• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu): Nông dân khấp khởi thu hoạch mãng cầu trái vụ

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 10/11/2017
Ngày cập nhật: 13/11/2017

Anh Nguyễn Vũ Toàn (ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) thu hoạch mãng cầu.

Từ đầu tháng 11 đến nay, nông dân xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang thu hoạch mãng cầu trái vụ. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, vụ mãng cầu này năng suất cao. Nông dân rất phấn khởi vì ngoài năng suất, giá mãng cầu trái vụ cũng rất cao.

Chúng tôi đến thăm vườn mãng cầu của gia đình anh Nguyễn Vũ Toàn (ấp Thanh An, xã Láng Dài) đúng lúc vợ chồng anh đang vào ngày đầu tiên thu hoạch. Những cây mãng cầu lúc lỉu quả, hai vợ chồng anh hái đầy thùng này đến thùng khác. Anh Nguyễn Vũ Toàn cho biết, từ năm 2010, anh không còn trồng mãng cầu theo vụ chính mà hướng vào làm mãng cầu trái vụ theo hình thức cuốn chiếu (thu hoạch xong là tiếp tục làm trái vụ mới). Cứ thế, với 8 sào trồng mãng cầu, mỗi năm làm 2 vụ, trung bình 1 vụ từ 4-5 tháng anh thu hoạch được từ 7-10 tấn mãng cầu. Mãng cầu trái vụ có giá cao, dao động từ 33.000-40.000 đồng/kg (cao hơn giá chính vụ từ 3.000-5.000 đồng/kg), sau khi trừ chi phí anh có lãi từ 100-120 triệu đồng/vụ. Anh Toàn vui mừng cho biết, vụ mãng cầu này cho năng suất 10 tấn, trong đó tỷ lệ trái loại 1 chiếm một nửa.

Cách vườn nhà anh Toàn không xa, vườn mãng cầu hơn 1ha của anh Nguyễn Văn Hải hiện đã thu hoạch gần xong vụ trái năm nay, hiện anh Hải đang bắt đầu cắt cành tỉa lá làm trái để bán sau Tết. Anh Hải cho biết, mặc dù mãng cầu mới 4 năm tuổi, nhưng năng suất trái vụ của vườn nhà anh vẫn tương đối cao, đạt khoảng hơn 2 tấn/1ha.

Mùa mãng cầu chính vụ thường rơi vào tháng 7, tháng 8 âm lịch. Với mùa vụ chính này mãng cầu tự ra hoa, đậu quả và không tốn nhiều nước tưới, phân bón… Tuy nhiên, do các nhà vườn thu hoạch cùng thời điểm, dẫn đến giá mãng cầu chính vụ không cao. Vì vậy từ nhiều năm nay, người dân xã Láng Dài - vùng trồng chuyên canh mãng cầu ta đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ để nâng cao thu nhập. Tùy vào việc xử lý cây của từng hộ sẽ cho thu hoạch vào thời điểm khác nhau, giúp hạn chế tình trạng thu hoạch ồ ạt và rớt giá. Bên cạnh đó, do chủ động kích thích cây ra hoa nên năng suất mãng cầu trái vụ được cải thiện rất nhiều, vượt xa cả chính vụ.

Chị Trần Thị Giang (ấp Cây Cám, xã Láng Dài) trồng mãng cầu trái vụ trên diện tích khoảng 1ha. Theo chị Giang, trước đây, bình quân vườn mãng cầu rộng gần 1ha của chị cho năng suất vụ chính khoảng 2 tấn/vụ. Nhưng mãng cầu trái vụ năm nay chị thu hoạch được khoảng 3-4 tấn/vụ. Thêm vào đó là giá bán cao hơn nên tiền lãi từ mãng cầu trái vụ cũng tăng lên khoảng 10-15 triệu đồng/vụ.

Ông Võ Thanh Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Láng Dài cho biết, hiện toàn xã có 60ha diện tích được quy hoạch là vùng trồng chuyên canh mãng cầu ta. Những năm qua, cây mãng cầu đã trở thành cây ăn trái chủ lực của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Theo tính toán của ông Dương, toàn xã hiện có 28ha mãng cầu được trồng theo giải pháp xử lý ra hoa trái vụ, cho mức lãi 90 - 100 triệu đồng/ha/năm.

Để việc canh tác của bà con có hiệu quả, trên địa bàn xã cũng đã thành lập CLB nông dân trồng mãng cầu, trung bình mỗi tháng sinh hoạt 2 lần. Đây là nơi các bà con trồng mãng cầu trong xã chia sẻ kinh nghiệm canh tác loại cây ăn trái này sao cho hiệu quả. Ngoài ra, hàng năm, phòng NN-PTNT huyện cũng thường xuyên phối hợp với Hội nông dân địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật mới trong canh tác mãng cầu để người dân nắm bắt. “Nhờ đó mà đến nay, nhiều hộ trồng mãng cầu đã có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng mãng cầu hiệu quả, nhất là việc phát triển mãng cầu trái vụ, giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”, ông Dương nói.

Theo người dân trồng mãng cầu trái vụ, sau khi thu hoạch vụ chính xong, họ tỉa cành, tạo tán, loại bỏ các cành bị sâu bệnh và trái non. Tiếp đó bón phân chuồng hoặc bón nhiều đạm và lân cho cây phục hồi sức khoẻ. Khoảng giữa tháng 8 (âm lịch) bắt đầu tỉa trụi lá. Sau đó, ngừng tưới nước khoảng 1 tuần và phun thuốc ngừa sâu bệnh. Lượng phân bón cho một gốc cây là khoảng 10-15kg phân chuồng ủ hoai, 300-400g NPK (20-20-15), 1kg lân, 1kg phân hữu cơ và khoảng 100g Urê sữa. Và sau đó, cứ khoảng 10-15 ngày thì bón lại. Trung bình bón khoảng 8-10 đợt cho đến lúc thu hoạch.

TÂM TRÍ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang