• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện lạ ở Bến Tre: Xứ dừa đi… nhập dừa

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 20/03/2017
Ngày cập nhật: 21/3/2017

Với gần 70.000ha, Bến Tre là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước. Sản lượng dừa của tỉnh này cũng rất lớn với hơn 594 triệu trái mỗi năm, vậy mà hiện nay các doanh nghiệp ở Bến Tre lại chạy đôn chạy đáo đi “nhập khẩu” dừa. Mới nghe tưởng đâu chuyện đùa, nhưng lại là sự thật.

Dừa mất mùa trầm trọng

Những ngày này nông dân trồng dừa ở các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành… mất ăn mất ngủ khi vườn dừa bị mất mùa, không đậu trái. Ông Huỳnh Văn Hưng, ấp Phú Hưng, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại chua chát: “Vườn dừa 3 công của gia đình tôi cả chục năm tuổi, trước đây cứ 20 ngày là thu hoạch 1 đợt, bán được 5 - 6 triệu đồng (tùy theo giá), giúp cả nhà ổn định cuộc sống. Thế nhưng mấy tháng nay vườn dừa không chịu ra trái, một số cây có trái nhưng nhỏ nên chẳng bán được gì, dừa mất mùa khiến cả nhà khốn đốn”.

Hàng loạt vườn dừa ở Bến Tre bị mất mùa

Theo ông Hưng, mùa khô năm ngoái do ảnh hưởng xâm nhập mặn tấn công dữ dội làm vườn dừa của ông và nhiều hộ khác bị nước mặn tràn vào. Mặn về sớm và kéo dài khoảng 5 tháng, dù nhà vườn sử dụng nhiều biện pháp chống đỡ nhưng không hiệu quả. Nước mặn thấm vào đất khiến vườn dừa xơ xác, trổ bông bao nhiêu thì rụng hàng loạt, trái không đậu được.

Cùng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Thế, canh tác 2,5 công dừa ở xã Giao Hòa, huyện Châu Thành cho biết: “Dân xứ này trồng dừa nhiều năm nhưng chưa bao giờ bị nước mặn tàn phá như năm ngoái. Ai cũng biết tác hại của nước mặn nên chủ động bơm trữ nước ngọt để “xả” cho vườn dừa, vậy mà vườn dừa vẫn bị héo lá, cây xuống sức, không làm trái được”.

Tại huyện Giồng Trôm, nhiều vườn dừa cũng chịu chung cảnh ngộ. Ông Võ Thanh Long, ở xã Tân Thanh buồn rầu nói: “Từ đầu năm 2017 đến nay 70 gốc dừa chưa bán được đợt nào, bởi dừa hổng chịu trái. Nguyên nhân là do nước mặn tràn vào hồi năm 2016, cộng với gần đây sâu bệnh xuất hiện nhiều làm cho dừa rụng trái tràn lan. Không có dừa bán, đồng nghĩa với mất thu nhập, dẫn đến việc chi tiêu hàng ngày gặp khó khăn”.

Nhập dừa để chế biến

Ông Mai Văn Trí, cán bộ phụ trách cây dừa của Phòng NN - PTNT huyện Ba Tri cho biết: “Toàn huyện có khoảng 1.800 ha dừa, sản lượng hàng năm hơn 20.160 trái. Năm nay dừa bị mất mùa, sản lượng ước giảm 30% - 40%. Giải pháp hiện nay là tăng cường hỗ trợ nông dân các biện pháp khôi phục lại vườn dừa, hy vọng lấy trái cho những đợt sau”.

Theo nhiều nông dân trồng dừa lâu năm cho biết, nếu như trước đây khoảng 3 tháng trở lên mới bón phân 1 lần cho vườn dừa, nhưng từ khi bị ảnh hưởng nước mặn thì bà con tăng cường bón phân mỗi tháng 1 lần. Bên cạnh đó, tăng cường phun thuốc diệt sâu bọ và sử dụng các biện pháp khác; tuy nhiên vườn dừa chưa thể phục hồi như mong muốn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho rằng: “Dừa năm nay ngoài việc giảm mạnh về sản lượng thì chất lượng cũng bị ảnh hưởng, trái dừa nhỏ, cơm không dầy… ảnh hưởng đến nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Hiện các kỹ sư tích cực giúp nông dân giữ độ ẩm cho cây dừa, phòng chống hạn mặn trong những ngày tới, thả ong ký sinh diệt bọ dừa…”. Giải pháp là vậy nhưng nỗi lo trước mắt là sẽ thiếu dừa nguyên liệu để các nhà máy hoạt động.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre nhìn nhận: “Với gần 2.000 cơ sở chế biến dừa, cùng 10 doanh nghiệp làm cơm dừa nạo sấy… đã góp phần đưa Bến Tre xuất khẩu hơn 150 triệu USD/năm các sản phẩm từ dừa. Hiện tại, nếu các nhà máy, các cơ sở… hoạt động hết công suất thì cần tới 900 triệu trái dừa/năm; tuy nhiên năm 2016 chỉ chế biến khoảng 497 triệu trái, tương đương 98% sản lượng dừa của tỉnh. Riêng năm nay, do sản lượng dừa giảm, nên một số doanh nghiệp ở tỉnh có nhập dừa từ Indonesia về chế biến. Số lượng nhập bao nhiêu, chưa có báo cáo cụ thể, nhưng có nghe một doanh nghiệp trong tỉnh đã nhập khoảng 50.000 trái dừa từ Indonesia”.

Khi được hỏi, “xứ dừa” Bến Tre lại đi nhập khẩu dừa thì có ảnh hưởng đến người trồng dừa tại chỗ. Vấn đề này, ông Chương phân tích: “Giá dừa của Indonesia và Philippines đều thấp hơn nhiều so với giá dừa Việt Nam, bởi chất lượng cơm dừa của 2 nước này thua xa dừa Bến Tre.

Ngay tại Bến Tre thì dừa được trồng ở vùng nước lợ huyện Giồng Trôm có giá bán cao hơn khoảng 30% so dừa trồng ở vùng nước ngọt hoặc nước mặn. Do đó, khi doanh nghiệp đi nhập khẩu dừa chỉ là giải pháp tình thế, chứ không lâu dài được bởi họ khó biết được dừa của nước ngoài trồng ở đâu, ra sao, chất lượng thế nào? Ngoài ra, cơ quan chức năng chỉ cho phép nhập dừa đã tách vỏ, trong khi dừa mà tách hết vỏ thì không để lâu được, dễ bị hỏng. Vì vậy, nông dân trồng dừa ở Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL không quá lo lắng khi doanh nghiệp đi nhập dừa về… xứ dừa.

Huỳnh Phước Lợi

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang