• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Bài học từ cây bưởi Diễn ở Đông Sơn

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 10/10/2017
Ngày cập nhật: 12/10/2017

Năm 2012, Hội Làm vườn tỉnh Ninh Bình đưa dự án trồng bưởi Diễn về với vùng đất khó Đông Sơn, người dân nơi đây đã vô cùng phấn khởi. Nhiều niềm tin và hy vọng được thắp lên trong lòng người nông dân bao năm tìm tòi cây trồng hiệu quả, phù hợp với đồng đất của mình để xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, dự án đã không mang lại hiệu quả như người dân mong đợi, đến nay trên 70% số giống bưởi Diễn được dự án cung cấp không cho “trái ngọt” khiến người dân tổn thất không nhỏ.

Vườn bưởi Diễn của gia đình anh Nguyễn Văn Trọng ở thôn 3, xã Đông Sơn.

Đưa dự án về vùng đất khó

“5 năm về trước, Đông Sơn vẫn còn là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh cũng như thành phố Tam Điệp. Bởi vậy, Đảng bộ và chính quyền xã luôn trăn trở, tìm tòi và đưa vào thử nghiệm những giống cây, con mới với mục đích tăng hiệu quả trên một đơn vị canh tác. Và thực tế, đã có nhiều sự chuyển dịch thành công, điển hình như việc đưa vào phát triển cây dưa hấu, cây thanh long, cây sắn dây…

Tuy nhiên, ngoài cây đào phai thì Đông Sơn vẫn chưa tìm được cây trồng chủ lực nào mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Chính vì thế, năm 2012, khi Hội Làm vườn tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Tam Điệp triển khai dự án trồng bưởi Diễn tại thôn 3 với diện tích khoảng 3 ha, người dân nơi đây đã rất hồ hởi đón nhận.

Để đảm bảo cho dự án thành công, xã đã phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh, Phòng kinh tế thành phố lựa chọn 10 hộ gia đình tham gia dự án. Đây là những hộ có kinh nghiệm, có kỹ thuật và đặc biệt là đam mê trong trồng trọt”- ông Lê Văn Lâm, cán bộ Hội Nông dân xã Đông Sơn cho biết.

Ông Lưu Đức Đàn (thôn 3), là một trong những hộ được lựa chọn để thực hiện dự án khi đó. Trang trại của gia đình ông có diện tích 2,2 ha gồm đất 313 và đất đấu thầu 50 năm. Vùng đất này trước đây trồng chè, nhưng do cây chè không có hiệu quả nên vợ chồng ông chuyển sang trồng vải, trồng các cây ngắn ngày như ngô, lạc, sắn dây, dưa hấu, dưa lê, phật thủ… Ông Đàn nhẩm tính: Hiệu quả kinh tế từ thâm canh các cây trồng ngắn ngày ước tính đạt khoảng 7 triệu đồng/sào/năm. Như vậy mỗi năm với diện tích hơn 2 ha, thu nhập của gia đình ông cũng đạt gần 400 triệu đồng/năm.

Mặc dù trồng thâm canh các cây ngắn ngày cho thu nhập cao nhưng chăm sóc rất vất vả nên vợ chồng ông quyết định cải tạo vườn để trồng cây ăn quả lâu năm. Năm 2012, khi Hội Làm vườn tỉnh đưa Dự án trồng cây bưởi Diễn về Đông Sơn, ông Đàn được lựa chọn tham gia dự án. Ông được cán bộ dự án về tập huấn hướng dẫn kỹ thuật ban đầu tỉ mỉ và được nhận hỗ trợ 270 cây giống cùng 6 tạ phân lân nung chảy. …

Sau 3 năm trồng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm của bản thân, một số cây bưởi Diễn đã ra quả bói và niềm tin của ông Đàn cũng như những người tham gia trồng bưởi Diễn ở Đông Sơn càng cao hơn khi thương lái bắt đầu tìm về Đông Sơn để thu mua bưởi với giá khá cao gần 20.000 đồng/quả.

Tuy nhiên 5 năm chờ đợi, mặc dù ông đã tìm hiểu và chăm sóc đúng kỹ thuật ngay từ khi làm đất theo hướng dẫn của Hội Làm vườn tỉnh nhưng 270 cây bưởi Diễn của gia đình ông Đàn chỉ có khoảng 60 cây là cho quả và có thu nhập, còn lại hơn 200 cây không ra quả hoặc ra quả cứng nhắc, màu xanh sậm không thể ăn được. Thắc mắc về giống cây bưởi Diễn được dự án cấp, ông Đàn đã tìm đến những vùng chuyên trồng bưởi Diễn để tìm hiểu. Sau khi tìm hiểu, ông nghi ngờ giống bưởi không ra quả ở vườn nhà ông là giống bưởi tạp.

Trước tình huống đó, ông đành bán đi hơn 100 gốc bưởi tạp với giá vài trăm nghìn/cây. Hơn 100 cây còn lại, ông đang tiếp tục tìm giải pháp hợp lý để cải tạo. Ông Đàn nhận xét: Nếu nói về cây bưởi Diễn trên đất đồi Đông Sơn phải khẳng định thực sự mang lại hiệu quả hơn hẳn so với cây trồng truyền thống trước đây như vải, dưa hấu. 1 cây bưởi có thể cho đến 300 quả với giá 15.000 đồng/quả.

Như vậy vườn nhà tôi có 60 cây thì thu nhập cũng đạt gần 200 triệu đồng. Nếu tất cả các cây bưởi khi đó đều cho hiệu quả thì giá trị của nó lớn vô cùng. Nhưng do giống bưởi của Dự án khi đó không phải là giống chuẩn nên tỷ lệ cây cho quả quá ít.

Cách không xa vườn ông Lưu Đức Đàn là vườn bưởi Diễn của gia đình anh Nguyễn Văn Trọng. Anh Trọng cho biết: Năm 2012, tham gia dự án, gia đình anh được hỗ trợ 200 cây bưởi giống và phân bón. Gia đình đã thuê máy về đào hố đúng kỹ thuật rộng, dài, sâu 1m và bón phân, hạ cây ban đầu theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ.

Sau 3 năm, cây bắt đầu ra bói nhưng cũng chỉ được khoảng 50 cây là có hiệu quả kinh tế, số cây còn lại không ra quả hoặc ra quả không ăn được. Lo lắng về vườn cây nhà mình, anh Trọng nhiều lần ý kiến với cán bộ phụ trách nông nghiệp của thành phố Tam Điệp nhưng không thấy có sự giải thích nào nên đã mời những người trồng bưởi Diễn về tư vấn kỹ thuật.

Qua xem xét, họ đều nhận định phần lớn giống bưởi nhà anh Trọng trồng không phải giống bưởi Diễn thuần chủng. Vì tiếc công chăm sóc, chờ đợi nên anh Trọng quyết tâm không bán cây mà để lại theo dõi và cải tạo. Hiện anh Trọng đã tiến hành cắt một số cây bưởi tạp để ghép mắt bưởi Diễn chuẩn.

Theo phản ánh của người dân, hiện tượng phần lớn cây bưởi Diễn không có hiệu quả không chỉ xảy ra tại vườn bưởi của gia đình ông Lưu Đức Đàn, anh Nguyễn Văn Trọng mà xảy ra ở tất cả các hộ tham gia dự án trồng bưởi Diễn trên địa bàn xã Đông Sơn. Sau 5 năm không hiệu quả, nhiều hộ gia đình đã bán toàn bộ cây bưởi trong vườn để quy hoạch lại vườn trồng giống cây khác. Một số hộ còn lại tâm huyết với cây ăn quả lâu năm đã tự xoay xở vì tiếc công chăm sóc, chờ đợi.

Tuy nhiên, theo như anh Nguyễn Văn Trọng thì dù là dùng biện pháp cắt ghép, hay tiếp tục cải tạo thì người dân vẫn sẽ phải mất thêm 3 năm nữa chờ cây ra quả bói. Như vậy, người dân phải mất hàng chục năm để chờ đợi 1 cây bưởi có hiệu quả hay không. Thời gian quá dài cho người nông dân được xóa đói, giảm nghèo. Anh Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh: “Trước mắt, người dân Đông Sơn đang rất mong một lời giải thích từ phía các cơ quan chức năng”.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn ngậm ngùi: Đưa cây, con mới vào thử nghiệm ở những vùng đất khó là một hướng đi đúng, kịp thời nhằm hỗ trợ người nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, kết quả của dự án trồng bưởi Diễn ở Đông Sơn đã không thành công như mong đợi. Với người trồng bưởi thì đang gánh chịu tổn thất không hề nhỏ. Chúng tôi mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ sớm có những giải pháp khắc phục để cây bưởi Diễn thực sự trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Bài học chưa bao giờ cũ

Gần 10 năm chờ đợi cây trồng có hiệu quả hay không là một thách thức đối với người dân đang mong muốn xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng thực tế, những người đưa dự án trồng bưởi Diễn về Đông Sơn vẫn chưa có một cuộc điều tra, đánh giá về hiệu quả của dự án. Chỉ sau khi có phản ánh về những thiệt hại mà người trồng bưởi Diễn ở Đông Sơn đang phải gánh chịu, Hội Làm vườn tỉnh mới vào cuộc để điều tra và tìm cách khắc phục những tổn thất mà người trồng bưởi đang gặp phải. Giải pháp kỹ thuật đó có thể là hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là nếu có sự vào cuộc tích cực, thường xuyên hơn từ phía những người có trách nhiệm thì thiệt hại đối với người trồng bưởi sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.

Vườn bưởi của ông Đinh Thế Lữ được chăm sóc đúng kỹ thuật, cho chất lượng quả ngon.

Bưởi không ra quả - đâu là nguyên nhân?

Để tìm hiểu về nguyên nhân cây bưởi Diễn ở Đông Sơn không ra quả, chúng tôi đã gặp ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh. Nhận định về vấn đề này, ông Miền cho rằng: Một cây ăn quả mới được đưa vào trồng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp như do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp; cũng có thể do chất lượng nguồn giống không đảm bảo, do kỹ thuật đào hố của người dân chưa đảm bảo theo đúng yêu cầu, bởi nếu đào hố sâu quá thì cây cũng không thể cho chất lượng.

Và một nguyên nhân quan trọng nữa mà ông Miền nhắc tới, đó là có thể do “lại mắt ghép”, nghĩa là trong quá trình chăm sóc, người dân đã quan sát sự phát triển của các mắt bưởi, họ đã để lại mắt bưởi phát triển tốt và ngắt mắt bưởi kém phát triển hơn. Tuy nhiên, sự thực thì mắt bưởi tốt lại chính là loại bưởi dại. Việc cắt nhầm mắt bưởi có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bưởi kém chất lượng như hiện nay.

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra, đó là liệu chất đất đồi ở Đông Sơn có thực sự phù hợp để trồng loại bưởi này? Chúng tôi tìm đến ông Đinh Thế Lữ, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh và cũng là người có kinh nghiệm, tâm huyết trong trồng cây bưởi Diễn. Ông Lữ dẫn chúng tôi ra thăm khu vườn trồng bưởi Diễn có tuổi đời hơn 20 năm của gia đình ông cũng nằm trên địa bàn thôn 3 xã Đông Sơn.

Mỗi năm, một cây bưởi nhà ông cho thu hoạch từ 1,5-2 triệu đồng, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến thu mua bởi chất lượng rất ngon, đúng chuẩn bưởi Diễn. Bằng kinh nghiệm của một kỹ sư trồng trọt với hàng chục năm gắn bó với cây bưởi Diễn, ông Lữ khẳng định, chất đất ở Đông Sơn rất phù hợp để phát triển cây bưởi Diễn.

Đối với nguyên nhân do kỹ thuật trồng hoặc chăm sóc, anh Nguyễn Văn Trọng cho rằng: “Gia đình tôi đã làm theo đúng kỹ thuật mà cán bộ hướng dẫn từ khâu đào hố đến bón phân, chăm sóc. Tôi cũng đã tích cực tìm hiểu kỹ thuật trồng bưởi Diễn trong sách cũng như thực tế. Hiện nay có những cây bưởi của gia đình tôi cho 300 quả/vụ”. Và một nguyên nhân quan trọng nữa mà ông Miền nhắc tới, đó là có thể do “lại mắt ghép”.

Với những nguyên nhân này, có thể thấy phần lớn lỗi là do các… chủ vườn. Điều này làm cho người ta suy nghĩ, vậy ngay từ khâu đào hố đến quá trình chăm sóc, thậm chí là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của bưởi đó là chọn cắt mắt thì dường như không thấy bóng dáng của các nhà chuyên môn trong việc hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, do đó họ tự mày mò và làm theo kinh nghiệm.

Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, ngay lập tức, Hội Làm vườn tỉnh đã về kiểm tra lại khu vườn bưởi Diễn của Dự án. Qua kiểm tra cho thấy, trên 70% số cây bưởi Diễn là chưa có hiệu quả. Ngay sau đó, Hội Làm vườn đã đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này. Ông Miền cho biết: Hội sẽ hỗ trợ để giúp người dân cắt ghép những giống bưởi Diễn thuần chủng trên gốc bưởi Diễn không hiệu quả hiện nay…

Chúng tôi hy vọng, người dân sẽ giảm bớt thiệt hại trong dự án trồng bưởi Diễn lần này. Với hướng giải quyết này, theo tính toán của các nhà chuyên môn thì chỉ sau 2 năm nữa vườn bưởi của các hộ dân sẽ cho quả và chất lượng bưởi chắc chắn được đảm bảo.

Khép lại câu chuyện về việc trồng cây bưởi Diễn ở Đông Sơn, chúng tôi cũng như người trồng bưởi nơi đây có thêm hy vọng những vườn bưởi Diễn sẽ cho kết quả tốt trong một vài năm tới. Tuy nhiên, đây có thể xem là một bài học đắt giá cho vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Nếu sự vào cuộc ấy tích cực hơn từ phía các nhà khoa học, sự sát sao của chính quyền địa phương nơi thụ hưởng dự án thì thiệt hại đối với người dân sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.

Tăng cường hơn nữa mối liên kết “4 nhà”

Cây bưởi Diễn đã được đưa vào trồng ở xã Đông Sơn được 5 năm và trở thành “mô hình điểm” cho sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp bền vững của thành phố Tam Điệp. Đã có nhiều cuộc khảo sát, tham quan của Phòng Kinh tế thành phố Tam Điệp đối với mô hình trồng bưởi này, nhưng đáng tiếc lại chưa có sự đánh giá về hiệu quả của mô hình.

Mặc dù nhiều người dân thôn 3, Đông Sơn cho biết họ cũng đã phản ánh về tình trạng cây bưởi không có quả với cán bộ phụ trách nông nghiệp của thành phố Tam Điệp nhưng đến nay chưa có phản hồi từ phía chính quyền. Cũng theo ý kiến của anh Nguyễn Văn Trọng: Vài năm đầu khi triển khai dự án, cán bộ dự án có về kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nhưng sau khi cây ra quả bói thì không có cơ quan nào về đánh giá chất lượng cũng như sự thành công của dự án.

Bởi vậy, khi có sự phản ánh về hiệu quả không cao của Dự án trồng bưởi Diễn ở Đông Sơn, ông Lê Văn Minh, Phó Phòng Kinh tế thành phố Tam Điệp tỏ ra ngỡ ngàng. Ông Minh cho biết: Tôi là một trong những người đi khảo sát trồng bưởi Diễn ở Đông Sơn cùng với Hội Làm vườn tỉnh nhưng đến nay chưa có người dân nào phản ánh về tình trạng bưởi Diễn không ra quả.

Hôm nay chúng tôi mới nhận được ý kiến của những người trồng bưởi thông qua báo chí. Và khi được hỏi về trách nhiệm của Phòng Kinh tế thành phố khi dự án gặp rủi ro, ông Minh cho rằng: “Vì đây là dự án do Hội Làm vườn tỉnh triển khai và thành phố chỉ hỗ trợ về việc chọn địa điểm triển khai, bởi vậy, thành phố không liên quan về những kết quả của dự án trồng bưởi ở Đông Sơn”.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn cho rằng: Việc đưa những giống cây, con vào trồng thử nghiệm ở vùng đất mới luôn là việc làm khó, nhất là đối với dòng cây ăn quả lâu năm, bởi lẽ với loại cây này, cả người dân và người làm dự án phải chờ đợi nhiều năm mới có thể đánh giá được dự án có thành công hay không.

Và nếu dự án không thành công, thì việc chặt bỏ cây và tìm cây thay thế sẽ là một sự lãng phí lớn về thời gian, sự đầu tư, công sức và cả tâm huyết của người làm vườn. Tuy nhiên, nếu chỉ có sự nỗ lực của riêng những nhà khoa học thì chưa đủ, mà đòi hỏi phải có sự phối kết hợp, tinh thần trách nhiệm của chính quyền nơi đặt dự án.

Vẫn biết rằng, mọi sự thay đổi, mọi sự “thử nghiệm” đều có thể thành công hay thất bại, song vấn đề đặt ra là nếu có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính quyền, nhà khoa học và người nông dân xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án thì hiệu quả của các dự án này hẳn sẽ thành công hơn. Hoặc nếu không thành công đúng như kỳ vọng thì với sự sát sao đồng hành cùng nhà nông, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng sẽ sớm có cách xử lý, khắc phục kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.

Qua sự việc cây bưởi Diễn ở Đông Sơn cho thấy, những khó khăn, hạn chế trên có thể khắc phục được sớm nếu dự án được cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn từ xã tới tỉnh quan tâm sát sao hơn, kịp thời có những báo cáo, kiến nghị để tìm ra cách giải quyết thì hậu quả sẽ giảm đi nhiều.

Trong thời gian tới, vẫn còn rất nhiều người dân, nhiều miền quê chờ đợi từ cơ quan chuyên môn việc nghiên cứu, tìm tòi và đưa về những giống cây trồng phù hợp để làm thay đổi bức tranh kinh tế ở vùng khó.

Được biết, sắp tới Hội Làm vườn tỉnh sẽ thực hiện dự án đưa giống bưởi đỏ ở Hòa Bình và bưởi Nghệ An vào trồng tại một số địa phương trong tỉnh. Vẫn là sự cẩn trọng, tâm huyết và vẫn là sự đầu tư nghiên cứu trước khi đưa dự án này về với người dân.

Tuy nhiên, nếu sớm quên bài học đắt giá về sự lỏng lẻo trong liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và chính quyền địa phương như ở xã Đông Sơn thì thành công của dự án không có gì đảm bảo? Và sự e ngại của người nông dân khi tiếp nhận bất kỳ một dự án mới nào cũng là điều khó tránh khỏi.

Nguyễn Thơm- Đào Hằng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang