• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất cây giống “lợi bất cập hại”

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 23/08/2017
Ngày cập nhật: 25/8/2017

Mít giống hiện đã trầm lắng trong khâu tiêu thụ, chỉ một số có hợp đồng trước mới có thể xuất bán.

Sau đợt thiên tai hạn mặn năm 2016, giá cây giống tăng đột biến. Nhiều nhà vườn ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre đốn cây ăn trái đang trong độ tuổi cho thu hoạch để trồng cây giống. Không ít nhà vườn chỉ trong thời gian chưa đầy một năm đã thu lợi nhuận hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Chạy... theo cây giống

Nhân lúc cây giống “cháy hàng”, nhiều nhà vườn ở Chợ Lách, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc đã mạnh dạn loại bỏ cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn để chuyển sang trồng cây giống. “Chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi vẫn trồng 3 công mít giống. Ai ngờ sau 8 tháng, có lái đến mua cả vườn, với giá 750 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hạ vườn cây ăn trái, lên liếp và các chi phí khác, tôi còn lãi hơn 500 triệu đồng, như trúng số. Nếu để 3 công đất trồng chôm chôm đang ảnh hưởng mặn thì kiếm lãi 100 triệu đồng là khó khăn lắm”, anh N.V.T ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho biết.

Cùng trong thời gian đó, tại xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, vợ chồng anh M. mới được gia đình cho ra ở riêng và cho nửa công đất. Do chưa đủ tiền cất nhà, anh M. trồng mít giống. Vườn mít giống trồng chỉ hơn 6 tháng tuổi, thương lái đến mua hết. Vợ chồng anh M. thu lãi hơn 60 triệu đồng. Những thông tin về các trường hợp như anh T., anh M. đã nhanh chóng lan rộng và len lỏi vào tận vườn nông dân. Từ đó, nhiều nhà vườn không tiếp tục chăm sóc để giải độc mặn cho cây mà đốn luôn để trồng cây làm giống. Theo thống kê từ giữa năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Chợ Lách có hơn 150ha đất, chủ yếu vườn cây ăn trái đặc sản ở các xã Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B, Long Thới… người dân đã chuyển đổi sang trồng cây làm giống. Tổng số cây giống của Chợ Lách trong năm 2017 hơn 26 triệu cây (tăng hơn 6 triệu cây so với năm 2016).

Lý giải vấn đề này, một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho rằng, có trường hợp vườn chôm chôm cần nguồn lao động lớn, nhà vườn không đáp ứng được, có trường hợp đất bị nhiễm mặn quá nhiều và cũng có trường hợp do chạy theo lợi nhuận, người dân chuyển đổi.

Bên cạnh đó, tổng diện tích cây giống ở 2 huyện Mỏ Cày Bắc và Châu Thành trong năm 2017 tăng lên khoảng 350ha. Ước tính sơ bộ năm 2017, tổng số cây giống toàn tỉnh tăng lên khoảng 20 triệu cây các loại.

Sức tiêu thụ giảm

Ngày 21-8-2017, tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, 30 ngàn cây cam mắt ghép của vườn nhà anh B.V.P. đã quá ngày giao theo hợp đồng hơn một tháng qua nhưng đối tác vẫn chưa tới lấy hàng. Mỗi ngày anh P. phải tốn thêm chi phí phân, thuốc khoảng 300 ngàn đồng để chăm sóc cho cây. “Cuối năm ngoái sốt giá, tôi nhận tiền cọc 10 triệu đồng để cung cấp 30 ngàn cây cam mắt ghép, với giá 8.000 đồng/cây. Nhưng nay giá xuống thấp, thương lái cứ hẹn qua điện thoại chứ chưa xuất hiện lần nào. Mặc dù tôi đã chủ động đề xuất hạ giá xuống còn 5.000 đồng/cây. Tôi vẫn chưa biết phải làm sao với số cây này, bỏ thì lỗ quá nặng, tiếp tục chăm sóc thì tốn chi phí quá nhiều”, anh P. trăn trở.

Sản xuất cây giống phải dùng nhiều phân, thuốc sẽ góp phần khiến đất bạc màu và không thể phục hồi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vườn cây của anh P. cùng một số vườn cây giống mới được hình thành từ đầu năm 2017 đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Chỉ có một số ít chủ vườn nhạy bén chuyển đổi sang cây giống trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9-2016 mới trở thành những “tỷ phú” cây giống. Nhưng đợt xuống giống vụ tiếp theo cũng đang trong cảnh “không biết sẽ bán cho ai”. Nhiều đại lý, nhà vườn ở huyện Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách cho biết, giá cây giống đã giảm khá sâu so với tháng trước. Hiện, sầu riêng chỉ dao động từ 70 - 80 ngàn đồng/cây, giảm hơn 30 ngàn đồng/cây; mít còn khoảng 10 ngàn đồng/cây, giảm hơn 20 ngàn đồng/cây. Bưởi da xanh mắt ghép và các loại cây có múi khác, giá giảm hơn phân nửa nhưng tiêu thụ chậm. Đã xuất hiện tình trạng người dân bán tháo để thu hồi vốn.

Trong khi đó, phong trào đốn cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt để trồng cây giống vẫn còn diễn ra. Các nhà vườn này lý giải, họ tin tưởng uy tín và thương hiệu cây giống Bến Tre, cũng như các tỉnh, thành khác không sản xuất được cây giống nên chắc chắn cây của họ không sớm thì muộn cũng sẽ bán được.

Nguy cơ đất bạc màu

Ông Ngô Thành Tạc ở ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho biết, sau khoảng 8 năm trồng cây giống, diện tích đất của ông đã hết dinh dưỡng, hiện chỉ có thể làm mặt bằng treo bầu trồng hoa Tết chứ không cách gì có thể cải tạo được. “Trong năm 1997, cây giống trúng giá dữ lắm, tôi chặt cây ăn trái trồng cây giống. Tôi đã thường xuyên chuyển đổi nhiều chủng loại cây giống trên diện tích đất sản xuất. Thế nhưng, khoảng 8 năm sau, lớp đất mặt phù sa bạc màu, vô phương phục hồi. Tôi đã lên mô trồng cây ăn trái nhưng được khoảng một năm là rễ cây mọc khỏi mô, đụng phèn chết. Miếng đất đó giờ chỉ có thể bơm cát lên cất nhà chứ không trồng gì được nữa”, ông Tạc cầm nắm đất sét vàng phèn nói.

Theo ông Tạc, miếng đất của ông chỉ có lớp mặt phù sa, với chiều sâu khoảng 3 gang tay người lớn. Sau 8 năm trồng cây giống đã bị lấy đi mất khoảng 2,5 gang tay. “Bây giờ, nhiều loại cây vô bầu kết hợp độn thêm mụn dừa nên diện tích đất mặt bị lấy đi sau mỗi vụ có thể ít hơn trước kia chút ít. Nhưng trong khoảng thời gian đó, năm nào cũng có lũ về, phù sa bồi đắp nay thì đê đắp kín rồi. Ngoài việc lớp đất phù sa mặt bị bứng đi hàng năm, ông Tạc còn khẳng định, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để lại trong đất cũng nguy hiểm không kém. Bởi cây giống luôn phải sống với mật độ rất dày, bộ rễ cần rất nhiều phân, thuốc mới sống khỏe được. Trường hợp cây đã vô bầu thì rễ càng hẹp hơn, trong giai đoạn này, người trồng phải chăm bón lượng phân thuốc càng nhiều hơn nữa để cây có thân, lá đẹp dễ bán.

Bà Võ Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, việc nhiều nhà vườn chạy theo sản xuất cây giống như hiện nay nếu xét về lâu dài thì có hại nhiều hơn là cái lợi trước mắt. “Mất lớp đất phù sa mặt trong điều kiện lũ không về tới như thời gian qua và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất là 2 vấn đề rất nguy hiểm cho ngành nông nghiệp. Tôi khẳng định rằng, mình đã có không ít thông tin về nhiều thửa đất sau thời gian trồng cây giống đã không phục hồi được. Hiện nay, vấn đề này nan giải. Chúng tôi đang xin kinh phí từ Trung ương để thực hiện dự án nghiên cứu khoa học chứng minh rõ về những điều đó cho nông dân được biết, cũng như tìm giải pháp để phục hồi phần nào dinh dưỡng cho những thửa đất đã bạc màu nghiêm trọng ấy”, bà Hà thông tin.

Mã Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang