sâu bệnh bám trên thân, lá đã bị áp lực nước phun xịt cuốn trôi.

Qua tìm hiểu, tưới nén cũng dùng hệ thống tưới thông thường nhưng chỉ khác nhau ở vòi phun dạng hoa sen có thể điều chỉnh được lượng nước phù hợp khi tưới gốc hoặc phun lên lá với khoảng cách xa, gần, áp lực nước mạnh, nhẹ khác nhau. Việc áp dụng phun nén cũng không tốn kém nhiều chi phí, vòi phun được bán ngoài thị trường với giá từ 200 ngàn - 300 ngàn đồng và có thể sử dụng được đôi ba năm.

Áp dụng tưới nén cho 5 công cam của gia đình, anh Huỳnh Thanh Dũng ở xã Vĩnh Thới cho biết: tưới nén không chỉ để đẩy đuổi các loại côn trùng gây hại, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật mà còn tiết kiệm được lượng phân bón. Còn đối với nhà vườn Đỗ Hữu Nghĩa, xã Vĩnh Thới thì tưới nén sẽ làm cho nhiệt độ trong vườn mát mẻ, nhưng hiệu quả lớn nhất là xua đuổi được côn trùng, hạn chế lượng thuốc trừ sâu sử dụng trong vườn, độ độc hại giảm xuống rất nhiều, thuốc trừ sâu giảm từ 70 - 80% và thời gian cách lý ngắn.

THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới hiện cũng đã sản xuất theo quy trình GlobalGAP và được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Công Thương công nhận. Với diện tích hơn 10ha, hằng năm THT cung cấp cho thị trường từ 500- 600 tấn quýt đường an toàn và hiện sản phẩm cũng đã có mặt trong chuỗi siêu thị Vinmart của Tập đoàn Vingroup.

Nhiều mô hình sản xuất trái cây sạch được áp dụng hiệu quả

Bên cạnh áp dụng tưới nén cho vườn cam, quýt, nhà vườn ở huyện Lai Vung đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất an toàn cho vườn cây ăn trái của mình như: sản xuất quýt hồng sử dụng phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học thay cho thuốc, phân bón hóa học; sản xuất cam xoàn sử dụng phân vi sinh, đánh bã dẫn dụ côn trùng; canh tác mận bao lưới toàn vườn; trồng mãng cầu xiêm, xoài, ổi bao trái hay sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng GAP.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp huyện Lai Vung, nếu đến cuối năm 2015, trong tổng số hơn 5 ngàn ha vườn cây ăn trái toàn huyện Lai Vung, chỉ có 2 THT với 15ha vườn quýt hồng, quýt đường nhà vườn áp dụng sản xuất quy trình VietGAP và LobalGAP thì đến nay, diện tích cây ăn trái sản xuất theo hướng an toàn của huyện Lai Vung đã tăng lên gấp nhiều lần, trên 100ha gồm các loại quýt hồng, quýt đường, cam xoàn, thanh long ruột đỏ, mãng cầu xiêm và mận... Trong đó, hầu hết các sản phẩm sản xuất theo quy trình an toàn đều đang được nhiều công ty bao tiêu đầu ra ổn định với giá cả hợp lý.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, người luôn gắn bó hướng dẫn, tập huấn quy trình sản xuất theo hướng GAP cho nhà vườn huyện Lai Vung thì hiện nay, trong quá trình sản xuất nhà vườn ở huyện đã biết ghi chép sổ tay chính xác và đầy đủ về những vấn đề liên quan như: liều lượng, chủng loại sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; thời gian tưới; phun xịt; thu hoạch; xuất hàng; đơn vị thu mua... Đây sẽ là cơ sở rút kinh nghiệm cho quá trình sản xuất tiếp theo và phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc; nhà vườn có nhiều cố gắng trong việc thu gom vỏ, chai, bao bì phân, thuốc, trữ đúng nơi; xây dựng kho chứa vật tư sản xuất và sắp xếp vật tư đúng vị trí; có trang bị bảo hộ lao động đầy đủ; trang bị tủ thuốc y tế...

Có thể thấy rằng nhà vườn huyện Lai Vung đang ngày càng ý thức hơn trong việc sản xuất sạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Cái lợi của sản xuất sạch là đảm bảo sức khỏe cho bản thân người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng, bên cạnh đó sản phẩm tạo ra bán được giá cao, đầu ra ổn định vì được nhiều công ty bao tiêu. Đây là tín hiệu vui, trái cây của nhà vườn Lai Vung đang ngày càng khẳng định mình trên thị trường và tạo được lòng tin của người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm an toàn.

Phúc Hiền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang