• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng tầm trái hồng Đà Lạt

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 14/04/2017
Ngày cập nhật: 17/4/2017

Nhắc đến hồng ăn trái, người ta thường nghĩ ngay đến địa danh Đà Lạt - loại trái cây ôn đới, một trong những đặc sản đặc trưng của phố núi. Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại trái cây ngoại nhập, hồng Đà Lạt vẫn luôn là sự lựa chọn của nhiều du khách và người tiêu dùng. Và để giữ vững chất lượng cũng như phát triển loại trái đặc sản này, Lâm Đồng sẽ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền chứng nhận Hồng ăn trái Đà Lạt.

Hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản. Ảnh: D.Thương

“Thăng trầm” hồng Đà Lạt

Hồng trái có tên khoa học là Diospyros Kaki L., thuộc họ Thị, là một sản phẩm đặc trưng của TP Đà Lạt. Hồng Đà Lạt có màu vàng đỏ, không hạt hoặc ít hạt, hương vị ngọt lịm, dẻo thơm đặc trưng riêng biệt với các loại trái cây khác, trái chín ngọt không có vị chua phù hợp với khẩu vị người Việt Nam. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho cây hồng phát triển nên Đà Lạt có nhiều giống hồng được canh tác để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Hiện, giống hồng được trồng nhiều ở Đà Lạt là hồng trứng lốc (chiếm 80% diện tích), các giống còn lại là hồng pomme, hồng Tám Hải… (khoảng 15% diện tích). Riêng hồng vuông Ông Đồng trồng chủ yếu tại huyện Đơn Dương (giống này thu hoạch muộn và phù hợp làm nguyên liệu hồng khô). Hồng Đà Lạt thu hoạch mỗi năm một mùa, trái thường chín tập trung, tiêu thụ trên thị trường 85% dưới hình thức ăn quả tươi (hồng giòn hoặc hồng chín).

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, hiện nay, diện tích hồng tại Đà Lạt còn khoảng 370 ha, trong đó, trồng xen canh cà phê khoảng 98,1%, còn 1,9% trồng thuần. Hồng Đà Lạt được trồng chủ yếu tại các phường 3, 4, 5, 7,10 và các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà Nung, với sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 12.500 tấn. Trước những năm 2000, cây hồng từng được xem là cây xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên, cùng với sự phát triển và cạnh tranh của hồng Trung Quốc, những năm trở lại đây hồng Đà Lạt có giá rất thấp, nguồn thu nhập từ hồng ăn trái bấp bênh, dẫn đến diện tích hồng Đà Lạt đang dần bị thu hẹp.

Năm 2010 được xem là năm đánh dấu mốc quan trọng với cây hồng Đà Lạt khi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA nghiên cứu và chọn Đà Lạt để phát triển cây hồng.

Mục tiêu của dự án này là phổ biến kỹ thuật chăm sóc và chế biến hồng khô theo công nghệ Nhật Bản. Từ đó đến nay, trái hồng Đà Lạt đang khẳng định lại chỗ đứng của mình, các nhà nông quan tâm hơn đến việc cắt tỉa, lai tạo giống mới chất lượng cao và ít chịu ảnh hưởng thời tiết hơn. Ông Dương Ngọc Đức - Trưởng phòng Kinh tế, UBND TP Đà Lạt cho biết: Hiện nay, cây hồng ăn trái đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến trái hồng. Giá trị sản xuất ước đạt trên 25 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp lớn cho sự phát triển nông nghiệp thành phố.

Trái hồng Đà Lạt cùng với sự biến đổi và phát triển của thị trường cũng không tránh khỏi những thăng trầm, có thời điểm có nguy cơ thu hẹp diện tích. Để giữ vững diện tích và bảo vệ thương hiệu hồng Đà Lạt trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại trái cây ngoại nhập, các ngành quản lý cùng với những nhà nông Đà Lạt đang tìm hướng đi hợp lý để cây hồng phát triển bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao.

Xây dựng nhãn hiệu độc quyền Hồng ăn trái Đà Lạt

Trước những đòi hỏi của thị trường về chất lượng nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người nông dân canh tác theo hướng truyền thống chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch và chế biến, việc xây dựng thương hiệu Đà Lạt cho sản phẩm hồng ăn trái được Lâm Đồng xác định là vấn đề hết sức cần thiết.

Ông Tôn Thiện San - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: Định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu hồng Đà Lạt trong thời gian tới sẽ gồm những giai đoạn cụ thể: Đầu tiên là công tác cải tạo giống và thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, lựa chọn các giống năng suất, chất lượng phù hợp, mở rộng diện tích trồng hồng, hoàn thiện quy trình thâm canh, tái canh phù hợp với từng điều kiện cụ thể, xây dựng mô hình và chuyển giao cho người sản xuất; đẩy mạnh công tác khuyến nông, tăng cường đổi mới công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc theo quy trình tiên tiến, cơ giới hóa các khâu sản xuất như kiểm soát dịch bệnh và cỏ dại, bảo quản sau thu hoạch, công nghệ đóng gói sản phẩm.

Tiếp đó, phát triển hình thức hợp tác sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kinh doanh hồng ăn trái trên các xã, phường có thế mạnh về hồng nhằm đáp ứng dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp chủ động thu mua, tham gia điều tiết cung cầu trên thị trường, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và kinh doanh sản phẩm hồng ăn trái. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến: mứt hồng, hồng sấy, hồng giòn… Từng bước thay thế dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến các sản phẩm từ lạc hậu bằng dây chuyền tiên tiến, đầu tư đồng bộ cơ sở chế biến công nghệ hiện đại, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO:9000, ISO: 14000, HACCP…

Ông Tôn Thiện San cũng phân tích, sau khi làm tốt các khâu từ trồng đến sản xuất các sản phẩm từ hồng, việc quản lý và sử dụng thương hiệu hồng ăn trái Đà Lạt sẽ được thiết lập và quản lý chặt chẽ. Hồng ăn trái sử dụng thương hiệu Hồng ăn trái Đà Lạt sẽ được bảo vệ nhãn hiệu, tham gia tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn việc tiêu thụ thông qua các hợp đồng nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng hồng Đà Lạt.

Việc xây dựng nhãn hiệu độc quyền thương hiệu Hồng ăn trái Đà Lạt cũng đang được xúc tiến xây dựng kỹ lưỡng từ ý tưởng biểu trưng logo cho nhãn hiệu hồng Đà Lạt đến xác định một số tiêu chí đặc thù về chất lượng của sản phẩm nhãn nhiệu chứng nhận và trách nhiệm, quyền lợi của người sử dụng nhãn hiệu, quyền hạn của cơ quan quản lý nhãn hiệu…

Xây dựng nhãn hiệu Hồng Đà Lạt không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế của cây trồng ăn trái, giữ vững và phát triển diện tích trồng hồng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho trái hồng, mà còn giúp nâng tầm trái hồng Đà Lạt, loại đặc sản vốn đã đóng góp cho thương hiệu Đà Lạt từ bao lâu nay trong lòng du khách và người tiêu dùng cả nước.

Diễm Thương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang