• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hòa Bình: Huyện Kim Bôi phát triển vùng cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 30/08/2017
Ngày cập nhật: 31/8/2017

Định hướng phát triển vùng cây ăn quả, cây có múi đang mang lại những tín hiệu vui tại nhiều xã trên địa bàn huyện Kim Bôi (Hòa Bình).

Trung tuần tháng 8, chúng tôi đến thăm một số xã phát triển vùng cây ăn quả của huyện Kim Bôi. Mỵ Hòa là một trong những xã phát triển mạnh các loại cây ăn quả có múi. Trên địa bàn đã hình thành khu sản xuất cam, bưởi.

Chủ tịch UBND xã Bùi Xuân Hoàn cho biết: Mỵ Hòa là xã giáp Nông trường Thanh Hà - vùng sản xuất hàng hóa từng cho hiệu quả cao của tỉnh. Cây có múi đưa vào đồng đất Mỵ Hòa từ năm 2013. Đến nay, xã có thể đi lên từ trồng cây ăn quả có múi. Từ một số hộ tiên phong trồng cam theo mô hình liên kết 50/50 đã hình thành phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang trồng cam, bưởi ở hầu hết các xóm. ý thức và trình độ thâm canh của nông dân đang được cải thiện, thực hiện các quy trình chăm sóc bảo đảm kỹ thuật. Năm ngoái, mới vào thời kỳ kinh doanh, năng suất cam đạt khoảng 20 tấn/ha, giá bán bình quân cam Canh 20.000 đồng/kg, cam V2 32.000 đồng/kg, tính ra thu nhập đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần trồng mía. Nhiều hộ có hàng trăm triệu đồng từ bán cam.

Xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) phát triển diện tích cam lên 175 ha, trong đó, cam kinh doanh khoảng 45ha.

Đến nay, diện tích cam toàn xã Mỵ Hòa đạt 175 ha, trong đó, cam kinh doanh 45 ha, hiện phát triển tốt, dự tính năng suất, sản lượng tăng mạnh, nếu giá bán ổn định sẽ mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân. Xã không lo lắm về đầu ra của sản phẩm bởi theo mô hình liên kết, các đối tác sẽ lo đầu ra cho cam. Mặt khác, vụ trước chất lượng cam cũng được các thương lái đánh giá cao.

Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa Bùi Xuân Hoàn cho biết thêm: Xã đang định hướng, chỉ đạo nông dân trồng cam theo quy hoạch của huyện, đặc biệt là tập trung đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất để sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Không chỉ ở vùng đất Mỵ Hòa mà nhiều xã như: Kim Tiến, Nam Thượng, Sào Báy, Tú Sơn, cây cam, bưởi phát triển tốt. Vụ này hứa hẹn năng suất và sản lượng tăng cao, đem lại những cơ hội mới hình thành vùng sản xuất hàng hóa của huyện. Ngoài sản phẩm cây có múi, cây nhãn đang phát triển và cho hiệu quả cao tại một số xã trên địa bàn, nhất là vùng Thượng Bì và Sơn Thủy. Riêng xã Sơn Thủy đang bước vào vụ thu hoạch nhãn. Toàn xã có 110 ha, trong đó, 58 ha cho thu hoạch, sản lượng vụ này ước đạt 700 tấn với giá bán hiện tại đem về thu nhập hơn 17 tỷ đồng.

Phong trào phát triển cây ăn quả được các xã và người dân chú trọng, bước đầu hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung với các sản phẩm chính như cam lòng vàng, cam V2, cam đường, bưởi Diễn, bưởi da xanh, nhãn Hương Chi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất và hiệu quả cao, tạo bước chuyển tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trồng trọt và đời sống nhân dân.

Với định hướng và những chính sách hỗ trợ, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh. Năm 2011, toàn huyện có khoảng 100 ha cây ăn quả các loại, trong đó cây có múi 45,5 ha. Đến nay đã phát triển khoảng 1.128 ha, trong đó, cam 390 ha, bưởi 415 ha, chanh 77 ha, tập trung ở các xã: Tú Sơn, Nam Thượng, Sào Báy, Kim Bôi, Mỵ Hòa… 231 ha nhãn tập trung ở các xã: Sơn Thủy, Thượng Bì. Một số diện tích thời kỳ kinh doanh ban đầu cũng cho hiệu quả khả quan. Bình quân thu nhập cây có múi từ 350-400 triệu đồng/năm.

Huyện Kim Bôi đang rà soát quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi đạt 1.200 ha tại 20 xã. Trong đó, cây cam khoảng 675 ha, bưởi 500 ha, quýt 25 ha, phấn đấu 70-80% diện tích kinh doanh có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Để thực hiện mục tiêu này, các xã đang xây dựng kế hoạch phát triển vùng cây ăn quả theo hướng tập trung đầu tư thâm canh, quan tâm tới các nguồn giống có chất lượng, ứng dụng tiến bộ KH-KT, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị xây dựng vùng sản xuất hàng hóa bền vững.

Lê Chung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang