• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Xây dựng vườn cây ăn trái theo hướng chuyên canh

Nguồn tin: Báo An Giang, 20/12/2017
Ngày cập nhật: 21/12/2017

Những năm gần đây, diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh An Giang không ngừng tăng nhưng còn hỗn tạp, chưa theo hướng chuyên canh, chăm sóc chưa đúng kỹ thuật... nên chưa phát huy hết hiệu quả. Sản phẩm tạo ra chưa đạt chất lượng, khó cạnh tranh trên thị trường. Do đó, việc nghiên cứu cải tạo một số vườn tạp thành vườn chuyên canh kết hợp phát triển du lịch là hoàn toàn thiết thực.

Đầu năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với ThS Nguyễn Văn Sơn cùng nhóm nghiên cứu ở Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cải tạo một số vườn tạp trên địa bàn tỉnh An Giang phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng kết hợp phát triển du lịch”. Tổng kinh phí thực hiện đề tài gần 850 triệu đồng, trích từ nguồn sự nghiệp KH&CN. Trong 24 tháng, ThS Nguyễn Văn Sơn sẽ tiến hành khảo sát hiện trạng một số vườn tạp trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các địa phương: Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới và TX. Tân Châu. Đây là những nơi có diện tích trồng cây ăn trái lớn trong tỉnh. Trên cơ sở đó để đúc kết, đưa ra các giải pháp kỹ thuật cải tạo các vườn tạp có hiệu quả kinh tế thấp sang vườn trồng chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Trong đó, tập trung cải tạo vườn xoài, mãng cầu ta tạp, hiệu quả kinh tế thấp thành vườn chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, hoàn thiện quy trình canh tác bổ sung trên cây xoài, mãng cầu ta và cây cam xoàn theo hướng VietGAP. Đặc biệt, xây dựng hoàn chỉnh 2 mô hình chuyên canh vườn xoài ở Tri Tôn, vườn cam xoàn ở Chợ Mới (0,5ha/mô hình); 2 mô hình vườn hỗn tạp phục vụ du lịch ở huyện Thoại Sơn (chủ lực là cây dừa xiêm xanh) và ở huyện Châu Phú (chủ lực là cây nhãn ND11)... với năng suất cao hơn vườn đối chứng của nông dân (ND) từ 10-15%.

Theo ThS Nguyễn Văn Sơn, bản thân người làm vườn cần chủ động, sớm có kế hoạch cải tạo vườn tạp để đạt năng suất cao, chất lượng tốt nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thì bà con cần có kiến thức của nghề làm vườn, cụ thể là các đối tượng cây ăn quả trồng và kinh doanh trong vườn. Quan trọng hơn là phải nắm bắt thông tin thị trường về cây ăn quả cũng như chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của địa phương nói chung, nông nghiệp (NN) và cây ăn quả nói riêng; phải có nguồn lực tài chính nhất định để đầu tư và cải tạo vườn tạp... Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện đề tài, ThS Nguyễn Văn Sơn và nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành thảo luận với ND tham gia. Bắt đầu bằng việc loại bỏ những cây ăn trái khác trồng tạp trong vườn xoài, mãng cầu hiện có để chuyển thành vườn chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp tỉa cành, tạo tán, bón phân, xử lý ra hoa, bao trái, quản lý sâu bệnh… giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. “Nhóm nghiên cứu sẽ hướng dẫn, tập huấn chuyển giao những kiến thức, kỹ thuật cho các ND tham gia mô hình, các cán bộ NN, Hội ND... Khi mô hình hoàn thành giúp ND có đủ năng lực tự vận hành và mở rộng diện tích trong thời gian tới” - ThS Nguyễn Văn Sơn thông tin.

Kết quả của các mô hình trong đề tài có thể được ứng dụng và nhân rộng. Từ việc cải tạo vườn tạp, lập vườn chuyên canh cây ăn trái, ND có thể kết hợp phát triển du lịch NN. Như vậy, sẽ đem lại nhiều cơ hội cho phát triển NN cũng như đa dạng hóa các loại hình du lịch và cải thiện đời sống dân sinh cho các vùng nông thôn. “Đề tài nghiên cứu cải tạo một số vườn tạp trên địa bàn tỉnh phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng kết hợp phát triển du lịch sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương và ND. Qua đó, giúp bà con ND nâng cao kiến thức cải tạo vườn tạp, kỹ thuật canh tác tiên tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng, dễ tiêu thụ, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, cải thiện thu nhập...” - ThS Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

ÁNH NGUYÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang