• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông Huỳnh Văn Châu: Làm giàu nhờ cây bưởi da xanh

Nguồn tin: Báo Tiền Giang, 19/04/2017
Ngày cập nhật: 21/4/2017

Xuất ngũ trở về cuộc sống đời thường, những anh "Bộ đội Cụ Hồ" lại chiến đấu trên mặt trận mới, chọn cho mình những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Điển hình như cựu chiến binh (CCB) Huỳnh Văn Châu, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã gắn bó và ăn nên làm ra nhờ cây bưởi da xanh, ruột hồng.

Ông Châu (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi cho người dân địa phương.

Ông Châu kể, năm 1972, ông tham gia du kích xã Long An, khi hòa bình lập lại, trải qua nhiều đơn vị và nhiều nơi công tác khác nhau, dù ở bất cứ nơi đâu ông cũng hoàn thành nhiệm vụ của một anh "Bộ đội Cụ Hồ". Vừa làm công tác ở địa phương, ông vừa cải tạo đất trồng thêm các loại cây trồng như nhãn xuồng, sầu riêng... nhưng thấy hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, ông chuyển dần sang trồng bưởi da xanh, ruột hồng. Nhờ thổ nhưỡng thích hợp, cùng với những kinh nghiệm học hỏi được từ những hộ trồng bưởi đi trước, nên việc chăm sóc cây bưởi của ông có nhiều thuận lợi.

Từ 2.000 m2 đất trồng bưởi ban đầu, thấy giá trị hiệu quả kinh tế cao, ông Châu tiếp tục chuyển 5.000m2 đất còn lại để trồng bưởi da xanh. Hiện tại, với 7.000m2 đất trồng bưởi da xanh của gia đình, đã có hơn 2/3 diện tích đang cho trái ổn định, số còn lại sẽ cho trái vào vụ sau.

Theo ông Châu, nếu được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, thì sau khoảng 2 năm cây bưởi bắt đầu cho trái. Hiện tại, bưởi da xanh đang duy trì ở mức giá hơn 50.000 đồng/kg. Vụ Tết vừa qua, ông thu hoạch hơn 2 tấn bưởi, với giá 60.000 đồng/kg, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Gắn bó và ăn nên làm ra với cây bưởi da xanh, ông Châu đã tích lũy được cho mình nhiều kinh nghiệm trong các khâu trồng và chăm sóc. Ông cho biết: "Đối với trồng bưởi, muốn cây cho hiệu quả kinh tế cao, quan trọng nhất là ở khâu chọn giống, thứ hai là phải xử lý đất đúng kỹ thuật, mô đất phải cao khoảng 6 tấc, khi trồng bón lót phân hữu cơ và tùy theo giai đoạn của cây sẽ bón từng loại phân phù hợp, không nên duy trì một loại phân, cây sẽ không hấp thu được, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây".

Ngoài ra, ông Châu chia sẻ thêm kỹ thuật chăm sóc trái: "Bưởi thường ra hoa và cho trái rải rác quanh năm, nhưng cao điểm là khi mưa xuống, hoa bắt đầu ra nhiều và khả năng đậu trái cao. Tùy theo tuổi thọ của cây, mà để trái cho phù hợp, tránh để quá nhiều trái sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây cũng như chất lượng trái. Giai đoạn trái non phải tăng cường kiểm tra, phun thuốc theo định kỳ để không bị các loại sâu, rầy tấn công, làm ảnh hưởng đến trái. Đặc biệt, khi trái gần bằng cổ tay, phải tiến hành bao trái để hạn chế bị sâu đục trái tấn công".

Hiện tại, vườn bưởi của ông Châu đang sử dụng các loại phân của Trường Đại học Cần Thơ sản xuất. "Đây là loại phân có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng tháng, Trường Đại học Cần Thơ cho cán bộ xuống vườn để nắm tình hình, sự phát triển của cây, đo độ dinh dưỡng của đất, để có từng loại phân phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của cây. Chính vì thế, dù mùa khô hay mùa mưa, thì vườn bưởi của gia đình tôi vẫn được bón phân đúng cách, đúng liều lượng, cây phát triển tốt nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia" - ông Châu nói.

Ngoài việc làm giàu cho bản thân, ông Châu còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật để bà con cùng gắn bó, vươn lên làm giàu nhờ cây bưởi da xanh. Bên cạnh đó, gia đình ông thu mua bưởi da xanh cho bà con tại địa phương và các vùng lân cận, tạo đầu ra ổn định, hạn chế việc bưởi bị thương lái ép giá, gây khó khăn cho người trồng, tạo sự phấn khởi để người dân an tâm, gắn bó, duy trì với cây bưởi da xanh.

Ông Châu bộc bạch: "Bà con hiện nay sợ nhất là nông sản do mình làm ra bị thương lái ép giá, chính vì thế, tôi phối hợp với các điểm thu mua bưởi, nhất là vựa bưởi "Hương miền Tây" ở Bến Tre để giao hàng, nên bà con rất an tâm gắn bó với cây bưởi. Chúng tôi đang chuẩn bị các bước để sản xuất bưởi sạch, để đầu ra được ổn định, giá cả cũng cao hơn sản xuất thông thường".

Nhờ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, đến nay kinh tế gia đình của ông Châu đi vào ổn định, xây dựng được nhà tường kiên cố, đầy đủ tiện nghi. Hàng năm, vườn bưởi của ông mang về cho gia đình nguồn thu hơn 200 triệu đồng.

Ông Võ Văn Phùng, Chủ tịch Hội CCB xã nhận xét: "Ở anh Châu có một sự cầu tiến vượt bậc, anh đã áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Anh đang vận động bà con trồng bưởi theo hình thức VietGAP và chuẩn bị thành lập hợp tác xã bưởi da xanh, để nâng cao giá trị trái bưởi không chỉ trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Mô hình trồng bưởi của anh Châu hiện là mô hình điểm để bà con xã Long An tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển mạnh về cây bưởi trong thời gian sắp tới".

Minh Toàn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang