• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Nai đi từ "bốn có" đến “bốn mới”

Nguồn tin:  Nhân Dân, 06/10/2015
Ngày cập nhật: 7/10/2015

Những cánh đồng bắp năng suất cao, từ 10 đến 12 tấn/ha ở Đồng Nai.

Con đường khởi đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đồng Nai bắt đầu từ chủ trương “bốn có”. Đến nay, Đồng Nai là một trong những địa phương có số xã hoàn thành NTM nhiều nhất nước, trong đó hai đơn vị cấp huyện (Xuân Lộc, thị xã Long Khánh) đã hoàn thành chương trình NTM đầu tiên trong cả nước. Qua đó, đã tạo được diện mạo nông thôn “bốn mới” để hướng đến năm 2020 là tỉnh hoàn thành chương trình NTM.

Từ động lực mô hình “bốn có”

Trước khi có Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ năm 2006, Đồng Nai đã đi trước một bước bằng chủ trương xây dựng nông thôn với mục tiêu “bốn có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn bảo đảm; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Để cụ thể hóa mô hình này, Đồng Nai đã thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ và đã hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn. Trong đó, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất được xem là khâu đột phá nhằm tăng nhanh thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của nông dân ở vùng nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Ninh, nguyên cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc kể lại: “Trước đây, Xuân Lộc từng nổi tiếng là vùng chuyên canh cây bắp (ngô) lớn nhất của tỉnh Ðồng Nai. Có những năm, diện tích trồng bắp chiếm tới 30 đến 35% tổng diện tích gieo trồng hằng năm của huyện. Do nông dân sử dụng phương thức sản xuất manh mún, năng suất cao nhất chỉ đạt từ 1,7 đến 2 tấn/ha/vụ. Từ khi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng bắp, như áp dụng giống mới, trồng bắp hàng kép, đầu tư hệ thống thủy lợi… năng suất nhảy vọt lên gần bảy tấn/ha, tăng gấp hơn ba lần so với trước”. Và đến nay, chuyện trồng bắp cho thu nhập 100 triệu đồng/năm/ha ở Ðồng Nai không còn là chuyện lạ. Bởi, kể từ lúc đó cũng là lúc nông dân bắt đầu tiếp cận ứng dụng ngày càng nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa năng suất cây bắp lên từ 8 đến 12 tấn/ha. Cuộc bứt phá của cây bắp ở Ðồng Nai được xem là một thí dụ điển hình cho sự lựa chọn đúng đắn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, nâng thu nhập cho nông dân. Ðến nay, Ðồng Nai có diện tích bắp rộng lớn khoảng 56 nghìn ha, thu nhập bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm.

Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 6% trong cơ cấu kinh tế của Đồng Nai nhưng có hơn 60% số dân sống ở khu vực nông thôn. Từ động lực mô hình “bốn có”, Đồng Nai đã tập trung xây dựng NTM và việc xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân tỷ phú ở vùng nông thôn như chứng minh cho lời giải đúng đắn của chủ trương này.

Đi lên từ gian khó, đến nay mỗi năm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ năng suất cao Xuân Bắc (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) Hoàng Văn Đảm thu nhập hơn một tỷ đồng. Anh Đảm cho biết: “Tôi vào đây lập nghiệp từ năm 2004, hơn mười năm sau, tôi đã tạo cho mình một cơ nghiệp với bốn ha đất trồng xoài, quýt cho thu nhập một năm khoảng một tỷ đồng. Chỉ chín năm trước, đồi Sa-pi bị bỏ hoang hóa, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, từ khi triển khai chương trình NTM, Nhà nước đã đầu tư đường điện, trải thảm đường nhựa, bê-tông hóa… như “cánh tay nối dài” để khu vực này vươn mình phát triển. Khi các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Xuân Lộc hỗ trợ 30% vốn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, cây giống, phân bón…”. Đến nay, với 36 thành viên trong câu lạc bộ canh tác trên diện tích gần 80 ha, ít nhất mỗi thành viên cũng thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Ở đây có nhiều hộ một năm thu hơn một tỷ đồng từ tiền thu hoạch xoài, quýt đường.

Việc hình thành những vùng chuyên canh nông sản năng suất cao rộng lớn, kết hợp với việc áp dụng khoa học - công nghệ đang giúp nông dân tăng nhanh thu nhập ở Đồng Nai. Tính hết năm 2014, giá trị sản xuất trên một ha diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt gần 100 triệu đồng/ha. Qua đó, đưa thu nhập bình quân của người dân nông thôn gần 33 triệu đồng/người/năm (so với năm 2011 tăng 8,85 triệu đồng/người/năm).

“Bốn mới” tạo tiền đề phát triển

Tính đến cuối tháng 7-2015, Đồng Nai có 63/136 xã hoàn thành các tiêu chí, 57/136 xã hoàn thành từ 14 đến 18 tiêu chí NTM. Địa phương này phấn đấu đến cuối năm 2015, ít nhất có thêm ba đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình NTM. Không chỉ đi đầu cả nước, mà thông qua việc xây dựng NTM, Đồng Nai đã cơ bản tạo ra nông thôn “bốn mới”: Con người mới, diện mạo mới, sức sống mới và động lực phát triển mới. Tại các xã hoàn thành xây dựng NTM, người nông dân đã thực hiện được “bốn xóa”: Xóa tư tưởng trông chờ ỷ lại; xóa vườn tạp, xóa độc canh; xóa tư tưởng lạc hậu, cổ hủ, tệ nạn; xóa cái nghèo. Cũng chính nhờ xóa được “tư tưởng trông chờ ỷ lại” vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước, nông dân đã góp sức người, sức của rất lớn trong xây dựng NTM. Cụ thể, trong 12 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM ở huyện Xuân Lộc, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm hơn 12%; thị xã Long Khánh, ngân sách đầu tư khoảng 9% trong tổng số hơn tám nghìn tỷ đồng. Trên địa bàn toàn tỉnh, tổng vốn đầu tư hơn 62 nghìn tỷ đồng, ngân sách nhà nước chỉ chiếm 15%, còn lại huy động từ xã hội, trong đó chủ yếu là sức dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh, điều cốt lõi nhất trong xây dựng NTM là đời sống vật chất, tinh thần nông dân thật sự tăng lên, trao cho nông dân một “cần câu” bền vững. Nhưng muốn làm được, phải đào tạo đội ngũ nông dân thật sự mới, có đủ trình độ, năng lực, nhạy bén trong tổ chức sản xuất để làm động lực phát triển mới. Cũng chính từ quan điểm đó, nhiều nông dân được tỉnh Đồng Nai cho đi học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Ông Lý Phát Sinh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc sau khi được đi Phi-li-pin học tập kỹ thuật trồng bắp đã áp dụng trên diện tích gần bảy ha của mình. Nhờ áp dụng các kỹ thuật mới, năng suất bắp tăng lên 10 đến 12 tấn/ha nên ông Sinh được người dân tại địa phương gọi là “vua bắp”. Cũng chính từ mô hình của ông, hơn 400 hộ dân ở xã Lang Minh học cách làm theo và cùng thành lập Câu lạc bộ năng suất cao Lang Minh để sản xuất theo quy mô lớn. Hiệu quả mang lại là thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng gấp hai lần so với trồng lúa như trước đây.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, nông nghiệp Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa tạo được sức cạnh tranh và nông dân vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư GS, TS Phùng Hữu Phú cho rằng: “Áp lực đầu tiên là năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa trong tiến trình hội nhập còn thấp, cho nên chúng ta phải khẳng định từng bước thương hiệu và phải sản xuất, kinh doanh có lãi. Áp lực này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa, phải phá vỡ điểm nghẽn hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Như ở Đồng Nai, lực lượng lao động có chất lượng được đào tạo cơ bản còn ít nên bị hạn chế năng suất, chất lượng và hiệu quả. Theo tôi, vượt qua áp lực này không còn cách nào khác là cần có sự đột phá vào nguồn nhân lực ở nông thôn”.

CAO TÂN

Các tin mới:

7/10/2015
7/10/2015
7/10/2015
7/10/2015
7/10/2015
7/10/2015
7/10/2015
7/10/2015
7/10/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang