• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đi đúng hướng, cam xoàn sẽ... không xoàng!

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 07/02/2016
Ngày cập nhật: 12/2/2016

Không ồn ào, rầm rộ như cam sành, cam mật, hơn thập niên qua, cây cam xoàn vẫn âm thầm gieo lộc cho nông dân Hậu Giang bằng những vụ mùa bội thu. Nhiều người cho rằng, cam xoàn không chỉ là cây trồng “xóa nghèo” mà đã trở thành cây “làm giàu” của nông dân Hậu Giang.

Những trái cam xoàn trĩu trịt trên cây bao năm qua đã giúp người dân Hậu Giang làm giàu dù chỉ với diện tích nhỏ.

1kg cam bằng 5kg lúa

Những năm gần đây, giá cam cam xoàn tại các chợ, vựa trái cây luôn đứng ở mức cao, từ 27.000-30.000 đồng/kg, lúc mùa nghịch có giá cao từ 40.000-50.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho thị trường. Trong khi chi phí đầu tư cho một công cam xoàn từ 10-15 triệu đồng, cây trồng khoảng hơn 2 năm là cho thu hoạch, mỗi năm 2 đợt trái (chính vụ và nghịch vụ). Lợi nhuận cao hơn rất nhiều loại cây khác, trong khi nhu cầu của thị trường hiện nay lại lớn nên nhiều nông dân ở thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp đang chuyển hướng đầu tư. Cũng nhờ cam xoàn mà nhiều gia đình đã phất lên vì luôn được thương lái tìm mua với giá cao. Nhiều nhà vườn ở đây so sánh, 1kg cam bằng 5kg lúa, mỗi cây cho giá trị trên 1 triệu đồng/năm. Theo nhẩm tính, mỗi tấn cam, nông dân lời không dưới 30 triệu đồng.

Với đặc trưng của loại quả ngon ngọt, mọng nước, được thị trường ưa chuộng, ngoài ra, cam xoàn có đặc điểm cho trái tăng theo từng năm nên nhiều nông dân chọn là cây trồng chủ lực. Nhiều gia đình chỉ với diện tích nhỏ chưa đầy 2 công đất cũng có thể làm giàu. Như gia đình của anh Cao Văn Tiên, ở ấp 5, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, với 90 gốc cam xoàn được trồng gần 10 năm nay đã đem về lợi nhuận khá cho gia đình, bình quân mỗi gốc cam xoàn hiện giờ cho gần 100 kg/năm. Đặc biệt là khoảng 3 năm nay, từ vườn cam xoàn này đem lợi nhuận cho gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh Tiên nói: “Tuy cây cam này khó trồng, cực lúc bón phân, bồi gốc. Nhưng nhìn chung khỏe hơn làm lúa rất nhiều”.

Theo chân anh cán bộ kỹ thuật xã Long Trị A, tôi về ấp 4, xã Long Trị A, thăm lão nông Đặng Văn Em, 59 tuổi - là người đầu tiên mang cây cam xoàn gắn kết với nông dân xứ này. Dẫn lối chúng tôi là những vườn cam lá xanh mướt. Thỉnh thoảng bắt gặp một vài vườn trái vẫn chưa thu hoạch, trĩu trịt trên cành, quả no tròn mê mẩn lòng người. Đi bộ qua chiếc cầu tre nhỏ, tôi bước vào một căn nhà mát mẻ, khang trang, đầy đủ tiện nghi, gặp ngay lão nông nổi tiếng “làm liều” - người mà hơn chục năm trước đây dám “bỏ gừng theo cam”. Nghe câu chuyện khởi nghiệp của ông Đặng Văn Em mà trong lòng ứa lệ. “Hơn 10 năm ra riêng, số vốn của gia đình tôi chỉ còn 1 công, đất ruộng cha mẹ cho phải cầm cố để nuôi 6 đứa con ăn học. Quần quật vừa làm thuê vừa làm ruộng nhà, trồng hết cây nọ đến cây kia trên 1 công đất còn lại mà khá không nổi, chuyển sang trồng gừng cũng đủ cơm ngày qua bữa. Lúc đó tôi cứ nghĩ, ước mơ chuộc đất chỉ có thể là trong chiêm bao”, ông Em nhớ lại.

Thế rồi từ lời tư vấn của người bạn hàng bán cây giống ở chợ Long Mỹ bảo rằng cam xoàn cho trái rất ngọt mà giá cao, ông quyết định lên liếp trồng cam. Lúc đầu, ông mua 100 nhánh cam xoàn của người bán hàng đã giới thiệu mà còn “thiếu chịu” 30 cây. Từng ngày chăm chút, bón phân, thấm thoát hơn 2 năm trôi qua, cây cam không phụ lòng người, ra hoa, đậu quả, dâng tặng cho ông những trái chiếng tươi ngon, tròn trịa. Ông nói tiếp: “Đất phèn Long Trị A trồng lúa còn khó trúng vậy mà cam xoàn lại rất tốt. Cây sàng lọc chất phèn chua thành vị ngọt. Không biết vì trời thương hay cây không phụ lòng người chăm bón mà ra trái đều và đẹp, nhìn đã mắt lắm!”. Cũng từ mùa cam năm đó mà cuộc sống của ông bắt đầu sang trang mới. Dù chỉ bán với giá 7.000 đồng/kg, nhưng số tiền thu về nhiều gấp mấy lần so với thu nhập từ ruộng lúa. Đến mùa trái tiếp theo, cam tiếp tục hút dinh dưỡng, cho trái trĩu trịt hơn. Nối tiếp thành công vụ 3, vụ 4, nhà ông Em chật hơn vì xe gắn máy trong nhà hai, ba chiếc, ti vi, tủ lạnh đầy đủ. Sau 9 mùa trái, ông Đặng Văn Em tiếp tục cải tạo liếp, đắp mô mới để bắt đầu trồng chu kỳ cam thứ hai.

Loại cam ngày xưa bị chê “xoàng xĩnh”, giá trị không bằng củ gừng nay đã làm nên chuyện. Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà vườn nghe tiếng đến thăm tấp nập. Chỉ 10 năm nay, cam xoàn đã chiếm lĩnh vùng đất Long Trị A, trở thành cây trồng chủ lực. Từ khi có cam xoàn, nhiều nhà ngói, nhà tường trong xứ này thay phiên nhau mọc lên. Tôi chợt choáng ngợp khi được anh cán bộ kỹ thuật xã chỉ tay vào ngôi nhà “to đùng” mới xây của chủ 3 công cam xoàn trị giá nửa tỉ đồng của ông Phạm Vũ Phong. Một mình ông Phong làm vườn dư sức nuôi cha mẹ già cùng vợ, hai con đang tuổi ăn tuổi lớn. Từ khi bén duyên với cam xoàn, dân nhà vườn ở đất Long Trị A này đủ đầy, dư sức lo chuyện chi xài, cho con học hành, mua sắm tiện nghi trong gia đình.

Ông Đặng Văn Em (phải) là người đầu tiên mang cam xoàn về Long Trị A trồng, từ nghèo khó, nay trở nên khá giả.

Khẳng định thương hiệu

Trái cam xoàn còn “gieo lộc” đến nhiều nơi như Châu Thành A, Phụng Hiệp. Có thể nói, xã Phương Phú thành công trong chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, một phần cũng nhờ vào cây cam xoàn. Hệ thống hợp tác xã ở đây vững chắc, phát triển đều nhờ vào mô hình trồng cam xoàn. Ông Võ Văn Đê, Giám đốc Hợp tác xã cam xoàn Phương Phú, khoe: “Năm rồi, hợp tác xã lời bạc tỉ nhờ cam xoàn trúng giá. Tuy hợp tác xã chỉ có 10ha thu trái chiếng nhưng hiệu quả vượt hơn cả mong đợi”.

“Thủ lĩnh” vườn cam xoàn lớn nhất Hợp tác xã là anh Sáu Tài (Nguyễn Văn Tài), ở ấp Phương An A. Dù chỉ mới hơn 40 tuổi đời mà anh là chủ của 26 công vườn, trong đó có 19 công cam xoàn. Anh Tài chia sẻ: “Trước kia, tôi trồng mía, lam lũ quanh năm mà thu về chẳng được bao nhiêu. Nhưng chỉ sau 4 năm trồng cam đã phất lên hẳn. Mỗi năm thu về cũng vài trăm triệu đồng. Nhờ đó, năm nay tôi mới cất được thêm 1 căn nhà nữa để có chỗ mở rộng dịch vụ buôn bán cây giống, chứa phân, thuốc dự trữ cho cây”.

Mỗi năm, vào dịp tháng 7, tháng 8 âm lịch, xe thu mua lũ lượt kéo về các vườn cam thu mua trái, cung hàng ra tận chợ, siêu thị ở Hà Nội.

Huyện Phụng Hiệp đã dành hẳn một nghị quyết phát triển vùng chuyên canh trồng cam cho xã Phương Phú và các xã lân cận. Theo kế hoạch, xã Phương Phú sẽ mở rộng đất trồng chuyên canh cam xoàn để tạo vùng nguyên liệu, phát triển vùng cam hàng hóa và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Văn Lẫy cho rằng: “Thời gian tới, thông qua Đề án 1.000, các đề tài, dự án khoa học, huyện Phụng Hiệp sẽ tập trung chính sách quản lý, hỗ trợ người dân phát triển vùng chuyên canh cam xoàn. Ngành nông nghiệp huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng biện pháp tiên tiến vào chăm sóc cây cam, quản lý giống cam và việc triển khai xây dựng vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Không những vậy, Huyện ủy chỉ đạo xã, các ngành vận động các hộ sản xuất cam ở đây cùng nhau liên kết, thành lập tổ hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, vùng cam xoàn mới phát triển mạnh mẽ và xây dựng bền vững thương hiệu.

Hơn 1 năm qua, Hợp tác xã cam xoàn Phương Phú thu lời bạc tỉ chỉ với hơn 3ha cam xoàn cho trái.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự trợ sức của các nhà khoa học, tâm huyết của những ông chủ vườn cam, một thời gian không xa tới đây, cam xoàn sẽ có tên, có tuổi như bưởi Năm Roi Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, giúp người dân xứ Hậu Giang ngày càng ấm no, sung túc.

Với đặc trưng ngon, ngọt, cam xoàn luôn được thương lái “xếp hàng” mua với giá cao.

Ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: “Thấy được tiềm năng của cam xoàn, Sở đã hỗ trợ HTX cam xoàn Phương Phú xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho trái cam xoàn với tên thương hiệu là “Cam xoàn Phụng Hiệp”. Dự kiến, trong năm nay sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hồ sơ và công bố nhãn hiệu. Sở đã mời các nhà khoa học nhiều kinh nghiệm từ Trường Đại học Cần Thơ về thực hiện đề tài “Nâng cao năng suất, chất lượng cam xoàn Phụng Hiệp và xoài cát Bảy Ngàn theo tiêu chuẩn VietGAP” để cam xoàn có chỗ đứng trên thị trường không chỉ vì thương hiệu mà còn vì phẩm chất đặc trưng riêng không loại cam nào có được”.

TRÚC LINH

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang