• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 06/01/2017
Ngày cập nhật: 7/1/2017

Với giá bán bình quân từ 200-240 nghìn đồng/buồng chuối tiêu hồng, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Nguyễn Tùng Lâm, xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn (T.P Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Trong ảnh: Anh Nguyễn Tùng Lâm (người đứng giữa) giới thiệu kỹ thuật chăm sóc chuối Têu hồng.

Trong khi những bạn bè cùng trang lứa chọn hướng lập nghiệp bằng việc ly hương hoặc làm việc tại các công ty, nhà máy trên địa bàn thì anh Nguyễn Tùng Lâm (sinh năm 1988), xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn (T.P Sông Công) lại chọn cách gắn bó với mảnh đất quê hương để làm giàu từ mô hình trồng chuối Tiêu hồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Đinh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn luôn dành cho anh Lâm những lời khen ngợi về tính chịu thương chịu khó, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Có tận mắt chứng kiến những vườn chuối quả căng tròn, được chăm sóc một cách cẩn thận mới thấy được công sức và tâm huyết của người trồng. Theo anh Lâm, trồng chuối không mất nhiều công chăm sóc, ngoài thời gian làm cỏ tỉa cây mầm thì anh vẫn tranh thủ đi chợ buôn bán một số mặt hàng rau củ quả để tăng thu nhập.

Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn chuối Ttiêu hồng chuẩn bị cho thu hoạch, anh Lâm nhớ lại: Trước đây, tôi từng đi buôn một số mặt hàng hoa quả, trong đó có chuối tiêu hồng tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy, giống chuối này được thị trường ưa chuộng, trong khi đồng đất tại địa phương người dân cấy lúa 2 vụ rồi bỏ không rất lãng phí nên năm 2014, tôi đã mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp T.X Sông Công (nay là T.P Sông Công) gần 100 triệu đồng để thuê hơn 1.500m2 đất và trồng thử nghiệm 200 gốc chuối Tiêu hồng. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên đến thời điểm chuẩn bị thu hoạch buồng, cây bắt đầu thối nhũn rồi đổ gục. Không chán nản, tôi tiếp tục về Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) mua cây giống và tìm đến một số mô hình ở tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh để học hỏi kinh nghiệm. Từ 200 gốc ban đầu, đến nay, tôi đã nhân rộng lên khoảng 1.700 gốc (diện tích trên 7.000m2), dự kiến cho thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán này. Hiện nay, nhiều thương lái đã đến tận vườn đặt mua với giá bán 240 nghìn đồng/buồng.

Theo kinh nghiệm của anh Lâm thì giống chuối này phù hợp với nhiều loại đất, trồng 6-8 tháng cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, những lứa quả tiếp theo bình quân là 4-5 tháng và thu hoạch liên tiếp trong vòng 4 năm. Để đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt, trước khi trồng nên phun thuốc diệt khuẩn tránh tình trạng bị sâu đục thân dẫn đến gãy đổ. Sau trồng 30-40 ngày, tiến hành làm cỏ và thường xuyên giữ ẩm cho cây. Buồng chuối cần được bao túi nilon ngay sau khi quả bắt đầu cong lên, buộc chặt túi ở phía trên và mở ở phía dưới giống như tay áo để giữ cho quả khỏi bị sâu bệnh gây hại và thúc đẩy quả phát triển. Sau khi trổ buồng 3,5-4 tháng, quả căng và chuyển từ màu xanh thẫm sang xanh nhạt thì bắt đầu tiến hành thu hoạch. Bình quân, mỗi buồng chuối có từ 10-12 nải, trọng lượng đạt trên 45kg/buồng (cao gấp rưỡi so với trọng lượng của giống chuối thường). Khi chín, vỏ quả có màu vàng sáng nhưng cuống vẫn còn xanh, thịt quả rắn, ăn có vị ngọt thanh và thơm. Vì thế, giống chuối này được nhiều người tin dùng, nhất là vào dịp lễ, tết. Với giá bán bình quân từ 200-240 nghìn đồng/buồng, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Hiện nay, cùng với việc trồng chuối Tiêu hồng, anh Lâm còn mở rộng diện tích đất hơn 4.000m2 để trồng mía và rau xanh các loại. Theo anh Lâm, đây là những giống cây ngắn ngày, trồng xen vào thời điểm chờ chuối tiêu hồng cho thu hoạch giúp gia đình anh có thêm nguồn thu nhập thường xuyên để trang trải cuộc sống và đầu tư chăm sóc chuối tốt hơn. Từ năm 2015 đến nay, sau mỗi vụ thu hoạch mía và rau, anh Lâm thu lãi trên 50 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình càng thêm khấm khá, có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất.

Đánh giá về mô hình kinh tế của anh Lâm, đồng chí Đinh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn cho biết thêm: Trong khi diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn T.P Sông Công ngày càng bị thu hẹp để phục vụ cho phát triển công nghiệp thì những mô hình kinh tế của anh Lâm rất cần được nhân rộng, nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên hiện nay, đầu ra đối với các loại nông sản trên chưa thực sự ổn định nên vào vụ giá cả vẫn còn bấp bênh. Vì vậy, những mô hình này rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành chức năng trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đồng thời có cơ chế hỗ trợ đầu tư về nguồn vốn để người dân yên tâm sản xuất.

Trịnh Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang