• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thu nhập ổn định nhờ chuối cấy mô

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 13/04/2017
Ngày cập nhật: 16/4/2017

Mô hình trồng chuối mốc cấy mô của gia đình anh Phan Tấn Lực ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân (huyện Tuy An) - Ảnh: Đào Tấn Trực

Mô hình trồng chuối mốc cấy mô ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) của anh Phan Tấn Lực bước đầu thành công và cho thu nhập ổn định. Mô hình này đang được nhiều nông dân học hỏi, nhân rộng.

Mạnh dạn đầu tư

Sau khi đọc báo và xem truyền hình, biết được mô hình trồng chuối mốc cấy mô, anh Phan Tấn Lực ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân (huyện Tuy An) đã làm theo và bước đầu có thu nhập ổn định. Theo anh Lực, ban đầu anh chỉ muốn thử xem trồng chuối cấy mô có hiệu quả thế nào so với trồng chuối truyền thống nên anh chuyển 2ha đất đồi đang trồng cây keo lai sang trồng thí điểm chuối mốc cấy mô. Cũng trong thời điểm này, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên có chương trình đầu tư cây giống cho nông dân nên anh càng có thêm động lực. Cuối năm 2015, anh Lực bắt tay vào trồng chuối. Anh cho biết: “Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên hỗ trợ 1.000 cây, tôi mua thêm 1.000 cây nữa với giá 12.000 đồng/cây. 2.000 cây này trồng vừa đủ trên diện tích 2ha với cách trồng cây cách cây, hàng cách hàng đều 3,5m. Thời điểm đầu tháng 9 âm lịch, tôi làm đất thật sạch, sau đó đào hố thẳng hàng, chỗ nào đất có độ ẩm cao, nhiễm phèn thì phải xử lý bằng cách dùng vôi để khử. Đợi mưa xuống, tôi trồng đồng loạt để cây phát triển cùng lúc”.

Do đất mới khai thác keo xong, đốt thực bì tơi xốp, tốt nên anh Lực không cần bón phân; chỉ những chỗ khô cằn, dốc đá mới bón lót. Tuy không bón phân nhưng khâu nước tưới là không thể thiếu. Vì vậy, anh đã đầu tư một hệ thống đường ống dẫn nước từ một con suối gần đó tưới cho cả rẫy. Còn các công đoạn khác như chăm sóc, theo dõi bệnh, làm cỏ đều phải thực hiện thường xuyên, đều đặn chứ không thể giao cho trời như chuối trồng bằng cây con bứng từ những vườn chuối có sẵn như lâu nay.

Thành công bước đầu

Đất mới, được chăm sóc bài bản, cây chuối phát triển rất tốt. Những tháng tiếp theo, anh Lực tập trung làm cỏ, vệ sinh vườn thật sạch để tránh bệnh hại; đồng thời theo dõi cắt dọn lá già và tưới nước khi trời nắng. Anh cho biết cây chuối phát triển đến tháng thứ 5 thì nứt cây con, khoảng tháng thứ 6-8 thì trổ buồng. Giai đoạn này đòi hỏi người trồng chăm sóc kỹ hơn. Trước hết phải vệ sinh gốc chuối thật sạch, cây con nứt lên chỉ để mỗi mẹ hai con, còn lại phải cắt bỏ để cây mẹ đủ sức nuôi buồng. Điều này khác với cách trồng chuối truyền thống là cứ để một bụi chuối có khi đến vài chục cây cả mẹ lẫn con nên buồng chuối thường không đạt cả năng suất lẫn chất lượng. Khi cây chuối trổ buồng, người trồng phải theo dõi từng ngày. Chú ý, những cây mẹ thân nhỏ phải chèn chống để tránh sức nặng của buồng chuối làm cây gãy. Những cây có buồng cong vào thân mẹ, người trồng phải sửa lại để tránh buồng chuối cọ vào thân sẽ bị hư. Khi buồng lớn, thời tiết mưa gió kéo dài, phải dùng bao nhựa trong trùm đến khi thu hoạch để bảo đảm da chuối xanh non đẹp, trái chuối không bị đen, côn trùng đốt.

Nhờ chăm sóc kỹ, cả rẫy chuối phát triển tốt. Tuy ra buồng chưa đồng đều nhưng 100% cây mẹ đều cho buồng. Từ tháng 10 âm lịch năm 2016, anh Lực bắt đầu thu đến nay. Bình quân giá chuối 6.000 đồng/kg, mỗi buồng chuối nặng từ 13-16kg (7-10 nải), cứ khoảng 10 ngày thu một lứa, mỗi lứa khoảng 1,5 tấn. Riêng lứa chuối tết, giá tăng gấp đôi gấp ba ngày thường. Đến nay, đa số cây chuối con lứa đầu cũng đã ra buồng, khoảng một tháng nữa là thu được. Cứ một cây mẹ đẻ hai cây con, hai cây con ở lứa thứ hai sẽ có thêm 4 cây cháu nữa, cứ như vậy số lượng cây chuối trong vườn tăng lên đều đặn. Anh Lực tâm sự: “Chuối mốc cấy mô cho năng suất cao hơn chuối mốc truyền thống cả về trọng lượng lẫn màu sắc. Hơn nữa, chuối cấy mô phát triển đồng đều, ít bệnh. 2.000 gốc chuối tơ bình quân cho thu hoạch khoảng 26 tấn nên mang lại thu nhập đáng kể”.

Theo anh Lực, sản xuất nông nghiệp hiện nay cần phải áp dụng khoa học công nghệ chứ không thể làm theo cách cũ. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thiên tai, thị trường nên nông dân càng phải đa dạng hóa cây trồng, tìm những giống cây mới phù hợp với thổ nhưỡng để phát triển thì sản xuất mới bền vững. Ví như chuối cấy mô trồng chừng 11 tháng là cho thu hoạch, trồng một lần ăn được nhiều năm, mỗi tháng thu nhiều lần, thu đều đặn trong năm nên có thể lấy ngắn nuôi các cây lâu ngày như tiêu, keo…

Theo ông Trần Công Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuân, mặc dù trồng thí điểm nhưng vườn chuối cấy mô của anh Phan Tấn Lực phát triển khá tốt. Đây là vườn chuối cấy mô có số lượng nhiều và hiệu quả nhất của xã hiện nay. Với thành công bước đầu của mô hình này, bà con trong xã đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị đất, cây giống để trồng trong mùa mưa năm nay.

Đào Tấn Trực

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang