• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Định hướng phát triển cho ngành dừa

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 27/10/2017
Ngày cập nhật: 29/10/2017

Hiện dừa tươi của Bến Tre đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: Mã Phương

Dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre. Giá cả của trái dừa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 160 ngàn hộ dân (chiếm hơn 50% tổng dân số của tỉnh). Hàng năm, các nhà máy chế biến có nhu cầu nguyên liệu hơn 900 triệu trái.

Trong khi đó, hơn 71 ngàn héc-ta dừa của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 600 triệu trái/năm nhưng giá dừa nguyên liệu vẫn ở mức thấp. Nghịch lý này được các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp làm rõ tại phiên thảo luận chuyên đề “Ngành dừa phát triển dựa vào tài nguyên bản địa và phát triển thị trường”.

Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị dừa

Ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến Tre cho biết, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm xây dựng tỉnh Bến Tre trở thành thủ phủ dừa của khu vực và cả nước, tỉnh đang tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 330 của UBND tỉnh về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi từ những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dừa. Tiếp tục điều tra, nghiên cứu, xác định những cây trồng, vật nuôi xen trong vườn dừa phù hợp ở từng vùng.

Cụ thể, tỉnh đang đầu tư phát triển Trung tâm Dừa Đồng Gò thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển toàn diện ngành dừa của quốc gia. Trung tâm thực hiện đủ các chức năng, gồm: bảo tồn và lưu trữ nguồn gen, sản xuất và cung cấp giống, nghiên cứu chuyển giao sản phẩm mới, xây dựng mô hình vườn dừa hữu cơ mẫu; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với thực nghiệm sản xuất của các doanh nghiệp chế biến dừa trong tỉnh và khai thác không gian du lịch, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và ẩm thực về dừa.

Tỉnh cũng thực hiện liên kết với các tỉnh trong khu vực để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất, hướng tới sản xuất an toàn bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, trong kỹ thuật trồng, chăm sóc chú trọng canh tác theo hướng hữu cơ, khuyến cáo nông dân tưới nước, bón phân cho dừa; nhân rộng mô hình nuôi ong ký sinh tại hộ gia đình, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật trẻ hóa vườn dừa.

Phát triển vườn dừa Organic

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 165 ngàn héc-ta dừa, trong đó diện tích cho sản phẩm là 130 ngàn héc-ta, tập trung chủ yếu ở các vùng duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích dừa của Việt Nam chỉ bằng 4,3% diện tích của Indonesia, 5,1% diện tích của Philippines, 8,6% diện tích của Ấn Độ và 41% diện tích dừa của Thái Lan. Thời gian qua, cả diện tích và sản lượng dừa tại các quốc gia trên thế giới có dấu hiệu chựng lại.

Dừa của Việt Nam chiếm tỷ lệ không đáng kể trong bản đồ dừa thế giới. Tại Việt Nam, dừa Bến Tre chiếm khoảng 50% diện tích dừa cả nước và tăng đều trong các năm gần đây. Đặc biệt, dừa của Bến Tre trung bình cho từ 70 - 80 trái/cây/năm, chỉ thấp hơn dừa của Brazil. Trong 5 năm qua, nhu cầu về sản phẩm từ dừa tăng rất lớn trên thế giới, chủ yếu là sản phẩm dầu dừa và nước dừa đóng lon. Hiện giá trị xuất khẩu của dừa Bến Tre đạt khoảng 150 triệu USD/năm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp - Thành viên nhóm nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long cho biết, trong thời gian tới, giá dừa xuất khẩu tại các thị trường lớn sẽ giảm xuống do sự cạnh tranh. Khi đó, vấn đề thương hiệu sản phẩm và chất lượng tự nhiên an toàn với sức khỏe con người sẽ trở thành “phao cứu sinh” cho các sản phẩm dừa.

“Trong tổng diện tích hơn 71 ngàn héc-ta dừa của Bến Tre mới chỉ khoảng 7 ngàn héc-ta dừa được chăm sóc theo hướng Organic, một tỷ lệ rất nhỏ so với diện tích hiện có. Đây là thực trạng cần phải thay đổi nhanh để đảm bảo sự cạnh tranh tại các thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng tại các thị trường lớn nếu không truy xuất nguồn gốc sẽ không thể trở thành sự lựa chọn của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VINAMIT chia sẻ.

Ông Nguyễn Lâm Viên lưu ý, 3 yếu tố quan trọng trong phát triển tài nguyên bản địa ngành dừa, đó là mối quan hệ hữu cơ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng; truyền thống một vẻ đẹp bất toàn (vẻ đẹp hình thức của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không thể so sánh với hóa học); am hiểu thị trường tiêu dùng và giữa các nhà sản xuất cần phải tham gia trong một hiệp hội.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương lưu ý thêm đối với Bến Tre, cần chú trọng tập trung xây dựng quảng bá thương hiệu dừa ngay khi có chỉ dẫn địa lý.

Mã Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang