• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đầu tư lớn cho cây xoài

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 03/04/2017
Ngày cập nhật: 6/4/2017

Với diện tích trên 11 ngàn hécta, xoài thuộc nhóm đứng dầu danh sách các loại cây ăn trái chủ lực của Đồng Nai. Tuy nhiên, nông dân trồng xoài vẫn phải luôn đối mặt với những mùa vụ bất ổn do sản xuất còn theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, thị trường cho mặt hàng này vẫn rất bấp bênh.

Thu hoạch xoài tại vườn gia đình bà Nguyễn Thúy Kiều (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán).

Nhiều địa phương có vùng chuyên canh xoài với diện tích lớn, như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc... đang triển khai kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn cho cây xoài. Qua đó, xây dựng thương hiệu xoài Đồng Nai bằng uy tín chất lượng tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

* Thị trường không còn dễ tính

Tham gia chương trình hội thảo kết nối đưa nông sản vào chợ đầu mối Dầu Giây, bà Nguyễn Thị Kim Mai, Chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Lộc Mai (huyện Định Quán), chia sẻ: “Trước sự chọn lựa ngày càng kỹ tính của thị trường về thực phẩm an toàn, nông dân cũng ngày càng ý thức hơn về việc sản xuất sạch. Diện tích hơn 30 hécta trồng xoài và mãng cầu của gia đình tôi được làm theo hướng an toàn, trái cây đều được bao trái nên rất đảm bảo về mặt chất lượng. Đây cũng là hướng đi của các thành viên trong tổ hợp tác. Trái xoài và nhiều loại trái cây khác của chúng tôi không chỉ đáp ứng yêu cầu sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc của chợ đầu mối nông sản sạch Dầu Giây mà đang đẩy mạnh sản xuất đạt chuẩn GAP để vào được thị trường xuất khẩu”.

Đóng gói xoài xuất đi Trung Quốc tại vựa xoài Điền (xã La Ngà, huyện Định Quán).

Nhận định về thị trường cho trái xoài hiện nay, ông Võ Kim Điền, thành viên Tổ hợp tác xoài ấp 5, đồng thời là chủ vựa thu mua xoài tại xã La Ngà (huyện Định Quán), chia sẻ: “Úc, Nhật Bản đã mở cửa cho trái xoài Đồng Nai, nhưng đến nay xoài vẫn chưa xuất khẩu được vào những thị trường giàu tiềm năng này. Bao năm qua, đầu ra cho trái xoài bấp bênh lắm vì hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Xuất đi Trung Quốc nhiều nhưng xoài Việt Nam đều đi theo đường tiểu ngạch, chỉ cần cửa khẩu đóng lại là xoài đổ đống. Ở thị trường đó cũng chẳng ai biết nguồn gốc xoài của Đồng Nai vì họ dán nhãn, dán mã vạch của họ lên”. Theo ông Điền, hiện đã qua thời thị trường dễ dãi vì thị trường Trung Quốc cũng đang đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn, ngay cả các chợ đầu mối trong nước cũng tuyển chọn hơn về nguồn hàng. Nếu không làm ngay việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng uy tín thương hiệu bằng chất lượng và đảm bảo an toàn, trái xoài Đồng Nai sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường.

* Cần đầu tư dài hạn

Từ cả chục năm trước, Đồng Nai đã có nhiều chương trình khuyến khích nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP cho trái xoài nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu xoài Đồng Nai tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiện Đồng Nai có gần 60 hécta xoài được cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng cánh đồng lớn cho cây xoài tại 2 huyện Định Quán và Xuân Lộc với tổng diện tích khoảng 3,4 ngàn hécta.

Theo đánh giá của những doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu trái cây, trái xoài Đồng Nai có những điểm mạnh, như: có diện tích lớn, đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, chất lượng xoài ngon, nông dân giỏi tay nghề... Tuy nhiên, dự án cánh đồng lớn cho cây xoài là chương trình dài hơi và không dễ thực hiện. Bà Nguyễn Thị Dòn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Định Quán - huyện có diện tích xoài lớn nhất tỉnh với trên 5.460 hécta, nhận xét làm dự án cánh đồng lớn cho cây xoài không dễ cả về việc chuẩn hóa quy trình sản xuất lẫn tổ chức thị trường. Tuy diện tích lớn nhưng sản xuất xoài của người dân vẫn theo hướng tự phát, manh mún. Cây xoài lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Mặt khác, do nông dân đua nhau làm xoài nghịch vụ khiến năng suất xoài đạt thất thường. Bà Dòn dẫn chứng: “3 năm liên tiếp trở lại đây, năng suất xoài đạt thất thường, tỷ lệ xoài nghịch vụ đạt rất thấp. Khó khăn nhất là vụ thu hoạch năm nay nhiều vùng xoài mất trắng. Nguy hiểm hơn là nông dân đua nhau chuyển đổi sang giống xoài Đài Loan do dễ xử lý ra bông, đậu quả hơn nhưng lại rất mù mờ về thị trường. Tỉnh nên đầu tư nghiên cứu một cách bài bản về cây xoài tại Đồng Nai, làm căn cứ để chuẩn hóa từ quy trình sản xuất đến tổ chức thị trường khi triển khai cánh đồng lớn”.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Suối Lớn, chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn cây xoài tại huyện Xuân Lộc, cho hay: “Giai đoạn này, hợp tác xã đang rà soát lại diện tích, thực tế sản xuất của những hộ đăng ký tham gia cánh đồng lớn cho cây xoài để xây dựng quy trình chuẩn trong sản xuất. Chúng tôi cũng tích cực kết nối với doanh nghiệp để tính đầu ra cho sản phẩm vì sản xuất lớn phải nhìn vào thị trường để đầu tư”. Theo ông Bảo, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cần đầu tư mạnh ở khâu sơ chế, bảo quản. Đây là dự án dài hơi không chỉ cần nguồn vốn lớn, mà phải xây dựng hẳn một quy trình đầu tư bài bản nên phải đi từng bước chắc chắn.

Bình Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang