• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Xu hướng lập vườn trồng cây ăn trái

Nguồn tin: Báo An Giang, 27/12/2017
Ngày cập nhật: 29/12/2017

Phong trào chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang lập vườn trồng cây ăn trái đang được nông dân các huyện: Châu Phú, Phú Tân, Thoại Sơn, Chợ Mới... (An Giang) mạnh dạn đầu tư. Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

Lâu nay, huyện Thoại Sơn nổi tiếng là vùng chuyên canh lúa lớn của tỉnh, diện tích cây ăn trái rất ít, nếu có hầu như không đáng kể. 2 năm trở lại đây, nông dân huyện Thoại Sơn đã mạnh dạn chuyển dịch diện tích đất lúa kém hiệu quả, phá bỏ những vườn tạp để lên liếp chuyên canh cây ăn trái.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Thoại Sơn Nguyễn Thanh Tuấn, khoảng cuối năm 2015, Thoại Sơn có khoảng 50ha diện tích được ND chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Đến nay, một số vườn đã cho thu hoạch, như: quýt đường (Thoại Giang), mãng cầu (Định Thành)... cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thấy thực tế đó, ND ở các địa phương khác đã mạnh dạn bắt tay chuyển đổi, lên vườn trồng cây ăn trái. Tính đến cuối năm 2017, diện tích trồng cây ăn trái của huyện đã tăng lên 350ha, chủ yếu là quýt, cam xoàn, cam sành, bưởi, mãng cầu...

Vườn bưởi da xanh ruột hồng của chú Phúc hứa hẹn vụ mùa bội thu

“Tuy ND huyện Thoại Sơn ít có kinh nghiệm trồng cây ăn trái, bù lại bà con rất giỏi trong việc xử lý đất nhiễm phèn để cân bằng độ pH, không để ảnh hưởng đến cây trồng. Bên cạnh đó, ND đa số chuyển đổi sang trồng cây có múi, dịch bệnh trên cây trồng này chưa xuất hiện, đây là điều kiện thuận lợi” - anh Tuấn nhấn mạnh.

Thấy được nhu cầu của ND, HND huyện đã chủ động đưa bà con đi tham quan các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả ở các tỉnh lân cận. Đồng thời, mở các lớp tập huấn ở các địa phương có nhu cầu chuyển đổi, kết hợp lý thuyết và thực hành, hướng dẫn ND trực tiếp thực nghiệm trên vườn cây ăn trái về cách xử lý mô, chăm sóc...

Ngoài ra, huyện còn thành lập Tổ tư vấn kỹ thuật về cây ăn trái. “Tổ tư vấn đến từng xã, thị trấn trên địa bàn để tư vấn cho ND nắm rõ hơn về kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh cũng như kỹ thuật kích thích cây cho ra trái... giúp bà con đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất”- anh Tuấn thông tin.

Không chỉ ở Thoại Sơn, các địa phương khác như: Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Tri Tôn... đã nâng diện tích đất trồng cây ăn trái lên hàng trăm ha. Đó đều là diện tích đất sản xuất kém hiệu quả trước đây.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, năm 2017, địa phương đã chuyển đổi trên 100ha sang trồng cây ăn trái từ diện tích đất lúa kém hiệu quả. Đây là mục tiêu nằm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi giống cây trồng của bà con ND, thời gian qua, Phú Tân thường xuyên tổ chức đưa ND đi tham quan các mô hình trồng bưởi da xanh, xoài ở Chợ Mới, Bến Tre, Đồng Tháp... Bên cạnh đó, huyện còn tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, hỗ trợ cho ND vay vốn đầu tư phục vụ sản xuất.

Với gần 3.000m2 đất, trước đây chú Nguyễn Tấn Phúc (ND xã Hòa An, Chợ Mới) chủ yếu canh tác các loại rau màu. Cách đây vài năm, chú Phúc mạnh dạn chuyển sang trồng mãng cầu, tuy nhiên do cây giống nhiễm bệnh nên không cho hiệu quả. Sau thời gian tìm hiểu, chú Phúc quyết định trồng khoảng 170 gốc bưởi da xanh ruột hồng. “Bên cạnh kỹ thuật canh tác thì cây giống rất quan trọng. Cho nên, đợt bưởi này mua tận gốc ở Bến Tre, không dùng giống trôi nổi” - chú Phúc phân tích.

Hiện nay, vườn bưởi của chú Phúc đã được 2 năm tuổi, những gốc bưởi lớn đã cho đợt trái tự nhiên, trung bình khoảng 2kg/trái. Chú Phúc cẩn thận từ khâu lên liếp với nhiều rãnh thoát nước nhanh, bắt mô, bón phân hữu cơ cải tạo đất... tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cây bưởi phát triển.

“Năm nay, bưởi cho trái nhiều nhưng mình lặt bớt, chỉ chừa lại mỗi cây vài trái để kiểm tra chất lượng, bán lai rai. Để bưởi cho trái sớm quá cũng không tốt, nhưng được cái, bưởi có trái to, tròn, múi mọng nước, vị ngọt thanh, nên được bà con xung quanh đặt mua...”- chú Phúc hào hứng cho biết.

ÁNH NGUYÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang