• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Ninh: Sớm áp dụng quy trình VietGAP cho vùng vải và na Đông Triều

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 07/04/2017
Ngày cập nhật: 9/4/2017

Với mục tiêu xây dựng, phát triển bền vững các loại cây ăn quả chủ lực trong vùng sản xuất tập trung, góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt, đầu năm 2017, Sở NN&PTNT và TX Đông Triều (Quảng Ninh) đã tiến hành lập Dự án “Xây dựng, phát triển sản xuất vải thiều, na Đông Triều theo quy trình VietGAP tại 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Bình Khê, An Sinh, Việt Dân)”.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và Sở NN&PTNT kiểm tra hiện trạng cây vải tại xã Bình Khê, TX Đông Triều.

Hiện diện tích trồng na và vải đang tập trung chủ yếu tại TX Đông Triều (gần 900ha na và 1.100ha vải). Tuy nhiên, đa số các hộ dân tại địa phương vẫn còn đầu tư, chăm sóc 2 loại cây này chủ yếu theo kinh nghiệm. Trong quá trình thâm canh, các hộ thường bón phân không cân đối, như không đúng liều lượng, không đúng thời điểm. Bên cạnh đó là vấn đề kỹ thuật canh tác chưa được chú trọng, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch hại vẫn chủ yếu phổ biến tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến tình trạng sâu kháng thuốc, dễ phát sinh dịch, khó phòng trừ. Vì vậy, thời gian vừa qua, năng suất, chất lượng quả vải thiều và na Đông Triều chưa ổn định do bị động trong quá trình chăm sóc, giá thành bấp bênh do hình thức tiêu thụ chủ yếu bán lẻ tại các chợ hoặc tư thương thu mua nên dễ bị ép giá.

Trước thực trạng đó, Sở NN&PTNT và UBND TX Đông Triều nhận thấy cần thiết phải xây dựng dự án phát triển sản xuất vải thiều, na Đông Triều theo quy trình VietGAP để đảm bảo năng suất ổn định, nâng cao chất lượng quả, vệ sinh an toàn thực phẩm cho 2 loại cây chủ lực này. Đây sẽ là cơ sở để nhân rộng ra toàn bộ diện tích trồng vải và na của thị xã, hình thành vùng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao. Theo đó, cuối tháng 3 vừa qua, Sở NN&PTNT đã họp bàn và lấy ý kiến của địa phương để hoàn thiện dự án và chuẩn bị trình tỉnh phê duyệt. Dự kiến, dự án sẽ triển khai trong năm 2017. Ban đầu sẽ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và đăng ký chứng nhận VietGAP 50ha vải, 70 hộ tham gia và 100ha na với 90 hộ tham gia. Thị xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trong các năm tiếp theo dựa trên diện tích thực hiện thực tế của năm trước. Mục tiêu đến năm 2019, thị xã sẽ áp dụng ổn định quy trình VietGAP cho 250ha vải thiều với 500 hộ và 640ha na với trên 775 hộ tham gia tại 3 xã An Sinh, Việt Dân, Bình Khê.

Để đạt được mục tiêu trên, ngay trong năm 2017 khối lượng công việc phải triển khai được dự báo sẽ là rất lớn. Cụ thể, trong quý II-2017, đơn vị cấp giấy chứng nhận dự án sẽ phải tiến hành khảo sát thực địa, đánh giá sơ bộ vùng dự án; phân chia, khoanh những vùng có điều kiện áp dụng quy trình VietGAP; thống kê xác định cụ thể diện tích của từng hộ nằm trong từng vùng thực hiện; dự kiến lấy 20 mẫu đất, 20 mẫu nước đối với vùng trồng vải thiều và 40 mẫu đất, 40 mẫu nước vùng trồng na để đánh giá các chỉ tiêu kim loại nặng như arsen (As), cadimi (Cd), chì (Pb), đồng (Cu), kẽm (Zn); lấy 10 mẫu quả vải, 20 mẫu quả na để phân tích hàm lượng chì và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng sơ đồ giải thửa cho diện tích triển khai. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm nòng cốt khi dự án được triển khai; tổ chức lớp quản lý dịch hại tổng hợp và tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc vải chín sớm theo quy trình VietGAP, dự kiến đăng ký mã tem, mã vạch phục vụ truy suất nguồn gốc sản phẩm... Trên cơ sở đó, các HTX sản xuất vải thiều, na VietGAP cũng phải được thành lập để đẩy mạnh hoạt động xây dựng liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ giữa cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối tiêu thụ... Các công việc trên phải hoàn tất trong năm 2017 để Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thuỷ sản vùng I - Hải Phòng thẩm định và cấp chứng nhận VietGAP cho 50ha vải thiều và 100ha na. Đến cuối năm sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết để từ đó làm tiền đề triển khai cho các năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều, tại cuộc họp trao đổi, xây dựng dự án trên với Sở NN&PTNT, cho biết: Chủ trương xây dựng quy trình VietGAP cho cây vải thiều và cây na thể hiện sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ của tỉnh và thị xã đối với 2 loại cây ăn quả chủ lực này của địa phương. Người dân trồng vải thiều và na ở 3 xã Bình Khê, An Sinh, Việt Dân cũng rất mong chờ và đón đợi dự án để góp phần thiết thực vào việc cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng cho cây trồng. Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP sẽ góp phần quan trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu cho vải thiều và na Đông Triều, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia. Những kết quả tốt từ dự án sẽ là tiền đề để thị xã tiến tới áp dụng việc thực hiện quy trình VietGAP cho toàn bộ các loại cây, con, vật nuôi trên địa bàn, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.

Lương Giang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang