• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đắk Lắk: Tìm hướng đi mới cho chanh dây

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 20/11/2017
Ngày cập nhật: 21/11/2017

Phát triển tự phát theo phong trào khiến cung vượt cầu, đầu ra bấp bênh, sâu bệnh hoành hành… đang là thực trạng của cây chanh dây trên địa bàn Đắk Lắk khiến nhiều nông dân điêu đứng.

Nếu như năm 2016, trung bình 1 ha chanh dây sau khi thu hoạch, trừ chi phí người trồng có thể thu về hàng trăm triệu đồng (thời điểm giá lên đến trên 50.000 đồng/kg), thì đến đầu năm 2017, giá chanh dây ở Đắk Lắk giảm mạnh, chỉ còn 10.000-15.000/kg, thậm chí có khi xuống còn 3.000-5.000 đồng/kg. Giá xuống thấp, bị thương lái ép giá đã đành, nhiều nhà vườn, thương lái đến chỉ chọn những quả đẹp hoặc có khi không mua vì chanh xấu do sâu bệnh hoặc giống không bảo đảm chất lượng.

Băng chuyền phân loại trái chanh dây của HTX nông nghiệp 714.

Trước thực trạng trên, HTX nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) đã tiên phong liên kết với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Thái An (Đắk Nông) phát triển thêm dịch vụ thu mua chanh dây, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu theo chứng nhận Thương mại Công Bằng (Fairtrade) để hướng tới xuất khẩu chanh dây sang thị trường EU. Ông Vũ Xuân Thu, Giám đốc HTX cho biết, từ trước đến nay HTX chỉ chuyên về sản xuất lúa thương phẩm và lúa giống cùng với các dịch vụ đi kèm như cày đất, tưới nước, cung ứng phân bón, giống…

Gần đây, HTX nhận thấy tiềm năng phát triển chanh dây trên địa bàn tỉnh rất lớn nhưng khâu tổ chức sản xuất không ổn, tất cả đều do nông dân trồng tự phát, không có tổ chức nào đứng ra tập hợp, liên kết họ lại để sản xuất tập trung. Để sản xuất bền vững, cần hình thành một hệ thống sản xuất chặt chẽ, từ giống chuẩn, xử lý đất theo đúng quy trình, chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật... thì trái chanh dây mới đạt yêu cầu về chất lượng. Chính vì vậy, Ban quản trị HTX đã họp bàn kỹ lưỡng và quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chanh dây nhằm liên kết các hộ trồng theo hướng chuỗi giá trị. Trước khi bắt tay vào làm, HTX đã cử người đi 5 tỉnh Tây Nguyên học tập về mô hình sản xuất chanh dây có tính tới làm theo chứng nhận Fairtrade để xuất đi các nước Châu Âu nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao.

Hiện tại, HTX đã đầu tư 1,7 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sơ chế chanh dây, trong đó, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 145 triệu đồng lắp đặt dàn máy đông lạnh để làm chanh múc, với công suất 20 tấn/mẻ (1 ngày, đêm). HTX đang quy hoạch vùng nguyên liệu chanh dây khoảng 50 ha, sản xuất theo chứng nhận Fairtrade. Hiện đã thực hiện xong giai đoạn 1 là tập huấn kỹ thuật và triển khai trồng theo quy trình tập huấn, chuẩn bị cho giai đoạn 2 là được cấp chứng nhận. Chanh dây để xuất khẩu được là loại chanh đạt các tiêu chuẩn như: 1 kg từ 8-12 quả; quả bóng, vỏ cứng, không bị trầy xước …, vì vậy, người lao động phải được trang bị kiến thức và kỹ thuật ở tất cả các khâu.

Vườn chanh dây của một hộ dân ở xã Ea Tyh, huyện Ea Kar.

Trong thời gian chờ cơ quan chức năng kiểm định đánh giá cấp chứng nhận, HTX đang liên kết với Công ty Thái An thu mua chanh dây của nông dân, với giá dao động từ 10.000 – 34.000 đồng/kg theo từng loại chanh và từng thời điểm; những quả chanh nào không đạt tiêu chuẩn xuất đi, HTX sẽ sử dụng làm chanh múc và đưa vào hệ thống cấp đông để cung ứng ra thị trường. Bình quân 1 ngày, HTX thu mua được từ 1-2 tấn quả, nếu giữ được giá này thì người trồng chanh dây có thu nhập nhập rất khá, cao gấp 5-6 lần so với 1 ha lúa nước. Công ty Thái An cũng sẵn sàng đầu tư 40 triệu đồng/ha, và thu mua với giá loại 1 là 10.000 đồng/kg, loại 2 là 5.000 đồng/kg… Tuy nhiên, để đầu tư cho 1 ha chanh dây đạt chuẩn theo chứng nhận, chi phí lên đến 200 triệu đồng/ha, là khá cao so với tiềm lực kinh tế của hộ nông dân, do đó, HTX rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con để phát triển sản xuất bền vững theo hướng mô hình chuỗi giá trị.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 ha chanh dây, với năng suất bình quân đạt từ 8-9 tấn/ha. Tuy nhiên, do đa số nông dân trồng tự phát, phát triển ồ ạt khi giá tăng cao nhưng lại thiếu hiểu biết về giống cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nên nhiều vườn bị sâu bệnh, năng xuất thấp, chất lượng kém.

Minh Thuận

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang