• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thức dậy “vàng xanh”

Nguồn tin: Báo Yên Bái, 5/2/2016
Ngày cập nhật: 10/2/2016

Tôi theo hương quế ngọt ngào ngược dòng sông Hồng về Văn Yên (Yên Bái) - mảnh đất được ví như “thủ phủ” của quế - loại cây rừng mộc mạc, thuần khiết nhưng ẩn chứa những giá trị kinh tế vô cùng lớn.

Xuân trên vùng quế Văn Yên. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Hơn khi nào người dân hiểu được giá trị của rừng và lần đầu tiên sản phẩm quế được tôn vinh như sản vật quý tại Lễ hội Quế Văn Yên tổ chức lần thứ nhất năm 2015, làm ấm lòng người dân bản địa, thắp sáng niềm tin trọn đời ơn Đảng, ơn Bác Hồ kính yêu…

Chẳng nhớ cây quế có ở đất Văn Yên từ khi nào, chỉ biết rằng, những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, đồng bào Dao ở xã Đại Sơn đã trồng đồi quế “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Cũng từ đây, cây quế gắn bó khăng khít, thủy chung với đồng bào các dân tộc trong huyện, đưa Văn Yên trở thành địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với trên 23.000 ha, tập trung chủ yếu ở 8 xã vùng cao là Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn và Đại Sơn.

Bỏ lại sau lưng những thăng trầm, biến động của thị trường, vượt lên những thách thức của thời gian, cây quế đã có vị trí xứng đáng trong cơ cấu cây trồng của huyện khi khẳng định giá trị hơn hẳn lúa, ngô và các loại cây trồng truyền thống khác, trở thành cây kinh tế chủ lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chính tham gia vào thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái.

Sánh ngang với quế Trà My của tỉnh Quảng Nam hay quế Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi về hàm lượng tinh dầu, sản phẩm quế của huyện Văn Yên đã tham gia vào thị trường xuất khẩu và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan và khắp Đông Âu... Được biết, mỗi năm, huyện Văn Yên khai thác khoảng 1.000 ha quế, sản lượng quế vỏ khô xấp xỉ 7.000 tấn, sản lượng cành lá tận thu khoảng 55.000 tấn, gỗ quế 40.000 mét khối và gần 300 tấn tinh dầu quế được chiết xuất, giá trị thu về gần 400 tỷ đồng.

Người trồng quế đất Văn Yên dẫu vẫn biết cây quế có nhiều giá trị và công dụng nhưng cũng chẳng thể ngờ quế lại quý đến thế. Quế được ví như thể “vàng xanh” - thứ tinh chất thuần khiết chắt chiu từ linh khí của trời đất, kết hương trong khí thiêng của đại ngàn và sự gắn bó máu thịt, cần cù, chịu thương, chịu khó, chứa đựng cả những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân bản địa.

Càng tự hào hơn khi quế Văn Yên nằm trong số 16 sản phẩm trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Giờ đây, cây quế không chỉ còn là biểu tượng tinh thần của riêng đồng bào Dao trên đất Văn Yên mà được người dân trong huyện ý thức phát triển và bảo tồn nguồn giống quý. Sự tri ân hậu hĩnh của rừng, nhất là khi điệp trùng đồi núi được chăm chút bởi ngút ngàn một màu xanh của quế đã trả về người trồng rừng Văn Yên những giá trị kinh tế lớn đến không ngờ.

Ít thấy ở đâu có những nông dân giàu như nông dân trồng quế ở Văn Yên. Với 60 ha quế hiện có, trong đó có trên 40 ha quế trồng từ 25 năm đến trên 30 năm; đặc biệt có gần 200 cây quế giá trị 40 triệu đồng/cây và hơn 100 cây giá trị trên 30 triệu đồng/cây, ông Đặng Nho Quyên ở thôn Thác Cá, xã Mỏ Vàng đang là nông dân người Dao sở hữu số tài sản trị giá lên tới trên 50 tỷ đồng từ trồng quế. Và chuyện những nông dân có tài sản cỡ chừng tiền tỷ từ trồng quế ở đất Văn Yên không còn là điều hiếm thấy.

Lạc vào Đại Sơn - một trong 4 địa phương nằm trong vùng lõi khu bảo tồn nguồn giống quế của huyện, chẳng thể không vui, không ngỡ ngàng háo hức trước cuộc sống ngày một đủ đầy, sung túc của người dân. Mùa quế 2015 tiếp nối một mùa bội thu khi thị trường xuất khẩu quế trên thế giới ít biến động, giá quế tiêu thụ trong vùng ổn định, đem về cho người trồng quế Đại Sơn gần 50 tỷ đồng.

Hiện, xã Đại Sơn có gần 3.000 ha quế đã trồng và đang cho khai thác. Bên cạnh đó, hàng năm, xã thực hiện trồng mới và trồng bổ sung vào diện tích đã khai thác khoảng hơn 150 ha nên đất đai ở địa phương này chẳng còn nơi nào là đồi hoang, núi trọc. Tỷ lệ che phủ rừng đã chiếm 70%, đạt mục tiêu nghị quyết Đảng bộ xã đề ra. Nói như Bí thư Đảng ủy xã Bàn Phúc Minh: “Cây lúa, cây ngô đã bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ của địa phương, thế nhưng quế mới là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính”.

Trồng quế đã trở thành một nghề và những dịch vụ ăn theo cây quế đang được mở ra, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong vùng. Huyện Văn Yên hiện có trên 200 doanh nghiệp kinh doanh và chế biến quế đứng chân trên địa bàn. Riêng xã Đại Sơn có 1 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế, 6 cơ sở thu mua và sơ chế quế, mỗi năm giải quyết việc làm cho không dưới 150 lao động nông nhàn.

Không ly hương, ly nông, người Dao, người Tày, người Kinh ở Đại Sơn nói riêng và các vùng quế vẫn thủy chung, tâm huyết gắn bó với đất rừng quê hương và cây đặc sản quế để làm giàu cho mình, cho địa phương, đưa quế trở thành cây trồng đầu tiên của huyện xây dựng được thương hiệu uy tín.

Miên man với chuyện của người trồng quế, đến thôn 3, gặp Trưởng thôn Lý Văn Lâm tôi mới phần nào hiểu vì sao người dân ở đây luôn coi quế là cây xóa nghèo và làm giàu. Cả thôn 3 có hơn bảy chục hộ nhưng diện tích ruộng nước chỉ có chưa đầy 14 ha. Người dân trong thôn sống chủ yếu dựa vào rừng mà quế là cây chủ lực. Tính trung bình mỗi hộ có chừng từ 3 - 5 ha quế. Theo kinh nghiệm và cách tính toán của Trưởng thôn Lâm, tiếng là cây trồng lâu năm nhưng chỉ từ năm thứ 3 trở đi, quế đã cho khai thác tỉa. Mươi, mười lăm năm sau thì đây thực sự là số tiền tiết kiệm lớn, là của để dành không sợ trượt giá. Chẳng thế mà dẫu đường đất đi lại trong thôn còn khó khăn, cách trở nhưng thôn 3 đã có đến gần nửa số hộ có nhà xây khang khang cỡ chừng bạc tỷ.

Trò chuyện với Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Minh, con trai của cụ Hoàng Văn An - người đã 2 lần được gặp Bác Hồ và cũng chính là người khởi xướng phong trào trồng đồi quế “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” ở xã Đại Sơn và huyện Văn Yên, anh Minh cho hay, hiện gia đình anh đang là một trong 2 hộ của xã tham gia vào Đề án bảo tồn giống quế của huyện, trong đó 20 cây quế gần 30 năm tuổi của gia đình đã được huyện lựa chọn để bảo tồn nguồn giống tốt.

Được biết, mục tiêu của Đề án sẽ đưa 12,5 ha quế cây có đường kính 30 cm trở lên, có chiều cao 15 m trở lên tại 4 xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu để bảo tồn nguồn giống và làm tiền đề phục vụ phát triển du lịch mà Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ Nhất với chủ đề “Cây quế Văn Yên hội nhập và phát triển” đã thể hiện rõ quyết tâm của huyện trong việc quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm quế nhằm thu hút đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch với bạn bè trong nước và quốc tế.

Rời miền đất quế, mang ước vọng của người dân gửi vào xuân mới, tôi thêm tin với lợi thế mà đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mở ra, rồi đây cây quế sẽ hội nhập và phát triển mạnh mẽ, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của một vùng đất thiêng…

Minh Thúy

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang