• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghịch lý thị trường trái cây Việt Nam

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 27/03/2017
Ngày cập nhật: 28/3/2017

Trái cây Việt Nam đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nhưng có một nghịch lý đang diễn ra là, trong khi các doanh nghiệp nỗ lực xuất khẩu trái cây, thì ở chiều ngược lại người tiêu dùng Việt cũng sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng để nhập trái cây ngoại mỗi tháng dù trong nước cũng có sản phẩm cùng loại bảo đảm chất lượng, giá phải chăng. Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố tâm lý người tiêu dùng, còn những nguyên nhân nội tại trong sản xuất, quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản...

Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, hai tháng qua, cả nước đã chi 164 triệu USD (khoảng 3.720 tỷ đồng) để nhập khẩu trái cây, rau quả. Riêng nhập khẩu từ Thái Lan, hai tháng qua là 82 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc 19%, Myanmar 9% và Hoa Kỳ 8%... Tại các siêu thị lớn như: Coop Mart, Metro... trái cây ngoại được bày bán tràn lan. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Trái cây từ Thái Lan được người tiêu dùng Việt rất ưa chuộng mặc dù giá luôn cao hơn nhiều trái cây trong nước. Đơn cử, mãng cầu Thái Lan đang được bán tại một số siêu thị với mức giá gần 500.000 đồng/kg, trong khi mãng cầu Việt Nam chỉ có giá 40.000-60.000 đồng/kg dù chất lượng tương đương. Ngoài mãng cầu thì thanh long và một số trái cây khác cũng bị "phân biệt đối xử" như vậy.

TS Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, đây chính là nghịch lý trái cây của Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu vất vả kiếm từng đơn hàng để đưa trái cây Việt ra thị trường thế giới thì một lượng lớn ngoại tệ lại chạy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Dù trái cây Việt Nam rất phong phú với nhiều chủng loại nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu trái cây của nhiều nước, trong đó: Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Chile, New Zealand chiếm lượng lớn với chủng loại phổ biến như nho, táo, lựu, kiwi, xoài...

Lý giải điều này, GS Nguyễn Quốc Vọng - một trong những chuyên gia nông nghiệp cho biết: Nguyên nhân chính khiến trái cây Việt thua ngay trên “sân nhà” do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với người tiêu dùng. Ngoài ra, mẫu mã trái cây ngoại vượt trội hẳn so với trái cây Việt nên thường được người tiêu dùng lựa chọn nhiều vào những dịp lễ, Tết. Năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 700 triệu USD nhập trái cây ngoại. Với đà này, từ nay đến cuối năm, có thể Việt Nam sẽ còn chi nhiều trăm triệu USD để nhập khẩu trái cây ngoại...

Hướng đến thị trường "nội"

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, ngoài năng lực cạnh tranh, năng suất thấp do sản xuất manh mún, trái cây Việt còn bị kìm kẹp ngay tại thị trường nội địa. Chính các siêu thị trong nước lại đòi hỏi mức chiết khấu quá cao (từ 15 đến 20%), phí tạo mã hàng cho một sản phẩm lên đến 20 triệu đồng và các khoản chi khác: Hỗ trợ dịp sinh nhật siêu thị, vị trí bày kệ (nếu không sẽ bị đặt ở những vị trí khó nhìn, khó thấy). Thực tế, giá trị trái cây Việt còn thấp, nếu phải gánh những chi phí đó thì doanh nghiệp kinh doanh trái cây nội sẽ không thể trụ vững.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: Ngoài việc khai thác thị trường quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt đang "bỏ ngỏ" thị trường nội địa. Với dân số 90 triệu dân, nếu biết khai thác tốt mạng lưới tiêu thụ thì đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ vì xét về chất lượng, nhiều loại trái cây Việt còn nổi trội hơn trái cây ngoại. Thiệt thòi lớn cho trái cây trong nước chính là khâu quảng bá chưa được quan tâm đầu tư; bên cạnh đó, quy trình sản xuất còn nhiều hạn chế. GS Nguyễn Lân Hùng - chuyên gia nông nghiệp, sinh học Việt Nam cho biết, tại các quốc gia như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,… hầu hết trái cây đều được sử dụng chất bảo quản trong quá trình trồng hoặc sau thu hoạch. Điều quan trọng chính là chất bảo quản đó đều có nguồn gốc sinh học, an toàn với người sử dụng. Đặc biệt, nông dân ở các nước đó tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và sản phẩm được kiểm nghiệm chặt chẽ ở tất cả các khâu...

Để nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định lại vị thế tại thị trường trong nước, ngành sản xuất trái cây cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T - một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây chia sẻ thì để có một dự án phát triển công nghệ bảo quản trái cây, cần đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Với mức đó, rất ít doanh nghiệp có nguồn lực để triển khai. Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác khiến nhà đầu tư "chùn bước" trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trái cây. Bởi vậy, mong Nhà nước, các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, đầu tư hệ thống máy móc trong chế biến và bảo quản; cùng với đó, có sự bảo trợ cho các hoạt động: Tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt tới người tiêu dùng nhằm trước hết khai thác tiềm năng thị trường trong nước và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu...

Đỗ Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang