• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng, Bình Dương): Khai thác tiềm năng cây măng cụt

Nguồn tin: Báo Bình Dương, 23/02/2017
Ngày cập nhật: 25/2/2017

Hiện nay, ngành nông nghiệp chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế của xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Trước sự bất ổn của giá cao su, măng cụt đang trở thành cây trồng giúp địa phương này vươn lên.

Nông dân cần vốn

Đến đầu năm 2017, diện tích cây măng cụt của xã đạt 215 ha. Phần lớn diện tích măng cụt tại đây đang được sự hỗ trợ từ Quyết định 45 của UBND tỉnh về việc phát triển các vườn cây trái đặc sản trên địa bàn tỉnh. Nếu như cách đây hơn 10 năm, xã Thanh Tuyền mới có vài hộ nông dân trồng thử nghiệm cây măng cụt thì nay đã có hơn 200 hộ tham gia. Giống cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Thanh Tuyền, khiến cho nhiều hộ nông dân trồng cao su trước đây đã chuyển sang trồng thêm cây măng cụt để cải thiện thu nhập.

Ông Huỳnh Văn Dưỡng (phải), Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc măng cụt cho nông dân. Ảnh: THIÊN LÝ

Thời gian qua, cây măng cụt đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Thanh Tuyền. Những gương mặt nông dân tiêu biểu phát triển cây măng cụt ở Thanh Tuyền có thể kế đến như các ông Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Sáu, Lê Văn Mé, Nguyễn Văn Trí…, với quy mô mỗi gia đình trồng từ 1 ha trở lên. Ông Huỳnh Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, cho biết hiện cây măng cụt ở đây được trồng tập trung dọc ven suối Xuy-nô và ven sông Sài Gòn. Dù mủ cao su những năm gần đây rớt giá nhưng với diện tích măng cụt hiện có cũng giúp người nông dân có thêm thu nhập đáng kể, qua đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Dưỡng cũng cho rằng, hiện địa phương và người dân trong xã vẫn chưa khai thác hết tiềm năng từ vườn cây măng cụt. Một trong những lý do khiến cây măng cụt ở Thanh Tuyền chưa thể phát huy hết tiềm năng chính là còn thiếu nguồn vốn để đầu tư cho vườn cây. Theo ông Dưỡng, mặc dù Quyết định 45 của UBND tỉnh giúp rất nhiều cho nông dân nhưng vẫn chưa thỏa mãn cơn “khát vốn” đối với các hộ bắt đầu mở rộng vườn măng cụt.

Sớm trở thành vùng chuyên canh măng cụt

Một nông dân trồng măng cụt ở xã Thanh Tuyền cho biết hiện gia đình ông vay vốn tín chấp từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh với lãi suất 0,5%/tháng, tuy nhiên mức vay không nhiều. Trong khi đó, các quỹ khác lại quy định người nông dân phải vào tổ hợp tác và thế chấp giấy tờ mới có thể vay được vốn của quỹ, điều này gây khó khăn cho các hộ trồng măng cụt tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vào tổ hợp tác chính là giúp người nông dân trồng cây măng cụt tập trung và chuyên nghiệp hơn, biến xã Thanh Tuyền trở thành vùng chuyên canh măng cụt và tạo điều kiện để tạo lập thương hiệu tập thể để đưa măng cụt vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Còn theo ông Dưỡng, hiện nay nông dân ngại vay tiền là vì còn chưa dám giao sổ đỏ cho tổ hợp tác đứng ra vay vốn, điều này lỡ mất cơ hội cho xã Thanh Tuyền nhanh chóng phát triển vườn cây măng cụt bền vững. Thực tế hoạt động tại Tổ hợp tác măng cụt xã Thanh Tuyền cho thấy sự hiệu quả, mặc dù đến nay tổ hợp tác mới phát triển được 6 thành viên. Tổng giá trị của vườn măng cụt trong tổ hiện đạt hơn 2,6 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân mỗi tổ viên đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm…

Hiện đề án Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn liền với du lịch sinh thái của tỉnh đang được các địa phương tích cực thực hiện, trong đó có xã Thanh Tuyền. Theo đó, tới năm 2020 cây măng cụt tại xã Thanh Tuyền sẽ trở thành đặc sản và gắn liền với du lịch sinh thái, sông nước ven sông Sài Gòn. Thực hiện tốt đề án này sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

XUÂN VĨ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang