• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thất mùa cam xoàn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 30/11/2017
Ngày cập nhật: 1/12/2017

Chỉ mới năm ngoái thôi, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang còn nổi danh là cái rốn của vùng nguyên liệu cam xoàn Phụng Hiệp. Nhưng năm nay, một không khí u buồn tràn ngập khi nhiều tháng liền cam bị rớt giá.

Nhà khoa học đã xuống hỗ trợ HTX cam xoàn kỹ thuật bón phân, giúp cây cứng cáp, chống rụng trái.

Mọi năm, từ tháng 6 đến giáp Tết Nguyên đán, mỗi ngày đều có xe tải, ghe lớn các loại đến xã Phương Phú đậu kín các ngả. Lái buôn ra vào nườm nượp để thu mua cam xoàn chở đi tiêu thụ. Trong vườn, cam xoàn đã căng bóng treo lung lẳng trên cây, nhà vườn phải chống đỡ bằng tre, trúc để khỏi gãy cành.

Nghề trồng cam xoàn có ở đây cũng hơn chục năm, nhưng mới rộ lên chừng 3-4 năm nay. Bởi cam xoàn đã được địa phương xây dựng vùng chuyên canh, nhãn hiệu độc quyền “Cam xoàn Phụng Hiệp”. Nhiều nhà vườn chuyển đổi từ vườn tạp, đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cam, cũng có hộ lên liếp trên đất ruộng để trồng. Hộ ít cũng trồng 2 công đất, hộ nhiều có đến gần chục héc-ta. Những gia đình trồng ít cũng thu được hơn trăm triệu đồng/công, nếu xử lý cam ra trái nghịch vụ thì lợi nhuận càng cao hơn nữa. Như gia đình ông Nguyễn Văn Tài, người có trong tay gần 3ha cam, năm 2016, trung bình ông Tài thu khoảng 3 tấn cam/công. Ông Tài còn cho cam ra trái nghịch vụ vào tháng 6 đến tháng 8 âm lịch để bán giá cao. Năm 2015, ông trúng giá nhất khi bán cam nghịch vụ được gần 50.000 đồng/kg nên thu được bạc tỉ. Còn ông Võ Văn Đê, Giám đốc HTX Cam xoàn Phương Phú năm rồi ông cũng lãi gần 200 triệu đồng vì bán cam được giá.

Vậy mà năm nay, thời tiết quá khắc nghiệt, diễn biến bất thường khiến mùa cam lâm vào không khí ảm đạm. Ông Đê cho hay: “Chưa năm nào người trồng cam ở đây lại gặp khó như năm nay. Đợt mưa giông ảnh hưởng từ các cơn bão số 12, 13 khiến cam rụng đầy gốc. Vả lại, mùa nước nổi về, nắng gắt bất thường làm cây bị nhiễm khuẩn, trái không được đẹp, gần chín thì rụng khỏi cuống. Hộ nào ít thì một nửa, nhiều thì hơn 2/3 vườn, trong khi tỷ lệ cho trái vụ này cũng không đạt. Chúng tôi đã tìm giải pháp, bón phân dưỡng cây nhưng cũng không cứu kịp. Khổ nỗi là giá lại hạ thê thảm chỉ còn 15.000 đồng/kg, mong sao năm nay lấy đủ vốn là may mắn rồi!”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tài năm nay cũng chẳng khá gì hơn. Dù ông cho trái nghịch vụ nhưng giá chỉ nhỉnh hơn đôi chút. Trong khi đó, chi phí xử lý trái nghịch vụ thì cao gấp đôi so với vụ thuận. Giá trái cam nghịch năm nay cũng không cao và chỉ hơn 30.000 đồng/kg. Ông Tài cho biết: “Vườn cam nhà tôi có nơi hơn chục năm tuổi, cây già cỗi rồi. Năm nay, tôi thuê đất khác để lên liếp trồng mới, còn những vườn cũ thì chuyển sang trồng cây khác để tránh thoái hóa đất”.

Câu chuyện cam xoàn có lẽ chưa đến nỗi thê thảm như vậy nếu cam được đưa vào siêu thị sớm hơn. Phải chi người trồng cam và thành viên HTX Cam xoàn Phương Phú quyết đoán hơn nữa trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, siêu thị lớn. Ông Võ Văn Đê nuối tiếc: “Mấy tháng trước, Tập đoàn Vingroup có đến để bàn bạc ký hợp đồng thu mua cam của HTX bán trong hệ thống siêu thị nhà phố thương mại Vincom Shophouse Vị Thanh. Giá thỏa thuận lúc này là 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thành viên ở HTX không thống nhất việc thanh toán tiền sau 15 ngày, chỉ muốn nhận ngay sau khi hái cam, vì vậy hợp đồng không thành. Chỉ sau đó một tháng, giá cam bắt đầu tụt xuống dưới 22.000 đồng/kg cho đến nay”.

Không chỉ phụ thuộc vào giá cả mà năm nay thời tiết bất lợi là nguyên nhân lớn khiến cho cam thất mùa, mặc dù kỹ thuật chăm sóc, bón phân của HTX vẫn như những năm trước. Ông Đê nhấn mạnh: HTX không thể phụ thuộc mãi vào thời tiết được. Sắp tới, vì sự sống còn của HTX và thương hiệu Cam xoàn Phụng Hiệp, HTX sẽ vận động thành viên làm nhà lưới quanh vườn cam để ngăn chặn tác hại của thời tiết. Vì chi phí đầu tư nhà lưới khá cao nên trước mắt HTX làm thử nghiệm tại một vài hộ với quy mô 1-2 công đất. Trồng cam trong nhà lưới sẽ chủ động điều khiển ra hoa, gặp mưa gió cũng không đáng ngại. Hơn nữa, HTX cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương, kết hợp với tự lực nguồn vốn để xây kho lạnh. Nhà kho sẽ chứa cam trong nhiệt độ mát bảo quản được trái tươi lâu, lưu trữ cam lúc giá thấp, chờ giá lên mới xuất bán. Ngoài ra, HTX đã sản xuất cam theo chuẩn VietGAP nên sẽ tiếp tục duy trì để giữ vững chất lượng, sản lượng đủ cung ứng nếu như có hợp đồng tiêu thụ cho hệ thống siêu thị, chợ.

Có lẽ sau mùa cam này, người trồng cam và HTX Cam xoàn Phương Phú lại càng quyết tâm, đoàn kết hơn nữa. Tất cả đã rút ra được bài học kinh nghiệm đó là quyết đoán, nhanh nhẹn, đoàn kết để cùng nhau gìn giữ thương hiệu cho cam xoàn Phụng Hiệp. Như vậy mới tạo nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương.

TRÚC LINH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang