• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: Dịch bệnh trên cây ăn trái hoành hành

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 08/11/2017
Ngày cập nhật: 9/11/2017

Thời gian qua, nhiều địa phương ở Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh... đẩy mạnh trồng cây ăn trái, bởi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại hiện nay là dịch bệnh thường xuyên xuất hiện khiến nhiều vườn cây bị thiệt hại nặng...

Nhiều vườn cây có múi ở Hậu Giang bị vàng lá.

Nỗi lo bệnh vàng lá

Với gần 31.000ha vườn, Hậu Giang được xem là một trong những địa phương phát triển mạnh về cây ăn trái hiện nay. Trái cây ở Hậu Giang được nông dân trồng đa dạng như cam sành, quýt đường, xoài, vú sữa, măng cụt… hầu như mùa nào cũng có; từ đó giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống. Ông Lê Văn Lon, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước, huyện Châu Thành (Hậu Giang), tâm sự: “Sau nhiều năm làm lúa nhưng không giàu được, bởi giá cả thấp, lợi nhuận không cao. Vì vậy, tôi chuyển gần 10 công đất sang trồng cam sành. Sau gần 3 năm chăm sóc, vườn cam cho thu hoạch tương đối khá, nhờ đó mà gia đình có đồng ra, đồng vô… chi tiêu hàng ngày và còn tích lũy chút ít. Tuy nhiên, điều khiến nông dân trồng cam lo nhất là xuất hiện dịch bệnh, dù đã tiêu tốn nhiều công sức, tiền của điều trị vẫn không khỏi”. Theo đó, vườn cam khoảng 2.000 cây của ông Lon, trong thời gian gần đây đã có gần 300 cây bị bệnh vàng lá; trị mãi không hết nên nguy cơ phải đốn bỏ để thay cây khác.

Tại Vĩnh Long, những nông dân canh tác vườn cũng ám ảnh với bệnh xuất hiện. Chị Trần Kim Thùy, cán bộ khuyến nông xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 500ha vườn trồng cam, bưởi, quýt, măng cụt… cho thu nhập cao hơn lúa. Song, vấn đề lo ngại là bệnh vàng lá gần đây xuất hiện gây thiệt hại cho nhiều diện tích vườn cây có múi”. Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, ở xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), thừa nhận: “Bà con ở đây rất chuộng cây cam sành, nhưng mối lo lớn nhất là bệnh vàng lá làm chết cây. Thời gian trước, dịch bệnh xuất hiện nhiều, sau đó ngành chức năng hỗ trợ phòng trị và tình hình có giảm; trong khi gần đây bệnh lại tái phát khiến nhiều hộ thua lỗ, phá bỏ vườn cam”. Theo bà Nguyễn Thị Thu Ba, cán bộ khuyến nông xã Thông Hòa, toàn xã có hơn 1.000ha vườn cây ăn trái, trong đó cam sành chiếm hơn 50% diện tích. Vườn cây cho hiệu quả cao gấp mấy lần so cây lúa, nhưng cái khó là dịch bệnh chưa khống chế được nên nông dân chẳng an tâm canh tác.

Ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nơi chuyên canh quýt đường và quýt hồng cho hiệu quả kinh tế rất cao, giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Tuy nhiên, dịch bệnh hoành hành làm cho nông dân phải mất ăn mất ngủ. Ông Lê Văn Ni, ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, chua chát: “Gia đình tôi canh tác hơn 1,5 công quýt, đây cũng là nguồn thu chính nuôi sống cả nhà. Vậy mà từ đầu năm 2017 đến nay, vườn quýt xuất hiện vàng lá rải rác nên tôi mua thuốc về trị. Tuy nhiên, càng trị thì mầm bệnh lây lan càng nhiều; đến nay có khoảng 1/3 diện tích vườn bị bệnh, không khỏi được”.

Khống chế không để lan rộng

Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, bệnh thối rễ trên cây có múi xuất hiện và gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương như Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang… Triệu chứng của bệnh là lá bị vàng xuất hiện trên một vài nhánh hoặc cả cây. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên trên lá già, sau đó đến các lá non. Đối với rễ thì dễ bị thối, tuột vỏ làm mất khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ. Dịch bệnh này do nhiều tác nhân gây ra, trong đó có nguồn gốc phát sinh từ đất, quá trình chăm sóc, sử dụng phân, thuốc, cây giống không đảm bảo… Ông Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cho rằng: “Gần đây, không chỉ vườn quýt hồng mà nhiều vườn quýt đường cũng bị bệnh vàng lá, thối rễ. Đây là loại bệnh có xu hướng lan rộng, gây thiệt hại lớn cho nông dân; vì vậy rất mong các nhà khoa học, ngành chức năng hỗ trợ giải pháp. Hiện tại, ngoài một số yếu tố khác thì nông dân nghi ngờ sử dụng nhầm phân, thuốc kém chất lượng nên bệnh không giảm, mà còn tăng thêm”.

Trước tình hình trên, các ngành chức năng huyện Lai Vung đã cậy nhờ các nhà khoa học giúp sức. Qua khảo sát thực tế, PGS-TS Trần Văn Hâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: “Đa phần cây có múi thường bị bệnh vàng lá thối rễ, đây không phải là bệnh mới, mà đã xuất hiện từ những năm trước. Sau đó, các nhà khoa học đã hướng dẫn nông dân biện pháp dập được dịch và tình hình có giảm nhiều; tuy nhiên nay đột nhiên bùng phát trở lại. Do đó, cần phải thực hiện cuộc điều tra mới biết được nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát lần này”. Trước mắt, các nhà khoa học đề nghị nông dân áp dụng quy trình phòng trị bệnh vàng lá thối rễ, cần sử dụng hóa chất tiêu diệt nấm salizum, làm cho vườn thông thoáng nhất là trong mùa mưa, vì mưa dầm sẽ úng rễ. Bên cạnh đó, hạn chế bón phân đạm, tăng cường bón kali để giúp cây tăng sức đề kháng; cắt bỏ bớt trái nhằm tập trung dưỡng cây...

Trong lúc các ngành chức năng nỗ lực tìm giải pháp phòng chống dịch bệnh thì xuất hiện một số người tự xưng là của các công ty sản xuất hóa chất, kinh doanh vật tư nông nghiệp… có khả năng trị hết bệnh vàng lá bằng phương pháp chích thuốc hóa chất vào cây. Không ít nông dân ở Hậu Giang, Cần Thơ… nghe theo cách này. Ông Lê Văn Hồng, canh tác 10 công cam sành ở quận Cái Răng (thành phố Cần Thơ), tiết lộ: “Họ chích thuốc thẳng vào cây bị bệnh, ban đầu lá rụng hết, nhưng sau đó cây ra đọt non trở lại và cho trái. Tuy nhiên, cũng có nhiều cây cam bị chết luôn sau khi tiêm thuốc…”.

Nói về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, tiết lộ: “Hậu Giang hiện có gần 2.000ha vườn cây có múi bị bệnh vàng lá (nhiều nhất là cam sành) nên ngành chức năng và người dân rất lo. Song, bệnh vàng lá vẫn chưa có thuốc đặc trị dứt điểm. Do đó, người dân không nên nghe theo lời quảng bá sản phẩm này, chế phẩm nọ… có thể chữa trị hết ngay căn bệnh vàng lá, từ đó làm theo dẫn đến tốn kém chi phí; chưa kể các hóa chất dùng để chích vào cây là kháng sinh không được phép sử dụng”. Ông Thể lưu ý, thời gian qua có một vài loại phân bón lá dùng để tưới, hoặc phun trên lá có thể giúp cho cây bị bệnh xanh trở lại trong thời gian ngắn. Thế rồi sau đó bệnh vẫn tái phát, chứ không khỏi hẳn được… Các ngành chức năng đang nỗ lực khống chế dịch bệnh, không để lây lan thêm.

HƯNG TÂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang