• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiềm năng lớn phát triển cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 10/12/2017
Ngày cập nhật: 11/12/2017

Những năm gần đây, cây ăn trái của nước ta đã liên tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng về giá trị kim ngạch xuất khẩu, cũng như đáp ứng ngày càng tốt cho cả nhu cầu tiêu thụ nội địa. Hiện trái cây Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, nâng cao giá trị và vươn xa đến nhiều thị trường trên thế giới.

Tăng trưởng ấn tượng

Trong hơn 10 năm qua, xuất khẩu trái cây và rau quả nói chung của Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong số những mặt hàng giúp mang lại nhiều nguồn ngoại tệ cho quốc gia. Năm 2003, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta còn khá khiêm tốn ở mức 151,5 triệu USD, nhưng đến năm 2013 đã tăng lên mức 1,07 tỉ USD, năm 2016 đạt 2,458 tỉ USD, bình quân tăng 1,25 lần/năm, trong đó ước tính các sản phẩm cây ăn trái chiếm hơn 80% tổng giá trị xuất khẩu. Qua 11 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục đạt mức tăng trưởng rất cao, ước đạt 3,16 tỉ USD, tăng 43,2% so với năm 2016. Dự đoán cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta có thể cán mốc 3,5 tỉ USD. Hiện rau quả tươi của nước ta đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc…Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp, cây ăn trái của nước ta còn rất nhiều tiềm năng để phát triển tăng thêm diện tích, đa dạng thêm chủng loại và nâng cao giá trị thông qua phát triển xuất khẩu. Bởi phần lớn lượng trái cây của nước ta còn chủ yếu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu chiếm còn ít và chủ yếu mới ở dạng tươi thô.

Bán trái cây tại chợ Xuân Khánh, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Hiện nay, diện tích trồng cây ăn trái của cả nước khoảng 910.000ha, với sản lượng cho trái đạt khoảng 9,5 triệu tấn/năm. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất, chiếm trên 50% diện tích và 60% sản lượng trái cây của cả nước. Chuối hiện là loại cây có diện tích lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 19% diện tích, tiếp đến là xoài, vải, chôm chôm, nhãn… Nhìn chung, các loại cây ăn trái đều mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân có thu nhập tốt. Trên địa bàn cả nước, hiện cũng đã hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung, cho sản lượng lớn như: thanh long, xoài, vú sữa, măng cụt, chôm chôm… tại nhiều tỉnh, thành ở khu vực Nam bộ; vải thiều (Bắc Giang), nhãn lồng (Hưng Yên)… Nhiều vùng trồng cây ăn trái đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, cũng như mã chỉ dẫn địa lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã có quy hoạch 12 loại cây ăn trái chủ lực trồng tập trung ở Nam bộ là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, với khoảng 70% dân số làm nghề nông và diện tích canh tác rau, quả khoảng 1,6 triệu ha nên có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất và xuất khẩu mặt hàng rau quả. Mặt hàng rau quả của nước ta giàu tiềm năng xuất khẩu với các loại sản phẩm nhiệt đới, ngon, quý hiếm và rất đa dạng, đồng thời rau quả cũng là ngành trồng trọt quan trọng trong ngành nông nghiệp.

Hiện nay, rau, quả đứng trong nhóm sản phẩm xuất khẩu mang lại “tỉ đô” nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa chiếm 1% thị phần nhập khẩu rau quả của thế giới nên tiềm năng phát triển thị trường xuất khẩu còn rất lớn, nhất là đối với các sản phẩm trái cây. Trên thực tế, giá trị xuất khẩu trái cây của nước ta đã tăng bình quân 35%/năm trong giai đoạn 2010-2016.

Nâng cao giá trị trái cây Việt Nam

Để nâng cao hơn giá trị cho ngành trồng cây ăn trái, nhiều ý kiến cho rằng, nước ta cần quan tâm phát triển thêm nhiều chủng loại trái cây xuất khẩu gắn với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua làm tốt các công tác về chọn giống, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và các quy trình sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, phải tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, cũng như cần đầu tư đúng mức cho các khâu bảo quản, chế biến sản phẩm và phát triển xuất khẩu các sản phẩm trái cây chế biến.

Bưởi da xanh được thu mua, tập kết chờ chở đi tiêu thụ tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ông Cao Văn Hóa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho rằng: “Cần phải đầu tư cho chế biến sâu và đa dạng sản phẩm trái cây xuất khẩu, chứ bán trái cây tươi hoài giá trị không cao và dễ gặp cảnh thừa hàng dội chợ”. Theo ông Hóa, cây ăn trái hiện trở thành một trong những ngành sản xuất nông nghiệp thế mạnh của Tiền Giang. Hiện tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với diện tích từ 3.500ha trở lên và bước đầu tỉnh cũng thu hút được doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân để hình thành chuỗi giá trị ngành hàng và đầu tư phát triển một số sản phẩm trái cây chế biến. Có 7 loại trái cây tại tỉnh đã có nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) cũng cho rằng: “Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tươi, chúng ta cần tăng cường đầu tư, phát triển các sản phẩm chế biến từ các loại trái cây mà nước ta đang có nhiều lợi thế để phát triển trồng như: chuối, dứa, chanh leo (chanh dây)… Mỗi héc-ta trồng chanh leo cho thu nhập 700-800 triệu đồng/năm là bình thường, nếu ta tăng cường được khả năng chế biến, xuất khẩu”.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong định hướng phát triển tới đây, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục mở rộng diện tích một số loại cây ăn trái chủ lực có giá trị xuất khẩu như: chuối, xoài, cam, dứa, nhãn…để phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu. Đồng thời, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, hữu cơ, GAP…), đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch. Nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị xuất khẩu đồng thời tránh các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm tươi sống, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản… Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết thêm: Ngành đang hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng bình quân trên 20%/năm trong những năm tới, phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 4,5 tỉ USD, trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỉ USD (chiếm hơn 80%). Đến năm 2030 xuất khẩu rau quả đạt trên 7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu quả các loại trên 6 tỉ USD. Dự kiến tổng diện tích cây ăn trái cả nước đến năm 2030 đạt 1.200ha, sản lượng quả đạt 12,5 triệu tấn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, nước ta còn nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây do có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai, trình độ sản xuất của nông dân ngày càng nâng cao và thị trường tiêu thụ sản phẩm ở cả trong nước và thế giới còn rộng mở. Các địa phương, đơn vị liên quan cần quan tâm rà soát, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất tốt hơn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành và tăng cường liên kết với nông dân trong phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ… để ngành trái cây phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.

KHÁNH TRUNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang