• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phục tráng để giữ chất lượng và thương hiệu cam Vinh

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 30/11/2016
Ngày cập nhật: 2/12/2016

Ngày 17/12/2010, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Cam Vinh" cho sản phẩm cam quả Nghệ An. Đây là cơ sở và điều kiện để Nghệ An tổ chức phát triển, mở rộng giống cam Vinh trên quy mô lớn gắn với thương hiệu độc quyền nổi tiếng để sản xuất và kinh doanh giống cam đặc sản này.

Có một điều mà rất nhiều người thắc mắc: Tại sao cam Xã Đoài trồng trên vùng đất Xã Đoài thì ăn ngon, thơm; nếu đưa đi trồng ở một vùng đất khác thì chất lượng ngon và thơm giảm đi rõ rệt? Để trả lời câu hỏi này, theo ông Phan Công Hưởng - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Diên (Nghi Lộc) cho biết: Cam Xã Đoài ngon, thơm có tiếng trước hết nhờ có giống cam tốt, lại được trồng trên nền đất thịt nặng có tầng canh tác sâu và hàng năm được bồi đắp thêm một lớp phù sa lắng đọng của kênh nhà Lê.

Trước hết là giống tốt, sau đó là có đất tốt. Nhưng đất ở vùng Xã Đoài có đặc điểm khá đặc biệt so với đất ở nhiều vùng khác; đó là: phía dưới tầng đất canh tác nếu đào sâu xuống khoảng 80 - 100 cm sẽ thấy một lớp vỏ sò, hến, ốc biển đã và đang phân hủy. Đây là đặc điểm của loại đất này cùng với giống cam tốt đã tạo nên hương vị thơm ngon nổi tiếng của giống cam Xã Đoài.

Cam Vinh, sản phẩm trên địa bàn Nghệ An được chỉ dẫn địa lý của tỉnh (Ảnh tư liệu).

Cái khác của cam Xã Đoài so với tất cả các giống cam khác không chỉ về chất lượng thơm, ngon mà còn rất khác về thời gian ra hoa và quả chín. Cam xã Đoài ra hoa vào tiết Lập xuân và chín rộ vào giáp Tết Nguyên đán. Vì vậy giống cam này rất được quý trọng bởi không những thơm, ngon mà còn được người dân khắp nơi tìm đến mua về để thờ cúng những ngày Tết hoặc làm quà tặng bạn bè gần xa.

Nhưng thật đáng buồn, cam Xã Đoài không còn như ngày xưa nữa. Cây cam đang già nua và còi cọc dần, số quả ra trên mỗi cây cũng giảm dần, quả lại nhỏ, hạt nhiều. Đây là hiện tượng thoái hóa về mặt sinh học. Bất cứ một loại giống cây trồng nào, gieo trồng lâu năm nếu không được phục tráng sẽ phát sinh hiện tượng thoái hóa được biểu hiện rõ về mặt sinh trưởng lẫn phát triển.

Với cây cam, biểu hiện rõ nhất là từ chỗ không có hoặc có rất ít hạt, dần dần trở thành quả cam ngày càng nhiều hạt, quả nhỏ lại, vỏ quả dày thêm và chất lượng quả cũng giảm dần về độ ngọt và hương vị thơm. Do không được phục tráng lại giống cam kịp thời, cùng với việc đầu tư chăm sóc không đầy đủ, nên tốc độ thoái hóa cây cam nhanh, kéo theo hiệu quả kinh tế giảm dần. Vì vậy, nhiều vườn cam bị xóa bỏ hoặc thu hẹp dần để trồng cây khác.

Từ chỗ cả xã Nghi Diên năm 1980 đang có 80 ha cam, nay chỉ còn lại hơn 10 ha cam được trồng rải rác chủ yếu ở xóm 1, xóm 8 và xóm 9. Hiện tại ở Nghi Diên số hộ dân có vườn cam từ 30 cây trở lên chỉ đếm đầu ngón tay được 14 - 15 hộ. Trong đó hộ có vườn cam vào loại đẹp nhất là hộ ông Nguyễn Văn Phúc ở xóm 8. Ông Phúc cho biết: Nhà ông có 30 gốc cam, chỉ có 10 gốc phát triển tốt nhất, bình quân mỗi gốc cho thu hoạch 100 quả, 20 gốc còn lại chỉ cho thu hoạch từ 60 - 70 quả/cây. Tết năm nay nhiều khách hàng đã đến đặt tiền cọc để mua với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/quả tùy loại cam quả to hay nhỏ.

Đến nay thì cam Xã Đoài không còn bó hẹp ở vùng Xã Đoài nữa, nó đã được đem đi trồng ở nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh nhờ có phương pháp nhân giống vô tính bằng cách lấy mắt ghép ở cành cam Xã Đoài ghép lên gốc cây trấp, gốc cây bưởi vẫn cho quả thơm, ngon hơn hẳn các giống cam khác rất nhiều và có chất lượng tương đương cam Xã Đoài chính thống.

Hiện tại cam Xã Đoài được trồng bằng phương pháp nhân giống vô tính đã có mặt ở nhiều vùng trong cả nước. Riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có các vùng cam ngon nổi tiếng hiện nay như: Cam Sơn Tây (Hương Sơn - Hà Tĩnh), cam Bãi Phủ (Con Cuông), cam Minh Thành, cam Thịnh Thành, cam Đồng Thành (Yên Thành), cam Xuân Thành, cam 3/2 (Quỳ Hợp)… Tất cả những vùng cam này đều trồng bằng cây giống được ghép bằng mắt ghép giống cam Xã Đoài và được trồng trên đất dưới chân các núi đá vôi (còn gọi là lèn đá). Vì vậy cam rất ngon và thơm, không khác gì so với cam Xã Đoài chính thống.

Hiện nay diện tích cam toàn tỉnh đang có 3.425 ha, trong đó có 2.042 ha cam kinh doanh, sản lượng cam năm 2016 dự kiến thu được từ 28.000 - 30.000 tấn. Trong số này có 75 - 80% là cam trồng bằng mắt ghép cam Xã Đoài, số còn lại là cam V2 và cam Vân Du. Địa phương trồng nhiều cam Xã Đoài là: Quỳ Hợp 1.115 ha, Yên Thành 429 ha, Con Cuông 25 ha, Anh Sơn 185 ha,…

Vấn đề mà người dân vùng Xã Đoài nói riêng, cả tỉnh Nghệ An nói chung quan tâm nhất là hiện nay làm thế nào để giữ lấy chất lượng và thương hiệu cam Vinh trên thị trường hiện nay.

Hình minh họa- Đào Tuấn

Đây là vấn đề không riêng gì người trồng cam quan tâm và lo lắng sợ giống cam mang thương hiệu cam Vinh "thất truyền thiên hạ đệ nhất cam" do chất lượng cam xuống cấp, kéo theo diện tích cam cũng giảm dần. Trước thực trạng này, nhiều năm qua Sở KH&CN đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư nhiều kinh phí cho việc nghiên cứu, phục trang giống cam Xã Đoài. Nhưng xem ra vẫn chưa giải quyết được mục tiêu đề ra. Vì sao vậy? Theo chúng tôi có mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất, phương pháp nghiên cứu chưa đáp ứng yêu cầu vừa trẻ hóa giống cam, vừa tạo ra cây cam mới đúng bản chất là cây cam xã Đoài chính thống.

Thứ hai, chọn người, chọn đội ngũ nghiên cứu để phục tráng lại giống cam Xã Đoài chưa đủ cả năng lực và trình độ nghiên cứu. Thậm chí chưa hiểu biết gì nhiều về cây cam. Chỉ biết rằng những người được nhận đề tài nghiên cứu về phục tráng giống cam xã Đoài là những người có bằng cấp tiến sỹ, có học hàm phó giáo sư… Kết thúc cuối cùng cũng không thành công, nếu không nói là thất bại.

Thứ ba, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, phục tráng giống cam Xã Đoài chưa đủ để thực hiện quá trình nghiên cứu kéo dài.

Thứ tư, có thể do kinh phí bó hẹp, có thể do cả phương pháp nghiên cứu không rõ ràng. Vì vậy thời gian nghiên cứu để phục tráng giống cam Xã Đoài chưa đủ để nói rằng kết quả nghiên cứu đó thành công hay chưa thành công(?)

Theo chúng tôi và một số chuyên gia về cây ăn quả ở Nghệ An, muốn phục tráng lại giống cam Xã Đoài hay còn gọi là cam Vinh cần có các điều kiện sau đây:

- Phải có phương pháp nghiên cứu đúng với mục đích và yêu cầu là làm cho giống cam trẻ hóa lại từ đầu để kéo dài thời gian sinh trưởng, phát triển nối tiếp từ chu kỳ này sang chu kỳ khác.

- Phải có con người vừa có trình độ nghiên cứu, vừa hiểu biết nhiều về cây cam, vừa thật sự say mê nghiên cứu để chọn tạo ra giống cam đạt mục tiêu đề ra.

- Phải có đủ thời gian nghiên cứu, không phải là một năm, hai năm, ba năm mà ít nhất cũng phải từ 7 - 10 năm.

- Phải đảm bảo có đầy đủ kinh phí cho công tác nghiên cứu.

Về phương pháp phục tráng, chọn tạo lại giống cam Xã Đoài nên tiến hành đồng thời cả 2 phương pháp sau:

- Giải pháp trước mắt: Chọn cây tốt, cây khỏe, cây ít sâu bệnh, cây sai quả, quả to, quả ngọt, có hương vị thơm… Về bản chất cây được chọn có các đặc trưng đặc tính hoàn toàn giống cây cam Xã Đoài chính thống ngày xưa. Từ những cây cam được chọn này chọn những cành phía dưới gốc để chiết cành nhân giống vô tính đem đi trồng sau 2 - 3 năm sẽ cho quả.

Nhược điểm của phương pháp này là thời gian cho quả không kéo dài như cây giống gốc ban đầu. Hoặc từ những cây được chọn nói trên, chọn những cành cam bánh tẻ từ giữa thân cây cam trở lên, cắt lấy mắt ghép để ghép lên gốc cây trấp, cây bưởi vẫn cho ra quả nhiều, quả to, dáng cây khỏe. Cách làm này đang được tiến hành khá phổ biến ở hầu hết càc vùng trồng cam cả trong và ngoài tỉnh ta hiện nay.

- Giải pháp lâu dài: Từ những cây được chọn nói trên, chọn lại để lấy cây cam nào thật sự thỏa mãn các tiêu chí: Cây khỏe, cây có hình dạng phát triển đẹp, cành lá xum xuê, quả nhiều, quả to, quả có hình trụ, vỏ quả không dày và cũng không quá mỏng, quả mọng nước, màu sắc thịt quả vàng óng, có rất ít hạt, ăn vào miệng ngọt lịm và có mùi thơm dễ chịu, không sâu bệnh…

Từ cây cam này tạm gọi là cây đầu dòng, lấy hạt của cây cam này gieo lên để trồng. Trong số hàng chục, hàng trăm cây được trồng lên chọn lọc và loại bỏ dần những cây có hình dạng thân, cành, lá, quả, màu sắc ruột quả, hương vị quả… không giống như cây đầu dòng và chỉ giữ lại những cây đạt các tiêu chí giống như cây đầu dòng để lại làm giống. Phương pháp phục tráng, chọn giống như thế này phải mất ít nhất 6 - 7 năm và có thể kéo dài 8 - 10 năm mới cho kết quả tốt.

Từ kết quả phục tráng và chọn tạo giống cam nói trên, ta sẽ có giống cam có chất lượng tốt như giống cam Xã Đoài ngày xưa ta đã có cách đây trên dưới 100 năm.

Về địa điểm thực hiện để phục tráng giống cam Xã Đoài chỉ nên được tiến hành ngay trên vùng cam Xã Đoài ngày nay ở xã Nghi Diên (Nghi Lộc).

Doãn Trí Tuệ

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016

Xem các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175

Xem các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang