• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Về Hòa Nam nghe chuyện làm giàu

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng, 20/10/2016
Ngày cập nhật: 21/10/2016

Xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 4.378,78 ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp 3.097,21 ha. Đây là vùng đất mà nhiều cư dân từ miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp. Kinh nghiệm trồng lúa, trồng ngô thuở trước cũng chỉ giúp bà con đắp đổi trong những ngày học trồng cây công nghiệp trên đất cao nguyên. Hòa Nam, hơn một thập niên trước, những ngôi nhà xây, ngói đỏ chỉ là những dấu chấm lẻ loi trong bức tranh không nhiều điểm sáng. Hòa Nam ngày đó nặng lắm một chữ nghèo. Còn bây giờ..!

Một góc Hòa Nam

Những ngày cuối thu 2016, về lại Hòa Nam, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến khó ngờ. Con đường liên xã hai bên cỏ mọc dày thuở trước, nay đã được bê tông nhựa hóa. Màu xanh ửng lên nhiều sắc độ bởi đa dạng các loại cây trồng.

Theo giới thiệu của người quen, tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Trung, một điển hình trong nhiều hộ nông dân sản xuất giỏi của huyện Di Linh. Trên gương mặt sạm nắng gió, nông dân Nguyễn Văn Trung vui vẻ sau vụ mùa thắng lợi. Với 3,5 ha, diện tích tầm tầm bậc trung chứ chưa phải đã nhiều so với những hộ nông dân khác, nhưng cái cách mà anh Trung làm là phải làm sao “đất ít, thu nhập nhiều”. Phát huy kinh nghiệm bao đời làm nghề nông, tìm hiểu những kiến thức mới và điều đặc biệt là đất Hòa Nam thật diệu kỳ, không chỉ phù hợp với cây cà phê, cây chè mà còn phù hợp với nhiều loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bơ, măng cụt, mắc ca… Sau khi trồng thử nghiệm, cộng với việc thực hiện các kỹ thuật chăm sóc được anh tham khảo từ kinh nghiệm của những nông dân tỉnh bạn và kiến thức tìm tòi từ sách báo, anh Trung đã quyết định trồng xen các loại cây gồm cà phê, sầu riêng, măng cụt trên cùng diện tích 3,5 ha. Anh Trung cho biết, việc trồng xen các loại cây tuy vất vả, đòi hỏi tỉ mỉ và cần mẫn trong chăm sóc, nhưng bù lại sẽ giảm được rất nhiều chi phí đầu tư khác như làm cỏ, phân bón, nước tưới. Cách làm ấy, mỗi năm, gia đình anh Trung thu hoạch không dưới 15 tấn cà phê, 10 tấn sầu riêng và khoảng 1,2 tấn măng cụt. Với giá cả hiện nay, trừ đi các khoản chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh thu được hơn 1 tỷ đồng.

Thành quả có được của anh Trung bắt nguồn từ định hướng xây dựng xã giàu của Đảng bộ xã Hòa Nam. Muốn đạt được điều đó, Hòa Nam không thể chỉ bám vào cây chè, cây cà phê như trước mà phải cơ cấu lại giống, cây trồng, thực hiện đa canh, đa cây, đẩy mạnh chăn nuôi. Đảng ủy xã Hòa Nam đã thống nhất rất cao trong việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong đó, điểm đột phá là quyết liệt đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp như: chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi bằng giống mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đảng ủy đã giao UBND và Hội Nông dân xã giữ vai trò chủ đạo công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp và chăn nuôi; chú trọng mô hình trồng xen canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; học tập các mô hình ở các địa phương bạn có thể áp dụng vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để từ đó định hướng cho nhân dân. Đảng ủy xã cũng xác định rằng đây là việc làm cần thiết và có lộ trình thích hợp, không giục tốc, không chạy theo thành tích. Sự vững chắc của sự đổi mới cần được thực hiện trên cơ sở hiệu quả và sự đồng thuận của nhân dân. Chính vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, thành công hay thất bại, bài học nào phải rút kinh nghiệm; khắc phục và phát huy như thế nào đều phải dựa vào dân, nhờ dân hiến kế, nhân dân thực hiện.

Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và chính nhân dân đã từng bước tiến hành thay đổi giống mới cho năng suất cao bằng biện pháp ghép cành. Đến nay, toàn xã đã có trên 60% diện tích cây cà phê được ghép cành và 100% diện tích cây chè được chuyển đổi. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, địa phương đã vận động nhân dân áp dụng một số mô hình trồng xen canh cà phê cùng sầu riêng, bơ, tiêu, mắc ca phù hợp với điều kiện của từng hộ. Sự đồng tâm, hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã làm cho diện mạo Hòa Nam ngày càng khởi sắc.

Đến năm 2015, nhân dân xã Hòa Nam trồng xen canh 273,6 ha sầu riêng; 58,6 ha bơ, hồ tiêu; hàng chục ha măng cụt. Ngoài ra, một số hộ còn mạnh dạn đầu tư kết hợp mô hình vườn - ao - chuồng; trồng cây lấy gỗ; đầu tư lấy ngắn nuôi dài phù hợp với điều kiện ở địa phương. Tính đến giữa năm 2016, hầu hết các thôn đều có các mô hình canh tác hiệu quả, cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Vậy nên, chuyện làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như anh Nguyễn Văn Trung không phải là chuyện hiếm.

Hòa Nam có trên 2.400 hộ, 10.045 khẩu, trong đó, 90% là người dân gốc Nam Định vào lập nghiệp; một số hộ dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình vượt đường xa ngàn dặm định cư vùng đất mới. Toàn xã chỉ còn 190 hộ nghèo, giảm đi khá nhiều so với 5 năm trước. Hộ khá ở Hòa Nam tăng đáng kể.

Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Bằng, thôn 2, Hòa Nam. Ông Bằng có tới 12 ha chuyên canh cây sầu riêng đã cho thu hoạch 3 năm nay, trong đó 2 ha ở Hòa Nam, 10 ha ở Hòa Bắc. Sau bao năm lận đận, thất bát, đến năm 2014, vườn sầu riêng nhà ông Bằng thu được hơn 100 tấn; năm 2015 thu 200 tấn và năm 2016 này, ông Bằng ước thu trên 300 tấn. Sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón, tiền lương 20 nhân công 400 triệu đồng, cộng với tiền đầu tư hệ thống nước tưới tự động gần 2 tỷ đồng nữa, thì năm nay thu nhập của gia đình ông không dưới 10 tỷ đồng. Đây là con số mà ngay cả ông Bằng cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

Không còn cõng nặng chữ nghèo của hơn thập niên trước, bây giờ về Hòa Nam, Di Linh tôi đã nghe những câu chuyện làm giàu và cây sầu riêng thu về bạc tỷ; tôi được tận mắt chiêm ngưỡng sự sang trọng của những ngôi biệt thự miệt vườn, những ngôi nhà xây mới khang trang; đã thấy những chiếc ô tô xuôi, ngược trên các con đường nhựa nối xã, liền thôn. Cuộc sống giàu có đang từng ngày len lỏi trong từng đường thôn, ngõ xóm. Hòa Nam vững vàng bước vào thời hội nhập.

Toàn xã có trên 30 hộ “tỷ phú miệt vườn”, trong đó tốp đầu danh sách có mức thu nhập từ 5 đến 10 tỷ đồng/năm.

VĂN TÒA - CAO THANH

Các tin mới:

21/10/2016
21/10/2016
21/10/2016
21/10/2016
21/10/2016
21/10/2016
21/10/2016
21/10/2016
21/10/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang