• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Nhà vườn năng động

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 05/01/2017
Ngày cập nhật: 6/1/2017

Lựa chọn những loại nông sản có giá trị, đầu ra ổn định để canh tác, hay chủ động tìm tòi sáng tạo ra các sản phẩm hàng hóa “độc, lạ” nhưng thích ứng với nhu cầu thị trường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, chính là sự năng động thường thấy đối với không ít nhà vườn trong tỉnh Hậu Giang.

Cam sành là một trong 10 loại nông sản chủ lực của tỉnh đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại xã Đông Phước, huyện Châu Thành, địa phương đã từ lâu nổi danh là quê hương của những triệu phú cam sành. Cảnh vật tuy có chút đổi thay so với thời điểm vài năm trước nhưng các vườn cây ăn trái bạt ngàn vẫn phủ xanh màu lá chạy dài theo từng tuyến lộ nông thôn.

Thu nhập khá nhờ cây trồng chủ lực

Với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nên anh Sơn (Nguyễn Văn Sơn), chủ vườn cam sành rộng hơn 1ha ở ấp Đông Lợi B, xã Đông Phước, cũng như nhiều chủ vườn trồng cây có múi khác ở địa phương không quá bận tâm đến chuyện tiền nong. Thế nhưng, theo anh Sơn, khoản lợi nhuận trên 200 triệu đồng trong năm 2016 vừa qua đã sụt giảm đáng kể so với giai đoạn 3-4 năm trước. Thời điểm mà vườn cam của gia đình anh bắt đầu cho những lứa trái “sung sức” nhất, lại thêm chưa bùng phát dịch bệnh vàng lá gân xanh như bây giờ.

Hiện vườn cam sành từ 6-8 năm tuổi của anh Sơn vẫn còn phát triển tương đối xanh tốt, tiếp tục mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. “Trước mắt, tôi sẽ duy trì vườn cam sành, chừng nào thấy không còn hiệu quả nữa mới tiến hành cải tạo”, anh Sơn khẳng định. Bởi theo anh Sơn, tuy đến nay, cây có hơi già cỗi, nguy cơ dịch bệnh tấn công cao nhưng nếu áp dụng kỹ thuật canh tác bài bản, chủ động phòng, chống tốt thì vườn cam vẫn duy trì khoản lợi nhuận hấp dẫn. Thực tế là giá cả, đầu ra của cam sành thường ổn định hơn các loại nông sản khác.

Rời nhà anh Sơn, chúng tôi tìm đến hộ anh Lâm Văn Mal, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, để tìm hiểu bí quyết thành công với cây chanh không hạt. Tuy sở hữu diện tích chỉ vỏn vẹn 0,8ha, nhưng vườn chanh của anh Mal cho thu nhập trên 400 triệu đồng mỗi năm. Anh Mal chia sẻ: “Kể từ ngày chuyển đổi sang trồng chanh, cuộc sống gia đình tôi chuyển biến rõ rệt. Đó là nhờ giá cả, thị trường loại trái cây này ít biến động. Trong khi chi phí đầu tư ban đầu thấp”.

Thực ra, trước khi chuyển sang trồng chanh không hạt vào thời điểm 4 năm trước, anh Mal trồng táo. Song cây táo dễ bị sâu bệnh phá hoại, còn giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ hạn chế nên hiệu quả không cao. Theo anh Mal, ngoài thương lái địa phương thì một số vựa trái cây trong và ngoài huyện đến thu mua sản phẩm chanh không hạt để cung ứng cho các siêu thị, nhất là xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu. Vì vậy, anh luôn chủ động áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tránh sử dụng thuốc ngoài danh mục. Mặt khác, tăng cường bón phân hữu cơ, góp phần giúp trái chanh bóng đẹp, kéo dài tuổi thọ đối với vườn cây.

Riêng trong khâu tiêu thụ, anh Mal thường chọn một đầu mối thu mua có uy tín nhất nhằm tránh tình trạng bị thương lái ép giá bán. Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho hay: Trên cơ sở xác định tiềm năng sản xuất của địa phương là cây ăn trái, ngành đã có quy hoạch cụ thể thành các vùng canh tác tập trung đối với 3 loại cây trồng thế mạnh gồm: cam, bưởi và chanh. Đồng thời, tiếp tục duy trì và cải tiến kỹ thuật trồng cây ăn trái có múi theo hướng an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nâng cao giá trị nông sản truyền thống

Với lòng đam mê, cùng sự quyết tâm thực hiện mục tiêu sản xuất ra sản phẩm “độc nhất vô nhị” mà các nhà vườn trong tỉnh, đã “biến” những loại trái cây thông thường dùng để ăn như bưởi Năm Roi, dưa hấu, thậm chí là dùng để làm kiểng như đào tiên thành “chiếc bình hồ lô”, lộ rõ các chữ vàng “tài - lộc, hay phúc - lộc - thọ” rất tinh tế, mang đậm nét phong thủy, ý nghĩa nhân sinh thiết thực để chưng trên bàn thờ gia tiên trong 3 ngày Tết cổ truyền dân tộc. Từ đó, giúp duy trì và phát triển diện tích những loại nông sản truyền thống của tỉnh.

Ngoài việc tìm tòi nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới lạ thì ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, còn chủ động đăng ký mẫu mã độc quyền về kiểu dáng khuôn bưởi hồ lô với Cục Sở hữu trí tuệ nhằm lưu truyền và phát huy giá trị trái cây truyền thống tại địa phương. Ông Thành cho biết những năm qua, ông còn hợp tác với nhà vườn, doanh nghiệp gần xa, tiến hành làm thử nghiệm thành công kỹ thuật tạo hình bưởi “lễ cát tường”, bưởi hình bản đồ Việt Nam…

Xuất phát từ quyết tâm biến ý tưởng thiết kế mẫu mã “độc, lạ” trên trái đu đủ trở thành hiện thực, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, ở xã Phú Hữu, cùng 2 người bạn khác trong nhóm đã mạnh dạn đầu tư canh tác trên diện tích đất khoảng 0,8ha vườn cây làm nguồn nguyên liệu để tạo ra dòng sản phẩm đu đủ in chữ phong thủy “có một không hai”. Chị Nhung chia sẻ: “Nhóm chúng tôi chọn đu đủ là vì nó không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày tết, nhất là muốn nâng cao giá trị loại trái cây dân dã này, biến nó thành sản phẩm không đụng hàng”.

Sau nhiều lần thử nghiệm, nhóm của chị Nhung đã thực hiện thành công và đặt nhiều kỳ vọng vào lứa trái cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Chị Nhung chia sẻ thêm: “Ban đầu, tôi lo nhiều về đầu ra sản phẩm, nhưng càng đến thời điểm cuối năm, chúng tôi càng tự tin hơn. Bởi khách hàng nhiều nơi đã gọi điện đến đặt hàng”. Cũng theo chị Nhung, đu đủ có lớp da vàng, phần chữ nổi lên tự nhiên với màu xanh đẹp mắt, như “phúc, lộc, thọ…”. Chưa kể, mỗi trái được bao bọc trong túi giấy nên không lo dư lượng thuốc hóa học bám trên bề mặt.

Bên cạnh số lượng hơn 1.000 trái đu đủ in chữ ban đầu, nhóm của chị Nhung còn làm thử nghiệm thêm khoảng 400 trái mãng cầu xiêm, có da màu vàng để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2017. Ông Trần Hồng Đức thừa nhận: Khi nhắc đến trái cây tạo hình ở Hậu Giang, người ta nghĩ ngay đến huyện Châu Thành. Đây là nơi sản sinh ra nhiều sảm phẩm “độc, lạ”, bắt mắt, thu hút khách hàng cả nước. Nhờ sự sáng tạo của nhà vườn đã góp phần gia tăng đáng kể nguồn thu nhập, giá trị nông sản địa phương và gây được tiếng vang khắp cả nước.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng: “Trong điều kiện cạnh tranh hàng hóa ngày càng gay gắt nên nhà vườn tỉnh nhà, kể cả nhà vườn huyện Châu Thành buộc phải năng động, sáng tạo, hợp tác sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng như hiện nay. Trên cơ sở đó, ngành chuyên môn tỉnh luôn đồng hành, khuyến khích nhà vườn thực hiện các ý tưởng sản xuất hay, thiết thực do bản thân họ đúc kết được, góp phần gia tăng thu nhập cho gia đình trên cùng diện tích canh tác”.

NGUYỄN GIA

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang