• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP- Hướng đi để xây dựng thương hiệu quýt Bắc Kạn

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 09/02/2017
Ngày cập nhật: 13/2/2017

Đến nay, quýt Bắc Kạn đã hình thành vùng cây hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Để xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong đó chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Quýt Bắc Kạn được đánh giá là nông sản sạch, là sản phẩm đặc sản mang nguồn gen quý của địa phương. Quả quýt Bắc Kạn tròn dẹt, đường kính từ 7 – 9cm, vỏ nhẵn, màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, mùi thơm khác biệt hẳn so với các loại quýt khác, giá trị dinh dưỡng cao… Từ những đặc trưng riêng của sản phẩm, năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Bắc Kạn. Trong đó, xác định được các tính chất đặc thù của quýt Bắc Kạn, khoanh vùng và xây dựng bản đồ vùng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt trên 12 xã thuộc 03 huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể.

Mô hình trồng quýt theo hướng VietGAP của ông Bàn Văn Thu (Thôn Phiêng An 2 – xã Quang Thuận – huyện Bạch Thông).

Sau 4 năm được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn từng bước khẳng định uy tín trên thị trường. Người dân chủ động hơn trong việc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc cây quýt, mở rộng diện tích, đem lại nguồn thu nhập cao. Đến nay, diện tích trồng cam, quýt toàn tỉnh là 2.400ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 1.800ha, sản lượng ước đạt 13.500 tấn/năm.

Với diện tích và sản lượng như hiện nay thì việc mở rộng tiêu thụ ổn định, lâu dài cho sản phẩm quýt Bắc Kạn là điều hết sức cần thiết. Mặc dù có tiếng là ngon, song thị trường tiêu thụ quýt hiện nay ổn định lại chưa ổn định, vẫn là do tư thương thu gom đem tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Việc tiếp cận và cung ứng cho thị trường lớn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở hệ thống siêu thị, bởi chưa đáp ứng được về những yêu cầu khắt khe về mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2017 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa– Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Cũng giống như một số nông sản đặc trưng của tỉnh, quýt Bắc Kạn đã là sản phẩm hàng hóa nhưng lại thiếu một số yếu tố đáp ứng những yêu cầu khắt khe của hệ thống siêu thị tại các thành phố lớn như: chưa có nhãn hiệu, mã vạch chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm… Do vậy, có được sản phẩm hàng hóa rồi nhưng làm thế nào để xây dựng thương hiệu của sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường lớn là điều cần phải tính.

Theo định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh sẽ cải tạo, trồng bổ sung, thâm canh tăng năng suất 2.300ha cây ăn quả (gồm các loại cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ), trong đó, sản xuất theo quy trình VietGAP là 300ha. Để nâng cao giá trị cạnh tranh giúp quýt Bắc Kạn vươn ra thị trường lớn thì phải đi vào canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đây là hướng đi tất yếu. Sản xuất theo quy trình VietGAP bảo đảm được các vấn đề như: Truy được nguồn gốc sản phẩm; sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Năm 2016, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP” được triển khai tại các xã trong vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (xã Quang Thuận, Dương Phong của huyện Bạch Thông với diện tích 20ha và tại xã Rã Bản của huyện Chợ Đồn với diện tích 10ha. Các hộ dân tham gia xây dựng mô hình đã được cán bộ chỉ đạo kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và đặc biệt là hướng dẫn các hộ quét vôi gốc, cắt tỉa cho cây quýt sau thu hoạch. Theo các hộ dân tham gia mô hình cho biết, khi áp dụng các quy trình kỹ thuật VietGAP cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất tăng 15-20%, mẫu mã quả đẹp hơn. Tỷ lệ quả loại 1 đạt 80% giá bán trung bình 15.000 - 18.000 đồng/kg, loại 2 đạt 15% giá bán trung bình 12.000-14.000 đồng/kg, quả loại 3 chỉ chiếm 5% giá bán trung bình 10.000 - 12.000 đồng/kg quả dễ bán. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình đã giảm được 25 - 30% chi phí thu hái, vận chuyển.

Từ mô hình sản xuất quýt thí điểm theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con đang nỗ lực duy trì và nhân rộng, giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng quả, nâng cao thu nhập. Đây là mô hình nhân giống cây trồng bao gồm những quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi nhằm đảm bảo sản phẩm, an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao giá trị thương hiệu quýt Bắc Kạn, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường, giúp sản phẩm tiêu thụ ổn định hơn và có cơ hội vươn xa./.

Lê Trang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang